Hiệu quả của mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn tỉnh Kiên Giang

16/12/2024

TN&MTNghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng triển khai, hiệu quả áp dụng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO tại tỉnh Kiên Giang. Tiến hành khảo sát thực tế tại 175 hộ dân tham gia mô hình tại huyện Gò Quao và huyện An Minh, sử dụng thống kê mô tả để phân tích số liệu.

Kết quả cho thấy, có 100% hộ dân đã hiểu và biết cách phân loại rác tại nguồn, 89,3% hộ dân giảm lượng chất thải cần thải bỏ từ 20% trở lên sau khi áp dụng mô hình. Trong quá trình triển khai cũng có một số khó khăn, vướng mắc như: người dân chưa tin vào hiệu quả của mô hình nên không nhiệt tình tham gia, tâm lý ngại thay đổi, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, nguyên liệu ủ có nhiều loại,... Từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả và mở rộng ứng dụng mô hình cho toàn tỉnh.

Từ khóa: chất thải rắn sinh hoạt, chế phẩm IMO, phân loại rác tại nguồn, tỉnh Kiên Giang

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang là vấn đề cấp bách của toàn xã hội, đặc biệt các bãi chôn lấp lộ thiên, bãi đổ chất thải rắn (CTR) tạm đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2022 của Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang ghi nhận, CTRSH đô thị phát sinh khoảng 735 tấn/ngày; tỷ lệ CTR được thu gom đạt 87%, trong đó tỷ lệ xử lý đạt 91%. Riêng CTRSH nông thôn phát sinh khoảng 749 tấn/ngày, trong đó chỉ có khoảng 49% được thu gom, còn lại không được thu gom, xử lý. Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 bãi rác hở, trong đó 11 bãi rác cấp huyện có sức chứa lớn và 22 bãi rác nhỏ thuộc địa bàn xã. Ngoài 01 bãi chôn lấp hợp vệ sinh của TP. Hà Tiên, 32 bãi rác còn lại là những bãi lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Ở những khu vực nông thôn chưa có xe thu gom rác, CTRSH được xử lý trực tiếp tại các hộ dân bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân thiếu ý thức thải trực tiếp ra môi trường (kênh, rạch, sông,…) (Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, 2023).

Khoản 1, Điều 75, Luật BVMT 2020 quy định đến ngày 31/12/2024, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo: (i) CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; (ii) chất thải thực phẩm; (iii) CTRSH khác. Đồng thời, Khoản 4 khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ (Công báo, 2020). Bên cạnh đó, tiêu chí môi trường của Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2021 - 2025 quy định tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn đạt từ 30% trở lên (Công báo, 2022). 

Chế phẩm sử dụng vi sinh vật bản địa (IMO) được điều chế từ các nguyên liệu dễ tìm như nước sạch, men rượu, sữa chua, men tiêu hóa, chuối chín, đường, cám gạo,… mang lại nhiều lợi ích trong xử lý rác thải và sản xuất nông nghiệp. Nhận biết hiệu quả của chế phẩm IMO, năm 2022, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã chọn xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc - huyện Gò Quao và xã Vân Khánh Tây - huyện An Minh là hai xã đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao để triển khai thí điểm mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn”. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng triển khai, hiệu quả áp dụng mô hình này tại hai xã thí điểm, tìm hiểu và giúp giải quyết, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình ứng dụng, đồng thời đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện tại địa bàn huyện Gò Quao và An Minh (Hình 1). Số hộ dân đăng ký tham gia mô hình là 288 hộ, bao gồm 188 hộ ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc - huyện Gò Quao và 100 hộ thuộc xã Vân Khánh Tây - huyện An Minh (Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, 2022).

Hình 1. Vị trí khu vực nghiên cứu trên bản đồ tỉnh Kiên Giang
Hiệu quả của mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn tỉnh Kiên Giang

Tiến hành thu thập số liệu từ những nguồn sau:

Số liệu thứ cấp: Thu thập từ Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND và Phòng TN&MT huyện về việc thải bỏ, thu gom và xử lý CTRSH; công tác quản lý CTR của địa phương,...

