Việt Nam - Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất
11/12/2024TN&MTNgày 11/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất”, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin của Ủy ban châu Âu (TAIEX).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, thời gian qua, sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến khai thác nước dưới đất gia tăng, quá trình đô thị hóa dẫn đến bê tông hóa bề mặt, làm giảm việc thấm, ngấm từ nước mưa, nước mặt cho nước dưới đất, trong khi cấp thấm, ngấm từ nước mưa, nước mặt là nguồn cung cấp chủ yếu cho nước dưới đất. Từ đó, dẫn đến suy giảm mực nước, suy thoái tầng chứa nước dưới đất. Thực tế cho thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều khu vực đô thị đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái các tầng chứa nước dưới đất.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà phát biểu
Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật đã có các quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và bổ cập nhân tạo nước dưới đất nhằm phục hồi nguồn nước dưới đất tại những khu vực bị suy thoái, cạn kiệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam được nhận định “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”. Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà cũng cho biết, Luật Tài nguyên nước 2023 quy định việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải căn cứ vào kết quả đánh giá sự phù hợp về chất lượng, số lượng, khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước dưới đất; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước và yêu cầu bảo vệ nước dưới đất; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Bên cạnh đó, quy định chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở hải đảo, vùng khan hiếm nước và các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác.
Việt Nam và Phần Lan có truyền thống hợp tác trong ngành nước từ đầu những năm 1980 nổi bật nhất là công trình xây dựng và cải tạo một số nhà máy nước do Chính phủ Phần Lan viện trợ với số tiền lên đến 80 triệu USD. Từ nguồn vốn này, các Nhà máy nước Yên Phụ, Tương Mai, Ngọc Hà, Ngô Sỹ Liên được cải tạo, Nhà máy nước Mai Dịch, Pháp Vân được xây dựng mới. Hệ thống đường ống cũng được đầu tư mở rộng,…Những thay đổi đó đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước và cải thiện đời sống của người dân. “Khái niệm nước "Phần Lan" đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của nhiều người dân Hà Nội khi nói đến nước sạch với một thái độ trân trọng, là một minh chứng đảm bảo cho chất lượng nước”.
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà cũng đề nghị các chuyên gia Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án bổ cập nước ngầm đã và đang triển khai tại Việt Nam nhằm có được các bài học kinh nghiệm, bài học thực hành tốt nhất, các quy định về quản lý nước ngầm và bổ cập nhân tạo tiên tiên trên thế giới để có thể được nhân rộng, áp dụng tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội cho biết, Hội thảo là một phần của chuyến công tác chuyên gia TAIEX kéo dài 4 ngày và nhằm mục đích tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ nước ngầm (GPP) và Quản lý bổ cập nước dưới đất (MAR) trong khuôn khổ Luật Tài nguyên nước 2023 của Việt Nam.
Bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan phát biểu
Bà Maija Seppala nhấn mạnh, Việt Nam và Phần Lan đã triển khai hợp tác trong nhiều thập kỷ trong lĩnh vực nước và khái niệm "nước Phần Lan" hay " Nước Phần Lan" đã được nhiều người biết đến trên thực tế, có một con phố ở Hà Nội mang tên này. Sự hợp tác đã bao gồm nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như dịch vụ nước và vệ sinh. Sự hợp tác liên quan đến nước ngầm đã tiếp tục từ năm 2011. Mục tiêu là đảm bảo nguồn nước trong điều kiện khí hậu và kinh tế xã hội đang thay đổi của Việt Nam, bằng cách nâng cao hiểu biết và nhận thức về quản lý tài nguyên nước ngầm bền vững và nâng cao kỹ năng áp dụng MAR.
“Ở Phần Lan, hơn 65% nguồn cung cấp nước của thành phố phụ thuộc vào nước ngầm và hơn 15% trong số này dựa trên Cơ chế bổ sung nước ngầm được quản lý (MAR). Chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đáng kể trong việc duy trì bền vững các nguồn nước ngầm” - Bà Maija Seppala cho biết.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bà Maija Seppala cũng cho rằng, Việt Nam đang đô thị hóa với tốc độ nhanh và như chúng ta đều biết, đây cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đe dọa các nguồn tài nguyên nước quý giá, và hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng khai thác quá mức nước ngầm, dẫn đến mực nước ngầm giảm và sụt lún đất. Khi được lập kế hoạch và triển khai cẩn thận, MAR có thể là một lựa chọn khả thi để giúp bảo vệ và quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia Phần Lan chia sẻ các kinh nghiệm từ các dự án bổ cập nước ngầm đã và đang triển khai tại Việt Nam như: Triển khai các hệ thống Trữ nước và Phục hồi trong tầng chứa nước (ASR),… từ đó, sẽ định hướng và áp dụng rộng rãi tại Việt Nam về các quy định về quản lý nước ngầm và bổ cập nhân tạo tiên tiến trên thế giới.
Thanh Tâm