Thanh Hóa: Tạm dừng khai thác khoáng sản tại 3 dự án xây dựng công trình
08/12/2024TN&MTUBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã tạm dừng khai thác khoáng sản thuộc các dự án đầu tư xây dựng công trình tại huyện Hà Trung, Hậu Lộc và Thọ Xuân. Đáng chú ý, hầu hết các đơn vị thực hiện khai thác khoáng sản đều chưa hoàn thành các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cuối tháng 11/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 3 Công văn yêu cầu tạm dừng khai thác khoáng sản tại các dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã: Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc; Dự án Trại gà giống Xuân Phúc tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và dự án: Thi công khu vực 1, Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình + Thiết bị dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung. Đây đều là các khu vực được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhằm mục đích tạo mặt bằng cơ bản để xây dựng các công trình liên quan. Đáng chú ý, các khu vực này có trữ lượng khoáng sản khai thác tương đối lớn, nhưng không phải thông qua hình thức đấu giá. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, cả 3 đơn vị thực hiện khai thác khoáng sản nói trên đều không thực hiện đầy đủ nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cụ thể, ngày 20/11/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 17249/UBND-CN yêu cầu Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến tạm dừng khai thác khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, mát xây dựng tại các xã: Đại Lộc, huyện Hậu Lộc. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thì hiện nay Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến đã tiến hành khai thác khoáng sản khi đang thi công xây dựng hoàn thiện hố lắng, khơi thông rãnh thoát nước, chưa hoàn thành các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện và chấp hành đầy đủ các thủ tục, trình tự trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với khu vực được cấp thẩm quyền cấp phép theo quy định; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Minh Phúc Group tạm dừng việc khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trong diện tích dự án Trại gà giống Xuân Phúc tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân
Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 162/GP-UBND ngày 09/9/2024, diện tích khu vực khai thác là 12,88 ha (khu vực xây dựng khu điều hành - dịch vụ và khu xưởng sản xuất), thuộc xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc. Khối lượng khoáng sản được khai thác: 476.429 m3 đất làm vật liệu san lấp. Mức sâu khai thác thấp nhất: + 11 m. Mục đích sử dụng khoáng sản: Làm vật liệu san lấp, trong đó ưu tiên cung cấp cho các công trình, dự án trên địa bàn huyện Hậu Lộc và các dự án, công trình có liên quan. Thời hạn khai thác đến ngày 27/1/2025.
Tương tự, ngày 27/11/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Minh Phúc Group tạm dừng việc khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trong diện tích dự án Trại gà giống Xuân Phúc tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Theo đó, qua công tác kiểm tra cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản của đơn vị còn một số tồn tại như việc khai thác tại khu vực xung quanh điểm mốc giới số 19 chưa đúng theo phương án được phê duyệt; đơn vị chưa thực hiện hoàn chỉnh phương án vận chuyển giữa tuyến đường kết nối của dự án với đường Hồ Chí Minh và chưa hoàn thành các nội dung công việc theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện và chấp hành đầy đủ các thủ tục, trình tự trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với khu vực được cấp thẩm quyền cấp phép theo quy định; khẩn trương cải tạo, có giải pháp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Được biết, ngày 27/6/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 111/GP-UBND cho phép Công ty Minh Phúc Group được khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình Trại gà giống Xuân Phúc tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Với diện tích khu vực khai thác: 80.629,87m2; khối lượng khoáng sản được khai thác: 907.278m3; công suất khai thác 544.366,71 m3/năm. Thời hạn khai thác đến hết ngày 1/3/2026.
Tiếp đó, ngày 29/11/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng VACIC tạm dừng khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trong diện tích dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn, thị trấn Hà Trung tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay hoạt động khai thác khoáng sản đơn vị chưa hoàn thành các nội dung công việc theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và chưa nộp hồ sơ thiết kế khai thác khoáng sản tại khu vực dự án nêu trên theo quy định. Yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện và chấp hành đầy đủ các thủ tục, trình tự trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với khu vực được cấp thẩm quyền cấp phép theo quy định; khẩn trương cải tạo, có giải pháp triển khai thực hiệnnghiêm túc, hiệu quả các nội dung theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường
Theo Giấy phép số 131/GP-UBND ngày 22/7/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty cổ phần Xây dựng VACIC được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất làm vật liệu san lấp) trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình Thi công khu vực 1, Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình + Thiết bị dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung. Diện tích khu vực khai thác: 53.044,6 m2; Khối lượng khoáng sản được khai thác: 592.531,92 m3. Thời hạn khai thác 30/11/2025.
Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến tạm dừng khai thác khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã: Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc
Theo đó, Đánh giá tác động môi trường hay còn được gọi là ĐTM, là thủ tục hồ sơ môi trường chủ dự án cần thực hiện và trình duyệt tại cơ quan chức năm có thẩm quyền ở giai đoạn chuẩn bị dự án. Báo cáo ĐTM là một loại hồ sơ môi trường liên quan đến công tác phân tích môi trường. Sau đó dựa vào những kết quả phân tích này dự đoán xem dự án sẽ có những tác động như thế nào đến môi trường. Rồi từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động, nhằm đảm bảo việc bảo vệ môi trường trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động của dự án.
Nội dung chính của Báo cáo ĐTM bao gồm: Xuất xứ và chủ đầu tư của dự án, đơn vị chức năng có thẩm quyền phê duyệt Đánh giá tác động môi trường; Đánh giá, dự báo tác động của dự án đến môi trường trong giai đoạn thi công và đi vào hoạt động; Đánh giá môi trường ở địa điểm xây dựng và sự phù hợp của dự án với thực trạng của địa điểm đó; Dự báo tác động của dự án đến môi trường và cộng đồng; Dự báo và các biện pháp quản lý, giảm thiểu và đối phó rủi ro về môi trường; Các biện pháp xử lý chất thải phát sinh, đề xuất các phương án giúp giảm thiểu tác động đến môi trường; Dự báo kinh phí, phương án cho việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; Chương trình quan trắc môi trường định kỳ của dự án (khác theo tùy theo quy mô, loại hình sản xuất, địa điểm xây dựng,…).
Đánh giá tác động môi trường sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan cho việc tổ chức, xây dựng các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và hạn chế rủi ro môi trường cho dự án. Từ đó sẽ có cơ sở để chủ dự án có kế hoạch đầu tư đồng bộ, hợp lý đối với vấn đề môi trường, tránh việc công trình này thừa hoặc quá lớn, nhưng công trình khác lại thiếu/không đủ phục vụ.
Hoàng Anh