Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: TP HCM có tỉ lệ chôn lấp vẫn còn cao
17/07/2022TN&MTTP HCM với khối lượng 10.000 tấn rác mỗi ngày đã được đảm bảo kịp thời thu gom và vận chuyển đến các bãi rác trên địa bản thành phố nhưng với tỉ lên chôn lấp 69% được xem là mức cao và cũng là sự lãng phí nếu như coi chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là tài nguyên đầu vào cho ngành sản xuất khác như compost hay điện rác.
Tiếp tục chương trình giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đoàn Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh đã có buổi khảo sát và làm việc tại TP HCM.
Đoàn công tác khảo sát thực địa tại Trạm Trung chuyển phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.
Báo cáo đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Hiện nay, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 10.000 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày.
Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM đã được xã hội hóa 100%; tỷ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều khó khăn, như tỷ lệ hộ gia đình, tham gia triển khai phân loại rác còn thấp, chưa được duy trì ổn định; chưa tổ chức được việc thu gom, vận chuyển riêng biệt các loại chất thải sau phân loại. cơ sở hạ tầng, trạm trung chuyển phương tiện vận chuyển còn chưa bảo đảm…
Công nhân vệ sinh môi trường TP.HCM thu gom rác thải sinh hoạt.
Được biết, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%) là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.
Do đó với tỷ lệ chôn lấp hiện nay của Thành phố được các đại biểu đánh giá còn cao; còn tồn tại 8/27 trạm trung chuyển hoạt động tạm, không có nhà xưởng và hệ thống xử lý môi trường. Tiến độ đầu tư trạm trung chuyển trên địa bàn triển khai rất chậm do thủ tục pháp lý về đất đai (điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất) và khó khăn trong xác định vị trí các trạm trung chuyển.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (đơn vị được giao vận hành bãi rác Đa Phước) cho biết, hệ thống phâm loại và sản xuất compost đã được xây dựng hoàn thành từ cuối năm 2010 nhưng đến nay công tác tái chế và chế biến phân compost chưa được vận hành theo kế hoạch do chưa có đầu vào cho hai hệ thống này vì Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM không thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng đã ký với công ty sẽ giao rác phân loại tại nguồn và rác hữu cơ xanh để xử lý.
Đoàn công tác khảo sát tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Là đô thị đặc biệt, dân số đông nên vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt luôn là thách thức đối với TP.HCM trong nhiều năm qua. Vì vậy, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn, tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải, bảo đảm việc xử lý rác thải trong ngày, không để tồn đọng.
Để kịp thời áp dụng thu phí gom, vận chuyển, xử lý dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại chậm nhất là ngày 31/12/2024, thời gian qua, các địa phương đang đẩy mạnh việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, đến nay, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố còn bộc lộ một số hạn chế, cần phải nghiên cứu cải tiến theo cách mới. Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập còn hoạt động manh mún, việc chuyển đổi theo mô hình mới chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; nhiều phương tiện thu gom rác không đảm bảo kỹ thuật môi trường; nhiều điểm tập kết rác còn nằm trong khu dân cư, bị người dân phản ánh về mùi hôi…
>>>>> Xem thêm: Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Đồng Nai vẫn còn tồn tại đến 49 trạm chung chuyển không đảm bảo tiêu chuẩn
Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Hải Phòng cần sớm xử lý 137 bãi rác tạm
Đỗ Hùng - Bảo Bảo