Ảnh hưởng biến đổi khí hậu tới ngành, lĩnh vực và một số giải pháp thích ứng
17/12/2024TN&MTNhững năm gần đây, biến đổi khí hậu với những diễn biến theo xu thế bất lợi, tác động đến sự phát triển bền vững. Ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp.
Tư duy về bảo vệ môi trường được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa, tạo điều kiện để phát triển. Đến nay, các mục tiêu cụ thể về ứng phó với BĐKH được chúng ta đề ra đã đạt được, trong đó, mục tiêu giảm cường độ phát thải KNK trên đơn vị GDP vượt mục tiêu đề ra (giảm từ 8 - 10% so với năm 2010), thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đạt mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi với giảm phát thải KNK.
Hiện nay, dưới tác động của BĐKH, các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Bão, ATNĐ, xâm nhập mặn, lũ lụt; lượng mưa ngày cực đại tăng ở hầu hết các vùng khí hậu, mưa lớn, mưa kỷ lục gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất với thiệt hại ngày càng lớn. Dự báo đến năm 2050, nếu mực nước biển dâng từ 18÷38 cm, tổn thất có thể lên tới 2% GDP; đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100 cm, 6,3% diện tích đất của nước ta sẽ bị ngập.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới ngành, lĩnh vực
Ảnh hưởng của BĐKH đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành nông nghiệp. Ở Việt Nam với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, trong sản xuất nông nghiệp, lúa là loại cây trồng chủ lực, ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất lúa hàng năm chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đối với các loại cây trồng khác như hoa màu, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của BĐKH. Ảnh hưởng của BĐKH còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản,… như vậy đối với sản xuất nông nghiệp cần phải có một cách nhìn nhận mới và toàn diện hơn đặt trong bối cảnh hoàn động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của BĐKH.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hoạt động giao thông vận tải, theo nghiên cứu của kịch bản BĐKH nếu mực nước biển dâng cao 1m có khoảng 9% hệ thống đường quốc lộ, 12% hệ thống đường tỉnh lộ, 4% hệ thống đường sắt sẽ bị ảnh hưởng, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực ĐBSCL chiếm 28% đường quốc lộ và 27% đường tỉnh lộ của cả nước, tiếp đến là các tỉnh ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng vùng, từng địa phương và từng vị trí theo địa hình phân bố. Nghiên cứu tổng thể cho thấy, khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, vùng miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy, sạt lở, vùng trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng,… và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của BĐKH.
Đối với công nghiệp, ảnh hưởng của BĐKH khí hậu sẽ tác động đến ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến những sản phẩm nông nghiệp. Trong trường hợp nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng kéo theo nhiều hoạt động khác tăng theo như tăng công suất nhà máy phát điện, tăng sử dụng các thiết bị làm mát, ảnh hướng tới an ninh năng lượng quốc gia. Những nghiên cứu theo kịch bản nước biển dâng cho thấy, nếu mực nước biển dâng cao 1 m sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp ven biển bị ngập, mức thấp nhất trên 10% diện tích, mức cao nhất khoảng 67% diện tích.
Đối với bình đẳng giới, những nghiên cứu gần đây cho thấy, BĐKH ảnh hưởng tới công việc của phụ nữ, nữ giới là nhóm dễ bị tổn thương do BĐKH, ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế hộ gia đình và vấn đề di cư. Thực trạng này đã và đang thể hiện ngày càng rõ ở những vùng chịu nhiều tác động của BĐKH như vùng ĐBSCL và khu vực ven biển, khu vực nông thôn.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH, chúng ta cũng phải nhìn nhận toàn diện hơn đối với những ảnh hưởng có tính tích cực, chẳng hạn trong sản xuất nông nghiệp đối với lượng mưa, bên cạnh những tác động tiêu cực, cũng sẽ có những vùng có tác động tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ do BĐKH cần phải được phân tích kỹ lưỡng để thầy được những mặt tích cực và tiêu cực lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí cơ bản để đánh giá.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng theo lãnh thổ
Do đặc điểm địa lý, mỗi khu vực có vị trí địa lý và địa hình khác nhau, mức độ chịu ảnh hưởng của BĐKH đối với mỗi vùng cũng khác nhau, dựa trên tiêu chí cơ bản về nước biển dâng, đặc trưng ảnh hưởng của BĐKH có thể chia thành ba địa bàn lãnh thổ gồm đồng bằng, ven biển và miền núi.
Đối với vùng đồng bằng, nước ta có hai vùng đồng bằng lớn đó là Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và ĐBSCL. Đối với ĐBSCL là vùng chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, theo tính toán kịch bản BĐKH, đến cuối Thế kỷ 21 nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m sẽ có khoảng 40% diện tích đất bị ngập vĩnh viến, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất, thêm vào đó BĐKH diễn ra ở ĐBSCL kéo theo hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở và nhiều hệ lụy đi kèm như đã từng diễn ra những năm gần đây.