Số liệu sơ cấp: Khảo sát thực tế công tác thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn và ứng dụng chế phẩm IMO để xử lý CTR hữu cơ của các hộ dân tại hai địa bàn nghiên cứu, phỏng vấn bằng bảng hỏi bán cấu trúc đối với 175 hộ dân đã tham gia mô hình.

Kết quả và thảo luận

Hiện trạng phân loại rác thải 

Hộ dân phát sinh CTR chủ yếu tập trung ở ba nhóm hoạt động là trồng trọt với 90,3%, chăn nuôi 58,3% và nuôi trồng thủy sản 40%; các hoạt động sản xuất, dịch vụ khác chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 2,9% (Hình 2). Lượng CTR phát sinh hàng ngày không xác định được do các hộ dân không quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên khi bắt đầu triển khai mô hình vào năm 2022, Sở TN&MT đã điều tra lượng rác thải tại 188 hộ dân và ghi nhận trung bình phát sinh 0,46 kg/ngày/người, chủ yếu: (i) rác thải thực phẩm gồm có vỏ trái cây, rau củ quả, thức ăn thừa, bã trà, bã cà phê; (ii) rác có thể tái chế: chai, lọ bằng nhựa, giấy carton và một ít kim loại; (iii) rác thải còn lại chủ yếu là bọc ni lon, vỏ mì gói, vỏ gói bánh kẹo, hộp sữa,... (Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, 2022).

Hiện tại, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc đã có đơn vị thu gom rác nhưng chủ yếu chỉ thu gom ở khu vực chợ, khu dân cư tập trung, trung tâm xã với mức phí thu gom 10.000 - 20.000 đồng/tháng/hộ, các ấp còn lại chưa triển khai thu gom. Xã Vân Khánh Tây chưa có đơn vị thu gom rác, người dân tự thu gom và xử lý tại hộ gia đình bằng cách đốt hoặc chôn lấp.

Hình 2. Các hoạt động phát sinh chất thải của các hộ gia đình
Hiệu quả của mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn tỉnh Kiên Giang

Trước khi tham gia mô hình, có 81% hộ dân khảo sát đã thực hiện phân loại rác ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, trong khi xã Vân Khánh Tây đạt 100%. Trong số các hộ dân đã phân loại rác, có 53,5% phân loại rác thành 3 nhóm: (i) rác thải thực phẩm (vỏ trái cây, rau, củ, quả và thức ăn thừa); (ii) rác có thể tái chế (phế liệu như kim loại, bìa carton, giấy, các loại chai, lọ, hộp bằng nhựa…); và (iii) các loại rác thải còn lại. Các hộ còn lại phân loại rác thành 2 nhóm: (i) rác tái chế để bán phế liệu và (ii) các rác thải còn lại. Trong đó, 100% hộ dân ở An Minh đều tiến hành phân loại rác thành 3 nhóm còn các hộ ở Gò Quao chủ yếu phân thành 2 nhóm (chiếm 93%). Có thể thấy các hộ dân đã phân loại rác nhưng chỉ theo mục đích của gia đình chứ chưa phân loại triệt để theo quy định. Những loại rác thực phẩm có thể dùng cho chăn nuôi sẽ được tách riêng, những loại rác thực phẩm không sử dụng thường được thu gom chung với nhóm rác còn lại để chôn lấp hoặc đốt. Những loại rác có thể tái chế, tái sử dụng chỉ được thu gom khi số lượng phát sinh nhiều (chủ yếu vỏ chai nhựa, lon bia,...), còn lại giấy, bìa carton thường sẽ đốt chung với rác còn lại.

Có 98,9% hộ dân cho biết họ sẵn sàng duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn cho gia đình mình, 1,1% còn lại khẳng định sẽ tham gia khi cơ quan nhà nước triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn; 99,4% người dân nhận định việc phân loại rác thải tại nguồn theo hướng dẫn dễ thực hiện, 0,6% còn lại đánh giá ở mức trung bình.

