Rác thải sinh hoạt TP HCM: Mô hình thành công từ cộng đồng cần nhân rộng
03/01/2023TN&MTNhiều vấn đề chất thải sinh hoạt và môi trường chỉ có thể giải quyết toàn diện và lâu dài nếu có sự tham gia của cộng đồng cũng như doanh nghiệp đang được áp dụng hiệu quả tại TP HCM.
Thực tiễn ở TP HCM qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 19 về Cuộc vận động “Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, đã có nhiều mô hình, chương trình, hoạt động giảm rác thải được thực hiện có hiệu quả và được duy trì, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, địa phương. Những mô hình này đang ngày càng cho thấy hiệu quả thực sự đối với việc quản lý rác thải và bảo vệ môi trường của Thành phố, mang lại lợi ích cộng đồng to lớn.
Rác thải nhựa đổi lấy quà
Một trong những chương trình bảo vệ môi trường được nhiều địa phương trên địa bàn TP HCM thực hiện trong thời gian qua là “Đổi rác thải nhựa - rác nguy hại lấy quà”. Người dân có thể mang rác thải sinh hoạt có thể tái chế đến các điểm tiếp nhận tại địa phương để đổi lấy một số vật phẩm như: gạo, mì gói, tập vở, cây xanh, túi nylon tự hủy… Chương trình nhận được sự ủng hộ và tham gia hưởng ứng của nhiều người dân.
Xử lý rác thải được thực hiện từ cộng đồng dân cư khi đổi rác thải nhựa lấy quà thiết thực tại TP HCM.
Tại Quận 1, hoạt động “Đổi rác thải nhựa - rác nguy hại lấy quà” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn Thanh niên Quận phối hợp tổ chức mỗi tuần một lần từ giữa tháng 9 cho đến hết tháng 12/2022. Bí thư Đoàn Thanh niên Quận 1 Trần Đỗ Nam Long cho biết, chương trình tập trung thu nhận các loại rác thải nhựa khô, không tích trữ nước cùng một số loại rác thải tái chế được như giấy và bìa carton. Người dân chỉ cần mang 1 kg rác thải nhựa hoặc rác tái chế các loại sẽ được đổi lấy 1 kg gạo cùng một số nhu yếu phẩm và các chậu cây xanh. Trong 2 tuần đầu thực hiện, hơn 1 tấn gạo đã được đổi cho người dân, thu về khối lượng tương đương rác thải nhựa đem đi tái chế, góp phần bảo vệ môi trường địa phương. Tích cực hưởng ứng chương trình, anh Lê Minh Tâm (ngụ phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1) chia sẻ, đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tuyên truyền cho người dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường; đồng thời giúp hỗ trợ một phần nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy việc đổi rác lấy quà chỉ là những hành động nhỏ nhưng đã mang lại kết quả lớn cùng hiệu ứng lan tỏa.
Tại huyện Nhà Bè, Liên đoàn Lao động huyện thực hiện khảo sát các khu nhà trọ trên địa bàn, phối hợp với chủ nhà trọ thực hiện tuyên truyền cho công nhân, người lao động đang thuê ở trọ về ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh quanh khu vực sinh sống. Huyện cũng vận động người dân, các chủ nhà trọ xây dựng và triển khai những mô hình “khu nhà trọ văn minh, sạch đẹp”; trao tặng thùng rác tại các khu nhà trọ nhằm hạn chế tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định; trao tặng túi thân thiện với môi trường nhằm giáo dục cho công nhân lao động về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường…
Nhằm hưởng ứng phong trào giảm chất thải nhựa, từ cuối năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 10 (Quận 6) đã triển khai mô hình “Khởi nghiệp từ mô hình tái chế rác thải” với sự tham gia của hơn 20 hội viên. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 10 (Quận 6), mô hình được thành lập với mong muốn lan tỏa thông điệp “tái chế đồ vật cũ để tiếp tục sử dụng thay vì vứt đi”. Đến nay, các hội viên phụ nữ đã thiết kế được khoảng 50 sản phẩm đa dụng và thân thiện môi trường như: dụng cụ ăn uống làm từ tre nứa, giỏ mây, túi nylon tự phân hủy… để sử dụng cho gia đình và kết hợp kinh doanh. Nguồn thu từ sản phẩm tái chế được đóng góp vào quỹ Hội để thực hiện các chương trình an sinh xã hội và tạo việc làm cho hội viên phụ nữ kiếm thêm thu nhập ngoài giờ.
Nhiều tổ chức về môi trường trong và ngoài nước cũng đồng hành cùng các địa phương trong việc thực hiện giảm rác thải. Cụ thể như Dự án “Khu phố Xanh” do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) cùng Đại sứ quán Thụy Sĩ, Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương phối hợp với chính quyền địa phương triển khai tại phường Đa Kao (Quận 1) và phường 14 (Quận 10) vào giữa năm 2022. Trong khuôn khổ Dự án diễn ra nhiều hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân như: tập huấn tái chế rác sinh hoạt gia đình; thực hành xử lý rác hữu cơ; gian hàng workshop làm đồ tái chế từ rác… Đồng thời, Dự án còn xây dựng nhiều hạng mục công trình tại địa phương như: tranh tường cổ động bảo vệ môi trường, mảng xanh cộng đồng, thùng rác tái chế cho mỗi gia đình, máy xử lý rác hữu cơ sử dụng chung cho các khu chung cư…
Theo bà Thới Thị Châu Nhi, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển, Dự án “Khu phố Xanh” nhằm xây dựng mô hình thí điểm một khu dân cư sống xanh và thân thiện với môi trường ngay tại địa phương. Qua đó, mang đến một không gian sống xanh - sạch - đẹp cho người dân; đồng thời lan tỏa thông điệp “mỗi cá nhân đều có thể đóng góp cho việc bảo vệ môi trường chỉ bằng những hành động nhỏ mỗi ngày”. Trung tâm kỳ vọng dự án sẽ được đón nhận và nhân rộng ra các quận, huyện khác, góp phần truyền cảm hứng để người dân TP HCM có thể sống “xanh” hơn mỗi ngày.
