Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024: TCE góp phần hiện thực Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn
12/12/2024TN&MTPhát triển kinh tế tuần hoàn là định hướng ưu tiên nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2024, đại diện Công ty TCE đã chia sẻ các giải pháp triển khai để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về bền vững môi trường và thời trang tuần hoàn cũng như chi phí sử dụng để cân đối, làm sao vừa có thể tuần hoàn, vừa đảm bảo lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân,... Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được xác định là một trong những định hướng ưu tiên để thực hiện mục tiêu chung nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
Ngày 10/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức 'Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024' với chủ đề 'Từ lập kế hoạch đến hành động' với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn.
Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024' với chủ đề 'Từ lập kế hoạch đến hành động'
Tại Diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và cách thức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy kế hoạch hành động trong thời gian tới.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là một phần trong chiến lược lớn của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kinh tế Tuần hoàn (KTTH) có mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng một cách hiệu quả và hạn chế tối đa chất thải ra môi trường.
Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024), trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc điều hành Công ty TCE chia sẻ, là một doanh nghiệp dệt may thành viên của Hiệp hội Dệt may, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu, Công ty TCE Jeans đã triển khai để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về bền vững môi trường và thời trang tuần hoàn cũng như chi phí sử dụng để cân đối, làm sao vừa có thể tuần hoàn, vừa đảm bảo lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, việc sử dụng các nguyên phụ liệu tái chế trong quá trình sản xuất của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề mà không cần phải chi phí, tốn nhiều chi phí, chúng ta vẫn có thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc điều hành Công ty TCE chia sẻ
Tuy nhiên trong các nguyên phụ liệu, hoặc là chúng tôi hiện nay đang thực hiện dự án tái chế nước thải có cần phải chi phí. Bên cạnh đó, chi phí ban đầu khi chúng ta đầu tư thì hiệu quả mang lại rất lớn như, hiện nay, chúng tôi dang vận hành rất tốt hệ thống tái chế nước thải tại Thanh Hóa và việc tái chế tái sử dụng nước thải mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, thứ nhất, giá thành tái chế chỉ bằng hơn một nửa giá nước sạch tại địa bàn huyện Hoằng Hóa, thứ hai, là thiết thực tiết kiệm nguồn tài nguyên nước đang dần cạn kiệt hiện nay.
TCE là một Công ty đến từ (Hàn Quốc) với truyền thống hơn 70 năm hoạt động trong lĩnh vực SXKD dệt, nhuộm, may. Hiện tại, TCE đầu tư hai công ty con tại Việt Nam là: Công ty Cổ phần TCE Vina Denim có địa chỉ tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định và Công ty TNHH MTV TCE JEANS có địa chỉ tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Với tổng nhân viên hiện tại là 5.500 người. Mục tiêu của TCE sản xuất vải Denim thành phẩm và sản phẩm may mặc Denim xuất khẩu vào 4 thị trường chính là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với nhu cầu các thị trường này không phải là chất lượng sản phẩm mà còn vấn đề kinh tế tuần hoàn và sản xuất phát triển bền vững với môi trường thân thiện. Đó là xu hướng phát triển tất yếu và hiện nay, với những dự án chúng tôi đang áp dụng cũng như các chứng chỉ của chúng tôi đang có, ví dụ, như tái chế nguyên phụ liệu để đưa vào sản xuất. Trong những quá trình sản xuất thì chúng tôi đã có các chứng chỉ về kiểm soát quá trình sản xuất.
Về việc thực hiện sản xuất kinh doanh theo hướng (KTTH), Công ty đăng ký tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sản xuất sản phẩm vải thành phẩm và sản phẩm may thành phẩm theo tiêu chuẩn GRS – tiêu chuẩn tái chế toàn cầu, RCS – chứng chỉ phù hợp với tiêu chuẩn tuyên bố tái chế, theo đó, một lượng sản phẩm do công ty sản xuất có nguyên liệu đưa vào sản xuất có sử dụng tối thiểu 20% nguyên liệu tái chế. Định kỳ hàng năm, đơn vị đánh giá và cấp chứng chỉ là Control Union sẽ thu thập bằng chứng, đánh giá và cấp chứng chỉ sự phù hợp của công ty.
Về tái chế nước thải để đưa vào phục vụ sản xuất, do quá trình sản xuất sản phẩm may Denim qua công đoạn giặt mài nên có phát sinh nước thải, công suất của Trạm XLNT là 2.900 m3/ngày, đêm, công suất xử lý thực tế bình quân đạt 2.300 m3/ngày, đêm. Nước thải xử lý đạt cột A theo quy chuẩn QCVN13-MT: 2015/BTNMT và QCVN40:2011/BTNMT của Bộ TN&MT.
Để chuẩn hóa công tác quản lý về môi trường, Công ty đã và đang áp dụng Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001-2015. Qua đó, Ban Lãnh đạo công ty thường xuyên xem xét đánh giá tình hình chấp hành các quy trình, quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, tình hình sử dụng hóa chất, thuốc nhuộm, nhiên liệu, năng lượng, nước sạch và xử lý nước thải, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để sản xuất tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, TCE tập trung vào việc tăng cường quản trị doanh nghiệp và duy trì hệ thống quản lý hiệu quả, tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả kinh doanh để đóng góp bền vững cho nền kinh tế tuần hoàn.
Quang cảnh Diễn đàn
Lãnh đạo TCE cho hay, tôi nghĩ rằng phát triển theo xu hướng hiện nay là đúng đắn và chúng ta cần phải tiếp tục phát triển theo định hướng tới 2025 - 2030 và hướng về Net - Zero 2050. Bên cạnh đó, ngoài việc phát triển kinh tế tuần hoàn chúng ta phải tính theo yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Qúy Kiên nêu rõ, thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo các nguồn lực như tài chính, nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nguồn lực, cung cấp nền tảng thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp trong nước..., tạo không gian, động lực và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Các tổ chức và cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện KTTH. Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, nhằm hình thành một chuỗi giá trị tuần hoàn hơn. Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ góp phần hiện thực hóa KTTH ở Việt Nam, tạo nền tảng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên trong bối cảnh mới.
Sỹ Tùng