Mức độ ứng dụng của mô hình

Kết quả phỏng vấn ghi nhận 100% các hộ dân khi tham gia mô hình đã thực hiện ủ chế phẩm IMO dạng nước tại gia đình và ứng dụng vào các hoạt động hàng ngày như: ủ rác, vệ sinh nhà cửa, tưới cây, xử lý ao nuôi,… Về đánh giá mức độ khó dễ trong quá trình tìm mua nguyên liệu để thực hiện chế phẩm sinh học IMO, có 97,1% người dân được khảo sát đánh giá là dễ thực hiện, 2,9% còn lại nhận định ở mức độ bình thường.

Hình 3 cho thấy, chế phẩm IMO đã được các hộ dân ứng dụng vào nhiều hoạt động khác nhau tại gia đình. Trong đó, người dân ứng dụng nhiều nhất để vệ sinh nhà cửa như làm nước rửa chén, nước lau sàn, tẩy rửa bồn cầu,… chiếm 98,1%, sử dụng ủ rác thực phẩm làm phân bón đạt 81,7%, pha loãng để tưới cây, tưới rau màu chiếm 77,1%. Chế phẩm IMO cũng được người dân sử dụng để xử lý ao nuôi thuỷ sản bằng cách pha dung dịch tạt xuống ao (43,3%) hay làm dung dịch khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi (38,6%), làm thức ăn chăn nuôi (5,5%). Các ứng dụng này cũng tương tự với ghi nhận ở tỉnh Bắc Ninh dùng để xử lý mùi hôi từ nước thải, rác thải hữu cơ, phân chuồng trong chăn nuôi; trồng rau an toàn bằng phân bón từ rác thực phẩm ủ chế phẩm IMO tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững (Nguyễn Thị Thu Hương, 2022). Hay như tại tỉnh Hải Dương, chế phẩm IMO được ứng dụng để xử lý rác thải hữu cơ giúp giảm 50 - 70% lượng rác thải ra môi trường, làm sạch môi trường đất - nước - không khí, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương, 2023).

Hình 3. Các ứng dụng của chế phẩm IMO tại hộ dân
Hiệu quả của mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn tỉnh Kiên Giang

Việc thực hiện ủ rác thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học IMO tại hộ gia đình có rất nhiều lợi ích như: góp phần bảo vệ môi trường 88%; tận dụng chế phẩm IMO dùng cho các hoạt động khác 85,71%; đơn giản, dễ làm 85,14%; giảm lượng rác cần thải bỏ 46,86%; không phát sinh mùi hôi 46,29%; tạo nguồn đất, phân hữu cơ để trồng cây 41,14%; thời gian ủ nhanh, hiệu quả 40,57% (Hình 4). Vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: người dân chưa tin vào hiệu quả của mô hình nên không nhiệt tình tham gia, tâm lý ngại thay đổi, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, nguyên liệu ủ chế phẩm IMO có nhiều loại, mẻ ủ có khi còn mùi, có giòi...

Hình 4. Các lợi ích của mô hình sử dụng chế phẩm IMO
Hiệu quả của mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn tỉnh Kiên Giang

Với những lợi ích thiết thực, 100% hộ dân đã tham gia mô hình đồng ý nên nhân rộng mô hình, trong đó 66,86% hộ dân cho rằng rất cần thiết triển khai rộng rãi ngay và 33,14% nhận định nên triển khai nhưng cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn cụ thể. Có 95,43% hộ dân sẵn sàng và 4,57% hoàn toàn sẵn sàng giới thiệu, hướng dẫn người khác tham gia phân loại CTRSH và ứng dụng chế phẩm sinh học IMO để xử lý rác hữu cơ.

Kết luận

Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm IMO là một giải pháp hiệu quả, phù hợp với những khu vực nông thôn chưa thu gom CTR hoặc có nhưng chưa thu gom triệt để. Mô hình đã giúp người dân nâng cao hiểu biết, nhận thức về phân loại CTR tại nguồn. Chế phẩm IMO hỗ trợ xử lý CTR hữu cơ thành phân bón nhanh và không có mùi hôi, đồng thời có thể ứng dụng cho nhiều hoạt động khác trong đời sống, mang lại hiệu quả trong BVMT, phát triển kinh tế - xã hội. Có 100% hộ dân nhận biết và tiến hành phân loại rác tại nguồn theo quy định, lượng CTR cần thải bỏ đã giảm từ 20% trở lên so với trước khi áp dụng. Khả năng lan tỏa của mô hình khá cao và nên mở rộng ứng dụng trong phạm vi toàn tỉnh Kiên Giang.

