Giải pháp thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020
03/12/2024TN&MTPhân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là một trong những chế định được luật hoá chi tiết tại Luật BVMT năm 2020. Việc phân loại CTRSH trong thời gian qua đã có những biến chuyển tích cực, tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Để phân loại rác thành công, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương (tạo ra chính sách, cơ chế thực hiện), doanh nghiệp (trang thiết bị xử lý tái chế phù hợp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo đủ nguyên liệu để vận hành ổn định), người dân.
Thực trạng triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Theo số liệu thống kê của 61/63 tỉnh, thành năm 2023. Trên phạm vi cả nước phát sinh 67.877,34 tấn CTRSH/ngày. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh 38.143,05 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 56,19%; khu vực nông thôn phát sinh 29.734,30 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 43,81%; có 22 địa phương phát sinh trên 1.000 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 34,9%; 23 địa phương phát sinh từ 500 tấn/ngày đến dưới 1.000 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 36,5%; 18 địa phương còn lại phát sinh dưới 500 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 28,6%. Khối lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển, xử lý trên phạm vi cả nước là 59.961,98 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 88,34%. Trong đó, đô thị 36.847,53 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 96,60%; nông thôn 23.100,39 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 77,69%.
Công tác phân loại CTRSH đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, góp phần giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý và tăng cường tái chế, tận dụng tài nguyên. Theo báo cáo từ các địa phương, việc phân loại CTRSH tại nguồn thường được thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai ở quy mô toàn tỉnh. Tính đến nay, có một số địa phương đã thực hiện thí điểm phân loại CTRSH như: Hà Nội tại huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai; Đồng Nai tại 40 phường xã trên địa bàn 11 quận, huyện; TP. Hải Phòng tại quận Ngô Quyền, quận Hồng Bàng, quận Hải An, huyện Vĩnh Bảo; tỉnh Lào Cai tại TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bát Xát, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng; tỉnh Hải Dương tại huyện Nam Sách; tỉnh Thừa Thiên Huế tại TP. Huế; tỉnh Quảng Nam tại TP. Hội An; tỉnh Bình Định tại thị xã Hoài Nhơn, huyện Sơn Tây và thành phố Quy Nhơn; tỉnh Lâm Đồng tại TP. Đà Lạt, huyện Đơn Dương; tỉnh Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Bến Cát; TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm.
Việc phân chia thành bao nhiêu loại CTRSH phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng kỹ thuật về BVMT hiện có tại địa phương và yêu cầu công nghệ. Số loại CTRSH sau phân loại có thể bao gồm hai hoặc nhiều loại sau đây: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải khác (chất thải cồng kềnh, chất thải nguy hại, chất thải khác còn lại).
Hiện nay, có 02 mô hình phân loại CTRSH. Một là, phân loại tại hộ gia đình, cá nhân (mô hình phân loại tại nguồn), hiện đang được các địa phương triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Hai là, phân loại tại một địa điểm tập trung (thu gom chất thải hỗn hợp, sau đó đưa về trạm trung chuyển để phân loại và đưa đi xử lý), hiện đang thực hiện ở tỉnh Bình Dương.
Kinh nghiệm các nước trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Tại một số nước trên thế giới, thành công của việc quản lý có hiệu quả CTRSH dựa trên chính sách thiết thực về quản lý, thu gom và xử lý CTRSH. Các biện pháp và quy định được đưa ra theo lộ trình từ khuyến khích đến bắt buộc triển khai nhằm tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, áp dụng công cụ kinh tế tính phí xử lý rác thải theo khối lượng thải bỏ, áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại; các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc,…
Tại Nhật Bản
Việc phân loại chất thải sinh hoạt tại mỗi thành phố, khu vực, vùng miền lại có quy định riêng. Có khu vực phân chia thành rất nhiều loại rác tùy theo năng lực tái chế và khả năng tận dụng các chất thải tại khu vực đó (Thị trấn Kamikatsu tỉnh Tokushima- 45 loại; Thành phố Tokyo-9 loại; Thành phố Osaka- 5 loại,...). Mỗi thành phố ở Nhật Bản đều phát hành cẩm nang chỉ dẫn về đổ rác và phổ biến tới người dân. Người dân ở Nhật Bản cần phân loại và làm sạch rác theo chỉ dẫn, phải đảm bảo đổ rác đúng ngày và để rác đúng màu túi. Nếu làm sai, rác sẽ bị trả về cho chủ nhà và người làm sai sẽ bị xử phạt.