Doanh nghiệp đồng hành cùng cộng đồng để xử lý rác thải
Hưởng ứng mục tiêu giảm thiểu rác thải khó phân hủy ra ngoài môi trường, nhiều cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn TP HCM đang dần thay thế những dụng cụ ăn uống làm từ nhựa chuyển dần sang các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, dễ phân hủy, thân thiện môi trường như: ống hút bột gạo, hộp bã mía, hộp lúa mạch, túi nylon phân hủy sinh học…
Bên cạnh đó có sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Chị Hoàng Kim Hương, quản lý một cửa hàng bánh ngọt và đồ uống trên đường Cao Thắng (Quận 3) cho biết, khách hàng ngày nay không chỉ có yêu cầu cao về chất lượng món ăn mà còn yêu cầu việc ăn uống không gây tác động xấu đến môi trường. Cửa hàng của chị từ khi sử dụng các sản phẩm hộp bã mía, túi đựng thân thiện môi trường thay cho hộp xốp, túi nylon đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, lượng khách dần tăng lên; đồng thời, tạo sự lan tỏa trên mạng xã hội.
Theo chị Hương, khách hàng ngày càng có xu hướng lựa chọn những thương hiệu sử dụng các sản phẩm bao bì, hộp đựng thân thiện môi trường. Như vậy, sản phẩm nhựa sẽ dần mất chỗ đứng.
Cùng quan điểm, anh Điền Trần Bảo Long, chủ một quán cafe ở Quận 1 cho biết, khoảng hai năm nay, quán của anh đã bỏ hẳn ống hút nhựa để thay bằng các loại ống thân thiện môi trường. Tuy giá thành của những loại ống hút này cao hơn nhưng giá trị đổi lại rất xứng đáng. Anh Long cho rằng, trong kinh doanh, vấn đề chi phí rất quan trọng nhưng không vì thế mà người làm kinh doanh bỏ qua trách nhiệm với xã hội. Hơn nữa, một bộ phận khách hàng hiện nay sẵn sàng chấp nhận giá thành tăng để bảo vệ môi trường. Các sản phẩm thân thiện môi trường cũng có nhiều mức giá ưu đãi cho doanh nghiệp nếu mua số lượng lớn.
Ghi nhận tại nhiều điểm kinh doanh trên địa bàn TP HCM cho thấy, các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đã tham gia thực hiện nhiều hoạt động góp phần kiểm soát rác thải. Cụ thể như Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam với Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần” được triển khai từ năm 2019 với nhiều chương trình dài hạn nhằm chung tay cùng khách hàng giảm thiểu rác thải nhựa ra ngoài môi trường như: Có quầy thu ngân AEON ECO ưu tiên cho khách hàng không dùng túi nylon; hoạt động “Chọn túi riêng - Chọn sống khỏe” tặng 1.000 đồng trên mỗi hóa đơn cho khách hàng dùng túi riêng khi mua sắm tại hệ thống AEON trên toàn thành phố; sáng kiến “Cho khách hàng mượn túi thân thiện môi trường”; chuyển đổi thẻ thành viên chất liệu nhựa và phiếu chiết khấu giấy sang ứng dụng di động… Từ năm 2019, AEON Mall Việt Nam dừng hoàn toàn việc bày bán và cung cấp các sản phẩm nhựa dùng 1 lần (khay, tô, dĩa, ống hút) tại hệ thống AEON Mall ở TP HCM và trên toàn quốc.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm, Công ty TNHH Agriculture Việt Nam, Công ty TNHH Hapag Lloyd Việt Nam… kết hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA tổ chức nhiều chương trình dọn rác biển Cần Giờ và trồng rừng tại Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ với mong muốn phần nào giảm tác động của rác thải ô nhiễm, thêm sắc xanh và không khí trong lành cho người dân. Thông qua các hoạt động, hàng nghìn cây xanh đã được trồng tại rừng Cần Giờ và hàng trăm kg rác thải đã được thu dọn tại khu vực biển.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Nhận thức được vấn đề này, hiện nay tại Thành phố đã có nhiều doanh nghiệp ngày càng chú trọng phát triển bền vững, đóng góp nhân lực và kinh phí để đồng hành cùng người dân và địa phương thực hiện tốt việc quản lý rác thải. Đó là tín hiệu tích cực và cơ sở tốt nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở TP HCM.
Xem thêm:
Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: TP HCM có tỉ lệ chôn lấp vẫn còn cao
Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Hải Phòng cần sớm xử lý 137 bãi rác tạm
Đỗ Hùng - Bảo Bảo