Hiện trạng nghề nuôi lồng bè ở một số khu vực tại vùng biển Quảng Ninh
16/12/2024TN&MTTại khu vực miền Bắc, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Kết quả điều tra khảo sát hiện trạng nghề nuôi lồng bè ở một số khu vực tại vùng biển Quảng Ninh vào tháng 6 năm 2024 cho thấy, tại khu vực Hoàng Tân, các điểm nuôi hộ gia đình có diện tích từ 1.000 đến 3.000 m² và kinh nghiệm nuôi trên 10 năm, hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè và nuôi hàu treo dây.
Tại khu vực Cẩm Phả, các điểm nuôi hộ gia đình có diện tích từ 100.000 m² đến 300.000 m², với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi, hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè và nuôi hàu treo dây. Tại khu vực Vân Đồn, các điểm nuôi hộ gia đình có diện tích từ 1.000 m² đến 4.000 m², có thuê thêm từ 1 đến 3 nhân công và kinh nghiệm nuôi từ 6 đến trên 10 năm, hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè, nuôi hàu treo dây. Tại khu vực Đầm Hà, các điểm nuôi hộ gia đình có diện tích trung bình khoảng 300m² và gần 10 năm kinh nghiệm nuôi, hình thức nuôi là nuôi hàu treo dây và nuôi cá lồng bè. Tại khu vực Móng Cái, các điểm nuôi hộ gia đình có diện tích dưới 10.000 m² và kinh nghiệm nuôi từ 5 đến 10 năm, hình thức nuôi hàu bằng bè tre (treo dây).
Từ khóa: Nuôi trồng thủy sản, lồng bè, vùng biển, Quảng Ninh.
Đặt vấn đề
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh trên thế giới. Nuôi lồng bè tại Việt Nam chủ yếu là nuôi cá, nuôi nhuyễn thể. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước [1].
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản vùng miền Bắc. Vùng biển Quảng Ninh đa dạng về địa hình, chất đáy nên có nhiều hệ sinh thái đặc trưng của vùng biển nhiệt đới gồm hệ sinh thái vùng cửa sông, hệ sinh thái vùng bãi triều, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô [2]. Với chiều dài đường bờ biển hơn 250 km và 2.077 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước), vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Diện tích nuôi trồng hải sản (mặn và lợ) của Quảng Ninh lớn nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm trên 46,6% [4].
Tại Quảng Ninh, có hai hình thức nuôi trồng thủy sản trên biển cho các đối tượng nuôi khác nhau là nuôi lồng bè thường sử dụng cho nuôi cá, nuôi giàn bè thường sử dụng cho nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Quảng Ninh đã chứng tỏ được những hiệu quả kinh tế rõ ràng, nhưng cũng phải đối mặt vô số thách thức trong suốt quá trình phát triển mà chủ yếu liên quan đến việc phát triển ồ ạt với số lượng lồng, bè quá dày đặc. Hiện nay, nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đang đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu nguồn giống, thiếu quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh,... [3]. Bài báo trình bày kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng nghề nuôi lồng bè ở một số khu vực tại vùng biển Quảng Ninh.
Phạm vi và phương pháp nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu
Các khu vực khảo sát đánh giá hiện trạng nghề nuôi lồng bè tại vùng biển Quảng Ninh, bao gồm: Khu vực Hoàng Tân, khu vực Cẩm Phả, khu vực Vân Đồn, khu vực Đầm Hà, khu vực Móng Cái. Các điểm khảo sát, đánh giá tại mỗi khu vực được thể hiện trên Hình 1. Thời gian khảo sát, thu thập thông tin vào tháng 6/2024.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều tra
Xây dựng và sử dụng các phiếu hỏi để thu thập các thông tin về hiện trạng nghề nuôi lồng bè ở một số khu vực tại vùng biển Quảng Ninh.
Phương pháp phỏng vấn
Tiến hành các cuộc phỏng vấn các hộ gia đình, cá nhân nuôi lồng bè tại khu vực điều tra khảo sát. Các cuộc phỏng vấn giúp thu thập thông tin về: Diện tích nuôi; số lượng lao động; hình thức nuôi; số lồng nuôi; thời gian, kinh nghiệm nuôi; số vụ nuôi và nguồn giống; nguồn thức ăn; rác thải nhựa (loại và lượng) phát sinh.
Phương pháp quan sát
Quan sát hoạt động nuôi lồng bè tại khu vực điều tra khảo sát.
Phương pháp xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm Microsoft Excel để xử lý các số liệu thu được từ kết quả điều tra khảo sát.
