Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý CTRSH tại Hà Nội
08/07/2022TN&MTTrước những bất cập của việc quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại Hà Nội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã tổ chức buổi khảo sát thực tế về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội dẫn đầu đoàn khảo sát tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Ngày 7/7, đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Chủ nhiệm Lê Quang Huy làm Trưởng đoàn đã khảo sát tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn và trạm trung chuyển, phân loại rác thải Lâm Du, quận Long Biên.
Báo cáo Đoàn khảo sát, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (Chủ đầu tư dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn) Li Ai Jun cho biết, hiện các thủ tục để đầu tư, xây dựng và nghiệm thu một dự án đốt rác phát điện còn nhiều phức tạp, trên cả 3 phương diện xây dựng, môi trường và điện.
Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội Li Ai Jun phát biểu trong buổi làm việc với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phân công cơ quan đầu mối để chủ trì việc phê duyệt thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án điện rác; cho phép thực hiện cùng lúc các thủ tục để rút ngắn thời gian, hỗ trợ nhà đầu tư; có chính sách hỗ trợ một phần tiền điện đối với các dự án điện rác trong quá trình chạy thử tổ máy và phát điện lên lưới…” vị Phó Tổng giám đốc này nhấn mạnh.
Được biết, Nhà máy điện rác Sóc Sơn là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng; thời gian hoạt động của dự án là 49 năm; diện tích đất thực hiện hơn 17 ha; mục tiêu là xử lý lượng CTRSH theo công nghệ hiện đại, tiên tiến, xuất xứ từ Châu Âu, thân thiện nhất với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam. Đây là Dự án điện rác xây dựng 1 lần có quy mô lớn thứ 2 trên thế giới, công suất xử lý CTRSH của Nhà máy là 4.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 75MW.
Hình ảnh toàn cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ với 5 lò đốt (công suất 800 tấn rác/ 1 lò/ 1 ngày đêm) và 3 tổ máy tuabin hơi nước. Công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt để phát điện phục vụ cho chính hoạt động của nhà máy và hòa lưới điện quốc gia. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng
Cùng báo cáo với đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, công tác quản lý CTRSH luôn được Thành phố quan tâm, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội báo cáo với đoàn khảo sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội
“Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách nhằm tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; đẩy mạnh giữ gìn bảo vệ môi trường qua việc tăng cường nhân lực, vật lực, hiện đại hóa đưa cơ giới hóa vào việc vận chuyển, thời gian thu gom rác thải thích hợp, thay đổi phương thức quản lý duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) từ cơ chế đặt hàng sang tổ chức đấu thầu tập trung lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện” ông Thái thông tin thêm.
Tuy nhiên, việc quản lý CTRSH còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa có cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn, dẫn đến khối lượng chất thải phát sinh ngày một nhiều và chưa tận dụng được các thành phần có ích. Hệ thống thu gom CTRSH vẫn chủ yếu là thủ công; việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển CTRSH theo quy hoạch đến nay chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, phương pháp xử lý CTRSH hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Các khu xử lý chất thải Nam Sơn, Xuân Sơn đều được đưa vào vận hành từ năm 1999. Đến nay hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, gây khó khăn cho công tác xử lý. Mặt khác, công tác quy hoạch các khu xử lý chất thải còn gặp nhiều vướng mắc…
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội)
Liên quan đến đầu tư công cho xử lý CTRSH cũng cần xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển cần bảo đảm vệ sinh môi trường theo các hướng tuyến vận chuyển phù hợp, kết hợp với quy hoạch mạng lưới các bãi chôn lấp.
Cùng với đó, kết hợp nhiều loại hình công nghệ xử lý CTRSH như: Chôn lấp, đốt, ủ phân composite... để xử lý rác thải tại các huyện phù hợp với đặc thù của địa phương và khả năng bố trí ngân sách. Khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ, đầu tư cho tái chế chất thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải và coi chất thải là một nguồn tài nguyên để giải quyết triệt để vấn đề CTRSH.
>>>>> Xem thêm: Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Đà Nẵng cấp bách kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác trăm tỉ
Đỗ Hùng - Bảo Bảo