Với kết quả đánh giá hiệu quả mô hình, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả và mở rộng ứng dụng mô hình trên toàn tỉnh Kiên Giang:

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về những lợi ích của phân loại rác tại nguồn, ứng dụng của chế phẩm IMO trong xử lý CTR thực phẩm và đời sống; hướng dẫn các biện pháp khắc phục vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình. 

Nghiên cứu sản xuất men vi sinh dạng khô dễ sử dụng, bổ sung các chủng vi sinh phân giải cellulose, tổng hợp đạm để tăng khả năng xử lý CTR thực phẩm và tạo ra phân hữu cơ chất lượng tốt.

Triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, giới thiệu thêm nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm IMO để hộ dân lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình.

Tiếp tục nghiên cứu đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội do mô hình mang lại. Đồng thời đánh giá chất lượng chế phẩm IMO cũng như hiệu quả sử dụng phân bón từ quá trình ủ rác thải hữu cơ bằng chế phẩm IMO.

Tài liệu tham khảo

Công báo (2022). Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Công báo số 265+266;

Công báo (2020). Luật BVMT số 72/2020/QH14. Công báo số 1185+1186, 1187+ 1188;

Nguyễn Thị Thu Hương (2022). Hiệu quả từ mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh bản địa tại cộng đồng. Tạp chí Môi trường số 9/2022.

TRẦN THỊ LƯƠNG1, NGUYỄN VÕ CHÂU NGÂN2*
1 Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang
2 Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ
* Liên hệ: nvcngan@ctu.edu.vn
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 15 (Kỳ 1 tháng 8) năm 2024

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Thủ tướng: Chống chạy chọt, lợi ích cá nhân trong tinh gọn bộ máy

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi thư chúc mừng ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai ‘Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ’ 

Thông cáo báo chí Chương trình phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tài nguyên

Lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Tỉnh Bình Phước nỗ lực cải thiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tách nguồn thải, bổ cập nước để làm sạch các dòng sông tại Hà Nội

Việt Nam - Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất

Môi trường

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính

Thực hiện các hiệp định và thoả thuận quốc tế về biến đổi khí hậu

Nông dân Đan Phượng chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và bảo vệ môi trường

Ngăn chặn sản xuất không bảo đảm điều kiện môi trường

Video

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero

Dương Kinh (Hải Phòng): Đi tìm lời giải trong việc thu hồi đất tại phường Hòa Nghĩa

Khoa học

Hiệu quả của mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn tỉnh Kiên Giang

Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản - Ứng dụng kinh tế tuần hoàn và ao tảo mật độ cao HRAP trong nuôi tôm

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm giai đoạn 2021-2023 của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng 

Khai thác, sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản kết hợp đa mục đích: Thực tiễn và một số kiến nghị

Chính sách

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ 1.280 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở

Từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm

Vi phạm hành chính lĩnh vực khí tượng thủy văn bị phạt tới 100 triệu đồng

Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển

Phát triển

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024: TCE góp phần hiện thực Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn

Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico: Chú trọng bảo vệ môi trường

“Nhà của ông già Noel” bất ngờ xuất hiện tại khu đô thị của nhà sáng lập Ecopark

Công ty Đồng Tả Phời: Vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Diễn đàn

Tin Gió mùa Đông Bắc tăng cường ngày 13/12: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại

Thời tiết ngày 12/12: Bắc Bộ trời rét, vùng núi rét đậm

Tin mới nhất về Gió mùa Đông Bắc ngày 12/12

Thời tiết ngày 11/12: Miền Bắc chiều tối rét đậm kèm mưa

Kinh tế xanh

Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững

Cam 3T Farm Cao Phong: Mô hình tiêu biểu trong xây dựng thương hiệu nông sản và chuyển đổi số

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 “Cần ưu tiên 4 con đường chính"

Organic Green Nut - Đậu phụ Quê Mình: Đem nông sản Việt chất lượng cho người Việt