Thông thường, các thành phố phân thành 5 loại chủ yếu gồm: (1) Rác có thể đốt được; (2) Rác không đốt được; (3) Rác nhựa tái chế; (4) Rác có thể tái chế; (5) Rác quá khổ.
Chính quyền địa phương không thu gom những loại chất thải thực hiện theo “Luật tái chế thiết bị gia dụng” hoặc phải thu gom riêng. Các loại chất thải này bao gồm: (1) Thiết bị điện tử, điện lạnh (điều hòa, tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính, điện thoại,...); (2) Chất thải công nghiệp; (3) Lốp xe; (4) Đất, cát, đá. Các loại này người dân phải liên hệ với công ty sản xuất/đại lý phân phối để họ mang đi và sử dụng để tái chế và phải chi trả chi phí vận chuyển và phí tái chế theo từng loại chất thải.
Nhật Bản cũng thực hiện chương trình Pay As You Throw (PAYT) - có nghĩa là trả tiền theo lượng rác thải ra môi trường từ năm 2003. Theo đó, việc trả tiền theo lượng rác thải được tính theo các loại túi có kích cỡ khác nhau. Có thể theo hình thức bán túi hoặc mua tem dán lên từng túi. Kết quả: Giảm 20-30% lượng rác thải, 1,2% chôn lấp, 20% tái chế, 80% đốt phát điện.
Tại Hàn Quốc
Năm 1995 thí điểm tại nơi có điều kiện kinh tế, mức sống phát triển trước. Theo đó, túi đựng rác được chia thành 3 loại thường, tiêu hủy, thực phẩm mua tại siêu thị, chính quyền địa phương và chỉ được sử dụng tại địa phương đó. Rác tái chế không cần cho vào túi đựng rác.
Túi rác 5l-50l- giá 0.12-1USD- 60% chi phí thu gom, xử lý tại địa phương. Rác cồng kềnh thu phí 10-20USD/đơn vị.
Phạt hành chính 100.000won (2 triệu VND) - đổ rác không dùng túi theo quy định hoặc vi phạm về phân loại rác.
Rác tái chế: 60-70%: lợi nhuận thu rác thải chi 30-40% chi phí xử lý, chính phủ hỗ trợ 60%.
Năm 1995, 1,59 tỷ túi rác được bán ra trên toàn quốc. Số lượng này giảm ngoạn mục vào năm 1998 xuống còn 913,34 triệu túi. Trong khoảng thời gian 1998-2014, lương túi bình quân 939,18 triệu túi.
Mặc dù, lượng túi giảm 43% trong 4 năm đầu (1995-1998) nhưng tỷ lệ rác thải phải xử lý chỉ giảm 6%. Tỷ lệ rác thải tái chế tăng đáng kể với năm 1995 từ 0% đến 24,5 % năm 1996 và tới trên dưới 30% vào năm 1998 và các năm tiếp theo.
Rác tái chế được phân theo các loại như giấy (giấy báo, sách, vở, hộp các-ton,...); giấy các-ton và cốc (làm bằng giấy); thùng (thùng sắt hoặc nhôm, vật đựng khí butan và thuốc trừ sâu; kim loại thải; chai thủy tinh; chai nhựa (chai đựng nhựa PET hoặc các loại vật dụng bằng nhựa khác; túi nhựa dùng một lần; các loại EPS/ túi xốp; loại chất thải khác như quần áo, vải vóc, dầu thải, đồ nông nghiệp thải.
Tại Đài Loan
Năm 1974 thu phí thông qua nước thải sinh hoạt. Việc tính tiền rác theo khối lượng được thực hiện theo hình thức túi đựng rác hoặc nhãn dán được áp dụng tại Đài Bắc,Tân Bắc từ năm 2000.
7 loại túi: 3, 5, 14, 25, 33, 76, 120 lit (giá 0,7 đén 9 USD/ bao loại 10 hoặc 20 túi).
Sau 20 năm triển khai: Tại Đài Bắc giảm 66% (từ 2903 tấn năm 2000 giảm còn 989 tấn/ngày năm 2020) Tân Bắc giảm 35%: trung bình từ 0,45kg/người/ngày xuống còn 0,29kg/người/ngày. Năm 2000: chi phí 144 đài tệ/tháng.hộ đã giảm 37 đài tệ/tháng.hộ tiết kiệm 74,3%.
Kinh nghiệm triển khai phân loại CTRSH của các nước cho thấy, cần chuẩn bị kỹ về chính sách/nền tảng pháp lý; thử nghiệm thu phí tại địa bàn hẹp và sau đó mới triển khai đại trà trên diện rộng.
