Chất thải sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Người dân Đà Nẵng “thấp thỏm” trong cách giải quyết bãi rác Khánh Sơn
29/06/2022TN&MTĐã nhiều năm trôi qua, người dân phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu luôn sống trong thấp thỏm, mong chờ quyết sách của TP. Đà Nẵng để giải quyết ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân.
Hiện nay, người dân “nửa mừng, nửa lo” bởi bãi rác quá tải này đã có được phương án xử lý, nhưng lại lo tránh được ô nhiễm từ bãi chôn lấp, lại chịu ảnh hưởng từ các Nhà máy xử lý rác thải (do nằm trong bán kính bị ảnh hưởng do không đủ khoảng cách theo quy định).
Bởi TP. Đà Nẵng đầu tư xây dựng hai Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất 1.000 tấn/ngày đêm và 650 tấn/ngày đêm nhằm giải bài toán về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị lâu dài của thành phố.
Khối lượng lớn rác thải sinh hoạt của người dân vẫn hàng ngày đổ về bãi rác Khánh Sơn.
Trong đó, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố tích hợp với dự án đốt rác sinh hoạt phát điện Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty Everbright International (Hồng Kông) lập Đề án với công suất đốt rác 650 tấn/ngày.
Khi được hỏi ý kiến, người dân phường Hòa Khánh Nam đều bày tỏ sự không đồng tình với việc tiếp tục xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn trên bãi rác Khánh Sơn. Người dân cho rằng nếu sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây mùi hôi thì lãnh đạo TP. Đà Nẵng nên tính toán chọn nơi khác đặt khu xử lý thay vì vẫn để ở Khánh Sơn.
Người dân phường Hòa Khánh Nam cho hay, đã gần 30 năm nay, người dân sống ở khu vực bãi rác đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Trong đó, ô nhiễm, bụi bặm, mùi hôi… làm đảo lộn cuộc sống, bệnh tật bủa vây. Trước đây, Công ty CP Môi trường Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy xử lý rác ở Khánh Sơn, tuy nhiên, mỗi khi nhà máy "khởi động" lên thì người dân lại "chịu không nổi".
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vị trí hiện tại (không đảm bảo khoảng cách theo quy định, cách khu dân cư 500m). TP. Đà Nẵng xây dựng Nhà máy xử lý rác, cần phải sớm di dời, đền bù, giải tỏa cho những hộ dân quanh nhà máy (khoảng trên 1.000 hộ dân), thời gian giải tỏa là bao lâu yêu cầu cụ thể rõ ràng...
Chính quyền TP Đà Nẵng đã phải áp dụng biện pháp tạm thời phù bạt HDPE để hạn chế ô nhiêm.
Nếu nhà máy xây dựng xong mà dân chưa được di dời thì sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động xử lý rác của các nhà máy này. Môi trường sẽ ảnh hưởng nhiều hơn khi chưa xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vậy giải pháp của TP. Đà Nẵng đưa ra hóa lại làm cho dân khổ hơn vì ô nhiễm.
Trước ý kiến của người dân, TP. Đà Nẵng đã quyết định di chuyển Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm vào chân núi để đảm bảo khoảng cách an toàn đối với người dân phường Hòa Khánh Nam. Đây là động thái tích cực của chính quyền địa phương, nhưng với người dân vẫn còn đó nỗi niềm trăn trở và mong muốn chính đáng cho môi trường sống và lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội…
Nhưng hiện nay vẫn hiện hữu, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 650 tấn/ngày đêm (có yếu tố nước ngoài) xây dựng tại vị trí đã quy hoạch cũng đều không khả thi. Với khoảng cách 200m đến khu vực kho của quân đội, vậy có đúng theo quy định không…? Nhiều người dân đã kiến nghị nên dịch chuyển vị trí hai nhà máy về phía cuối bãi rác và đưa bãi chôn lấp cũ vào xử lý, để lấy đất cấp lại cho dân phát triển kinh tế, tránh lãng phí quỹ đất của thành phố.
Đỗ Hùng - Bảo Bảo