Kết nối các Vườn Di sản ASEAN: Hành trình bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam
12/12/2024TN&MTNgày 12/12/2024, tại Hà Nội, Hội thảo chuyên đề “Đánh giá mức độ phù hợp tiêu chí Vườn Di sản ASEAN trong bối cảnh mới” đã diễn ra, do Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Nhiệm vụ “Kết nối các Vườn Di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023-2025”, với mục tiêu hỗ trợ thực hiện chương trình hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện từ các cơ quan nhà nước, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu.
TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo tập trung vào ba nội dung chính gồm: yêu cầu vận hành Vườn Di sản ASEAN, kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ đề cử danh hiệu AHP và hiện trạng cùng định hướng phát triển Hệ thống thông tin đa dạng sinh học quốc gia. Phát biểu tại Hội thảo, TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh rằng việc kết nối các Vườn Di sản ASEAN không chỉ là một phần trong chiến lược quốc gia mà còn góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Trong hai năm qua, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai nhằm thực hiện nhiệm vụ này, như tổ chức hội thảo chuyên đề, chuyến đi thực địa tới Vườn quốc gia Côn Đảo để chia sẻ kinh nghiệm quản lý, và sản xuất các phóng sự truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Những nỗ lực này góp phần tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý và thúc đẩy thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Việt Nam nằm trong top đầu về số lượng Vườn Di sản ASEAN
Tính đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng Vườn di sản ASEAN nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, với 12 khu vực được công nhận, bao gồm Vườn quốc gia Hoàng Liên, Ba Bể, Vũ Quang, Bạch Mã, và nhiều địa điểm khác. Theo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu nâng số lượng này lên 15 vào năm 2025. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo tồn và quản lý hiệu quả các hệ sinh thái quan trọng.
TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, báo cáo tham luận “Giới thiệu yêu cầu về vận hành Vườn di sản ASEAN của khu vực”
Theo TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, để được công nhận là Vườn di sản ASEAN, các khu bảo tồn thiên nhiên cần đáp ứng được 12 tiêu chí, cụ thể như sau: tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tầm quan trọng/giá trị bảo tồn cao, tính pháp lý của khu vực đề cử, kế hoạch quản lý (được phê duyệt và thực hiện), tính xuyên biên giới, tính độc đáo, ý nghĩa dân tộc học, tầm quan trọng bảo vệ các loài nguy cấp, tiêu chí về có các bên tham gia vào quá trình quản lý khu bảo tồn, tiêu chí về Cấu trúc Ban quản lý khu bảo tồn phù hợp, có đủ các cán bộ và trình độ phù hợp. Trong đó, ông Vĩnh cho rằng hai tiêu chí cuối cùng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chí này không phải là điều dễ dàng. Nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam đối mặt với thách thức từ áp lực phát triển, biến đổi khí hậu, và sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm ra giải pháp nhằm vượt qua những khó khăn này.
Hướng tới một tương lai bền vững
Chương trình Vườn Di sản ASEAN, khởi xướng từ năm 2003, được thiết kế nhằm bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học, và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia ASEAN, bao gồm Việt Nam, đang đẩy mạnh liên kết, chia sẻ thông tin và dữ liệu để bảo vệ các di sản thiên nhiên quý giá. Theo TS. Trần Đức Lương, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, danh hiệu Vườn Di sản ASEAN không chỉ là sự công nhận quốc tế mà còn là động lực thúc đẩy hợp tác khu vực trong công tác bảo tồn, đồng thời tạo cơ hội phát triển kinh tế địa phương bền vững thông qua bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Ngô Văn Chiều, Phó Trưởng phòng Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường Vườn quốc gia Xuân Thủy, chia sẻ kinh nghiệm về việc chuẩn bị hồ sơ đề cử AHP. Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, là ví dụ điển hình về bảo tồn đất ngập nước. Với diện tích rừng ngập mặn gần 1.800 ha, Xuân Thủy là nơi cư trú của nhiều loài chim di cư quý hiếm, chiếm 26,18% tổng số loài chim tại Việt Nam, và là điểm dừng chân quan trọng trên tuyến đường bay chim di cư Đông Á – Úc Châu. Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây không chỉ bảo vệ bờ biển, chống xói mòn mà còn điều hòa khí hậu, tích lũy carbon, và cung cấp môi trường sống cho các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Thành công của Xuân Thủy cho thấy vai trò quan trọng của quản lý khoa học kết hợp với sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển bền vững.
Hội thảo lần này không chỉ đánh dấu một cột mốc trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo điều kiện để các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần xây dựng hình ảnh một quốc gia phát triển bền vững và hài hòa với môi trường. Đồng thời, đây là nền tảng để Việt Nam tiếp tục hành trình bảo vệ các di sản thiên nhiên, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.
Vườn Di sản ASEAN là gì?
Ngày 18/12/2003, các Bộ trưởng về Môi trường của ASEAN đã hợp tác và cùng ký kết Tuyên bố ASEAN về việc thành lập các Vườn di sản để bảo tồn các khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng hoặc mang tính độc đáo đặc biệt tại các quốc gia thành viên ASEAN.
Các nước thành viên ASEAN đã nhất trí rằng "Hợp tác chung là cần thiết để bảo tồn và quản lý các Vườn di sản ASEAN nhằm đảm bảo cho sự phát triển và thực hiện bảo tồn khu vực và kế hoạch hành động quản lý cũng như các cơ chế bổ sung cho nỗ lực của các quốc gia nhằm thực hiện các biện pháp bảo tồn”
Trung tâm ASEAN về Đa dạng sinh học (ACB) có nhiệm vụ như là thư ký của Chương trình Vườn Di sản ASEAN và có trách nhiệm xem xét kết nạp các thành viên được đề xuất. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối hướng dẫn, đề cử các khu bảo tồn thiên nhiên ở trong nước để công nhận là Khu AHP. Đến năm 2024, đã có 57 địa danh được công nhận là khu AHP, trong đó Việt Nam đã có 12 khu AHP.
Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạ Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2030 Việt Nam có 15 khu AHP.
Ngọc Huyền