Hình 1. Vị trí các điểm khảo sát
Kết quả và bàn luận
Khu vực Hoàng Tân
Từ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng nghề nuôi lồng bè tại khu vực Hoàng Tân, cho thấy: Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Hoàng Tân đều có quy mô nuôi hộ gia đình với diện tích dao động từ 1000 đến 3000 m2. Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nuôi lồng bè (trên 10 năm). Hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè và nuôi hàu treo. Đối tượng nuôi chủ yếu tại khu vực Hoàng Tân là cá giò, cá song và Hàu được nhập giống từ Trung Quốc và miền Nam. Mùa vụ nuôi phụ thuộc vào đối tượng nuôi, theo đó, cá giò thường nuôi 1 vụ/năm, cá song nuôi 1 vụ, từ 2 đến 3 năm, thời gian nuôi hàu dao động từ 8 đến 12 tháng. Nguồn thức ăn được cung cấp từ tự nhiên (hàu ăn lọc nước tự nhiên) hoặc khi cá bé cho ăn cám công nghiệp, lúc cá lớn thì ăn cá vụn thái nhỏ (đối với nuôi cá lồng bè). Tại khu vực này có phát sinh các chất thải nhựa ra biển chủ yếu do các vật liệu làm bè: bè tre và phao nhựa truyền thống, thùng phuy nhựa để làm bè, lồng/phao nuôi từ xốp, gỗ.
Khu vực Cẩm Phả
Từ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng nghề nuôi lồng bè tại khu vực Cẩm Phả, cho thấy: Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Cẩm Phả đều có quy mô nuôi rộng lớn là các hộ gia đình tập trung với diện tích nuôi dao động từ 100.000 m2 đến 300.000 m2. Có kinh nghiệm trên 10 năm trong lĩnh vực nuôi trồng. Hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè và nuôi hàu treo dây. Đối tượng nuôi chủ yếu tại khu Cẩm Phả là cá giò, cá song, cá chim biển, cá dìa, cá vược và hàu được nhập giống từ Trung Quốc và miền Nam. Mùa vụ nuôi phụ thuộc vào đối tượng nuôi, theo đó, cá giò thường nuôi 1 vụ/năm, cá song nuôi 1 vụ từ 2 đến 3 năm, cá vược nuôi 1 vụ/năm, cá dìa nuôi 4 tháng trời mát, cá chim biển nuôi 1 vụ/năm. Nguồn thức ăn được cung cấp từ tự nhiên (hàu ăn lọc nước tự nhiên) hoặc khi cá bé cho ăn cám công nghiệp, lúc cá lớn thì ăn cá vụn thái nhỏ (đối với nuôi cá lồng bè). Tại khu vực này, những vật liệu truyền thống (xốp, gỗ và thùng phuy làm lồng bè) vẫn còn nhưng chỉ chiếm từ 20 đến 30%, 70% là loại vật liệu mới (HDPE).
Khu vực Vân Đồn
Từ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng nghề nuôi lồng bè tại khu vực Vân Đồn, cho thấy: Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Vân Đồn đều có quy mô nuôi hộ gia đình (có thuê thêm từ 1 đến 3 nhân công) với diện tích nuôi dao động từ 1000 m2 đến 4000 m2. Có kinh nghiệm từ 6 đến trên 10 năm trong nghề nuôi trồng. Hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè, nuôi hàu theo dây (nuôi hàu treo). Đối tượng nuôi chủ yếu tại khu Vân Đồn là cá giò, cá song, cá chim biển, cá dìa, cá vược và hàu được nhập giống từ Trung Quốc và miền Nam. Mùa vụ nuôi phụ thuộc vào đối tượng nuôi, theo đó, cá giò thường nuôi 1 vụ/năm, cá song nuôi 1 vụ từ 2 đến 3 năm, cá vược nuôi 1 vụ/năm, cá dìa nuôi 4 tháng trời mát, cá chim biển nuôi 1 vụ/năm, thời gian nuôi hàu dao động từ 9 đến 11 tháng. Nguồn thức ăn được cung cấp từ tự nhiên (hàu ăn lọc nước tự nhiên) hoặc khi cá bé cho ăn cám công nghiệp, lúc cá lớn thì ăn cá vụn thái nhỏ (đối với nuôi cá lồng bè). Tại khu vực này, bên cạnh những vật liệu làm lồng nuôi cá thì đa phần vẫn là loại cũ (gỗ, phao xốp và thùng phuy); đã có sự cải tiến về vật liệu làm bè nuôi để hạn chế phát sinh các chất thải nhựa ra biển: Dàn làm bè treo hàu, bè treo hàu là loại vật liệu nhựa mới (HDPE), ở đây đã phổ biến tới 90% là loại vật liệu mới này.