Đối với khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh lương thực. Đây là vùng cũng được dự đoán sẽ chịu tác động nặng nề và tổn thương cao trước BĐKH do khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, ngập úng và xâm nhập mặn đặc biệt đây cũng là khu vực đang có quá trình đô thị hóa nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng dân số cao. Mức độ nghiêm trọng của thiên tai và ảnh hưởng của BĐKH tới ĐBBB cũng tương tự so với khu vực ĐBSCL.
Khu vực ven biển của Việt Nam bao gồm Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông Nam Bộ thường xuyên chịu nhiều tác động của các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt ở vùng Trung Bộ; lũ lụt và sạt lở đất, đặc biệt là vùng ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ. Ngoài ra, đối với khu vực ven biển, BĐKH còn làm gia tăng các quá trình thoái hóa đất, làm cho thổ nhưỡng của vùng vốn dĩ có đặc điểm thành phần cơ giới nhẹ, khả năng giữ nước kém, bị suy thoái hơn. BĐKH sẽ làm cho diện tích nhiễm mặn ở vùng ven biển tăng đáng kể, từ đó giảm sút sản lượng lúa và nhiều hậu quả khác về môi trường. BĐKH còn làm suy giảm đa dạng sinh học vùng ven bờ, thay đổi hệ sinh thái của các vùng thấp ven sông, trong sông và cửa sông do thay đổi lượng mưa, dòng chảy mặt và nước ngầm cùng một số đặc trưng của chất lượng nước và chất dinh dưỡng. Các đợt hạn hán ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại nhiều địa phương ven biển sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn. Nhất là khu vực Nam Trung Bộ lượng mưa hàng năm trong khu vực đạt thấp nên dòng chảy tại khu vực này sụt giảm mạnh dẫn đến tình trạng XNM lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân ven biển.
Đối với khu vực miền núi, đặc điểm khu vực miền núi của nước ta phân bố nhiều dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp, do vậy ảnh hưởng của BĐKH diễn ra khả năng chống đỡ hạn chế. Ảnh hưởng chính của BĐKH khu vực này là tính dị thường của BĐKH, trong nền chung nhiệt độ tăng sẽ càng trầm trọng hơn thiếu nước về mùa khô, nhất là Tây Nguyên và Tây Bắc, suy giảm đa dạng sinh học, sự thay đổi hệ sinh thái. Nhiệt độ giảm sâu tác động tới chăn nuôi gia súc, gia cầm nhất là đối với trâu bò, thực tiễn những năm vừa qua cho thấy, khi nhiệt độ giảm sâu một lượng lớn trâu bò ở miền núi phía Bắc chết nhiều. Ảnh hưởng của BĐKH gây ra lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá là những hiện tượng khá phổ biến. Khu vực miền núi Bắc Trung Bộ với nền nhiệt tăng, cùng với khô hạn dễ dẫn đến cháy rừng, suy giảm đa dạng sinh học tác động tới đời sống nhân dân.
Triển khai một số giải pháp thích ứng
Hiện nay, hạ tầng thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai còn thiếu. Việc triển khai các quy định ứng phó với BĐKH còn chưa được triển khai mạnh mẽ ở địa phương. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính, con người, trang thiết bị cho ứng phó với BĐKH còn thiếu và yếu; ứng dụng khoa học và công nghệ chưa mạnh mẽ; chuyển đổi số của ngành mới được triển khai, kết quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu.
Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hợp tác quốc tế ứng phó, thích ứng với BĐKH. Cụ thể: Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, thích ứng với BĐKH; thực hiện cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với BĐKH, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu; nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân trong ứng phó, thích ứng với BĐKH. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, huy động nguồn viện trợ, hỗ trợ tài chính ưu đãi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việt Nam cần chủ động hơn trong hợp tác với các nước, nhất là các nước phát triển, như Mỹ, Pháp, Đức, EU,... Việc chủ động trong đối thoại, hợp tác với các nước này vừa góp phần tranh thủ sự quan tâm của các nước trong nỗ lực thúc đẩy ứng phó với BĐKH trên toàn cầu, vừa huy động được nguồn vốn viện trợ ưu đãi, bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư, giảm áp lực vốn khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế, nhiều dự án đầu tư trong ứng phó với BĐKH không có khả năng thu hồi vốn; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ứng phó, thích ứng với BĐKH.
Chúng ta cần huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế cho ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh hợp tác công - tư và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với BĐKH. Ưu tiên tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với thiên tai; nâng cao khả năng phòng chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như: Vùng ĐBSCL, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc.
Đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Giảm phát thải KNK nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, thực tế đã làm gia tăng nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon và kết quả giảm phát thải KNK giữa các quốc gia. Với những xu thế đó, nhiều nhiệm vụ đặt ra cho công tác ứng phó với BĐKH ở nước ta trong thời gian tới, trong đó trước mắt tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật ứng phó với BĐKH, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch quốc gia về ứng phó với BĐKH.
NGUYỄN HOÀNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2024