Việc phân loại CTRSH song song cùng với việc đồng bộ hạ tầng ở tất cả các khâu từ phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong đó, công nghệ xử lý CTRSH đóng vai trò quan trọng, quyết định trong việc phân loại CTRSH.
Thúc đẩy công nghệ tái chế CTRSH sẽ làm gia tăng loại CTRSH được phân loại vào nhóm chất thải tái chế, sẽ giảm chi phí tài chính người dân, giảm áp lực thu gom, giảm lượng rác phải xử lý. Kết quả triển khai sau thời gian dài của việc hạn chế xả thải sẽ làm chất lượng môi trường sống tăng lên và giảm lượng rác ra bãi rác.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại CTRSH tại địa phương, căn cứ theo phân công của Quốc hội tại Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH, công nghệ xử lý CTRSH, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Và đặc biệt, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật BVMT để các địa phương triển khai thực hiện phân loại CTRSH chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024 gửi đến các cơ quan, tổ chức bộ thông tin, tài liệu gồm: 1. Bộ nhận diện CTRSH phục vụ cho công tác phân loại CTRSH; 2. Phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH và 3. Phóng sự về công tác phân loại CTRSH tại một số địa phương để các bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền về phân loại CTRSH tới từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.
Việc phân loại thành bao nhiêu loại rác tùy thuộc vào công nghệ xử lý chất thải áp dụng tại địa phương. Đây là quy định cần “địa phương hoá” nhằm tận dụng tối đa giá trị của chất thải, sản phẩm thải bỏ, giảm tác động tới TN&MT. Các địa phương cần xác định các loại rác có thể tái chế tuỳ theo cấp xã, huyện hay tỉnh. Không có công thức chung cho tất cả các tỉnh, thành phố mà ngay tại 1 tỉnh, 1 huyện cũng có thể có những xã, phường phân loại thành các nhóm chất thải khác nhau. Trong quá trình ban hành hướng dẫn cụ thể và triển khai về phân loại CTRSH tại địa phương, UBND cấp tỉnh cần căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương theo hướng quy định phân loại CTRSH nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý. Việc phân loại CTRSH cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật BVMT, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, KT-XH; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch BVMT quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
Mục tiêu đến 1/1/2025, triển khai phân loại CTRSH rất khó khăn để đạt được, tuy nhiên, nếu “không đi thì sẽ không đến đích”. Để có thể triển khai phân loại CTRSH tại địa phương, mỗi tỉnh cần có các bước triển khai khác nhau. Việc phân loại thành công phải theo công nghệ xử lý đến cùng; phụ thuộc vào công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch trong đó có quy hoạch về CTRSH tại địa phương.
Căn cứ theo tính chất CTRSH phát sinh tại từng tỉnh, công nghệ xử lý áp dụng trên địa bàn, mỗi địa phương sẽ đưa ra cách thức phân loại CTRSH sơ bộ hay phân loại triệt để. Có thể nghiên cứu, áp dụng theo từng nhóm đối tượng và loại hình thu gom, xử lý như sau: Luôn luôn tách riêng nhóm tái chế, tái sử dụng riêng để làm giảm lượng chất thải phải xử lý, đặc biệt xử lý bằng công nghệ chôn lấp; việc phân loại thành nhóm chất thải thực phẩm chỉ nên áp dụng tại những khu vực có đầu ra cho việc xử lý loại chất thải này thành thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân hữu cơ (ví dụ như ở các khu vực có sản xuất nông nghiệp, nông thôn,...); áp dụng các quy định riêng, đặc thù cho từng khu vực, ví dụ, khu vực đô thị và khu dân cư tập trung: Có thể phân loại sơ bộ và thu gom về các khu xử lý tập trung để xử lý; Khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa: Khuyến khích xử lý tại hộ gia đình thành các nhóm chất thải thực phẩm/chất thải hữu cơ dễ phân huỷ; chất thải tái chế và chất thải còn lại.
Việc tính tiền rác theo khối lượng hoặc thể tích cần thận trọng, áp dụng thí điểm tại quy mô cấp xã rồi mới triển khai diện rộng trên toàn huyện, toàn tỉnh. Mức giá nên quy định phù hợp tại từng địa phương. Ngoài ra, để hỗ trợ cho việc phân loại CTRSH, cần rà soát các chính sách, quy định để thúc đẩy phát triển các công nghệ tái chế CTRSH; giải quyết các bài toán về chính sách đầu tư các công nghệ tiên tiến, hiện đại cho xử lý CTRSH.
ThS. HOÀNG MINH SƠN
Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Đại Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 18 (Kỳ 2 tháng 9) năm 2024