Khu vực Đầm Hà
Từ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng nghề nuôi lồng bè tại khu vực Đầm Hà, cho thấy: Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Đầm Hà đều có quy mô nuôi hộ gia đình với diện tích trung bình khoảng 300 m2 tại mỗi điểm khảo sát. Có kinh nghiệm gần 10 năm trong lĩnh vực nuôi trồng. Hình thức nuôi là nuôi hàu treo dây và nuôi cá lồng bè. Đối tượng nuôi chủ yếu tại khu Đầm Hà là cá giò, cá song và Hàu được nhập giống từ Trung Quốc và miền Nam. Mùa vụ nuôi phụ thuộc vào đối tượng nuôi, theo đó, cá giò thường nuôi 1 vụ/năm, cá song nuôi 1 vụ từ 2 đến 3 năm, thời gian nuôi hàu dao động từ 9 đến 11 tháng. Nguồn thức ăn được cung cấp từ tự nhiên (hàu ăn lọc nước tự nhiên) hoặc khi cá bé cho ăn cám công nghiệp, lúc cá lớn thì ăn cá vụn thái nhỏ (đối với nuôi cá lồng bè). Tại khu vực này, bên cạnh những vật liệu truyền thống (xốp, tre, gỗ và thùng phuy làm lồng bè), đã có sự cải tiến về vật liệu làm bè nuôi để hạn chế phát sinh các chất thải nhựa ra biển: Sử dụng vật liệu nhựa thay thế (HDPE) và xen kẽ với các vật liệu phao xốp, tỷ lệ ở khu vực này khoảng 60% HDPE, 40% phao xốp.
Khu vực Móng Cái
Từ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng nghề nuôi lồng bè tại khu vực Móng Cái, cho thấy: các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Móng Cái đều có quy mô nuôi hộ gia đình với diện tích khoảng dưới 10.000 m2. Có kinh nghiệm từ 5 năm đến 10 năm trong lĩnh vực nuôi lồng bè. Hình thức nuôi hàu bằng bè tre, đối tượng nuôi chủ yếu tại khu vực Móng Cái là hàu được nhập giống từ Trung Quốc và miền Nam, mùa vụ nuôi dao động từ 9 đến 11 tháng. Nguồn thức ăn được cung cấp từ tự nhiên (hàu ăn lọc nước tự nhiên). Tại khu vực này có phát sinh các chất thải ra biển chủ yếu do các vật liệu làm bè: thùng phuy nhựa để làm bè, lồng/phao nuôi từ xốp, gỗ.
Kết luận
Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Hoàng Tân đều có quy mô nuôi hộ gia đình với diện tích dao động từ 1000 đến 3000 m2, hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè và nuôi hàu treo dây, đối tượng nuôi chủ yếu tại khu vực Hoàng Tân là cá giò, cá song và hàu. Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Cẩm Phả đều có quy mô nuôi rộng lớn là các hộ gia đình tập trung với diện tích nuôi dao động từ 100.000 m2 đến 300.000 m2, hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè và nuôi hàu treo dây, đối tượng nuôi chủ yếu tại khu Cẩm Phả là cá giò, cá song, cá chim biển, cá dìa, cá vược và hàu. Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Vân Đồn đều có quy mô nuôi hộ gia đình (có thuê thêm từ 1 đến 3 nhân công) với diện tích nuôi dao động từ 1000 m2 đến 4000 m2, hình thức nuôi là nuôi cá lồng bè, nuôi hàu treo dây, đối tượng nuôi chủ yếu tại khu Vân Đồn là cá giò, cá song, cá chim biển, cá dìa, cá vược và hàu. Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Đầm Hà đều có quy mô nuôi hộ gia đình với diện tích trung bình khoảng 300 m2 tại mỗi điểm khảo sát, hình thức nuôi là nuôi hàu treo dây và nuôi cá lồng bè, đối tượng nuôi chủ yếu tại khu Đầm Hà là cá giò, cá song. Các điểm nuôi được khảo sát tại khu vực Móng Cái đều có quy mô nuôi hộ gia đình với diện tích khoảng dưới 10.000 m2, hình thức nuôi hàu bằng bè tre, đối tượng nuôi chủ yếu tại khu vực Móng Cái là hàu.
Lời cảm ơn: Nghiên cứu này là kết quả của đề tài được thực hiện tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST07.05/24-25). Tập thể tác giả bày tỏ lòng biết ơn tới Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu.
Tài liệu tham khảo
1. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 2019. Tổng quan ngành thủy sản Việt Nam;
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, 2016. Báo cáo tổng hợp: Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
3. Cao Thị Thu Trang, 2020. Báo cáo tổng kết nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh Quảng Ninh “Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của các vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản và công bố các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường”. Viện Tài nguyên và Môi trường biển;
4. UBND tỉnh Quảng Ninh, 2022. Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
LÊ VĂN NAM*, CAO THỊ THU TRANG, BÙI THỊ MINH HIỀN,
NGUYỄN ĐẮC VỆ, NGUYỄN THỊ MAI LỰU, NGUYỄN THỊ THU HÀ,
ĐINH HẢI NGỌC, ĐINH VĂN NHÂN
1 Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 15 (Kỳ 1 tháng 8) năm 2024