Tập trung đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư và phát triển
17/12/2024TN&MTĐánh giá tác động môi trường là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án. Đây là một yêu cầu không thể thiếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án. Do đó, chúng ta cần triển khai kiên quyết, đồng bộ các quy định về đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Triển khai đồng bộ các quy định về đánh giá tác động môi trường
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Luật BVMT 2020 có nhiều điểm mới, được điều chỉnh, bổ sung căn bản so với Luật BVMT trước đây về đối tượng, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt ĐTM (ĐTM), cụ thể:
Đối tượng phải thực hiện ĐTM được quy định tại Luật BVMT các năm: 1993, 2005, 2014 được liệt kê cụ thể loại hình, quy mô, công suất, loại hình từ kinh nghiệm quốc tế mà chưa xét đến vị trí của dự án sẽ triển khai đến các đối tượng nhạy cảm xung quanh có thể bị tác động bởi dự án. Đến Luật BVMT 2020 ra đời đã không còn danh mục cố định các Dự án phải thực hiện ĐTM mà phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường. Các Dự án thuộc nhóm I và 1 phần các Dự án nhóm II phải thực hiện ĐTM. Một số quy định mới về ĐTM trong Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT bao gồm:
Dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan QLNN về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.
Quy định chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, gồm: Giảm thủ tục hành chính (TTHC) cho nhiều nhà đầu tư, theo đó các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí. Áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao như: Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, ĐTM, cấp GPMT (nếu phát sinh chất thải).
Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt ĐTM theo Luật BVMT 2020 quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án có tác động xấu đến môi trường mức độ cao trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Đồng thời các dự án này phải thực hiện ĐTM trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, ĐTM được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Nội dung báo cáo ĐTM được quy định cụ thể trong các Thông tư hướng dẫn theo hướng ngày càng chi tiết, cụ thể, thực chất và khả thi hơn. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật trước năm 2021 giao các Bộ chuyên ngành và UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM. Luật BVMT năm 2020 chỉ giao Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.
Đối với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp GPMT ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm (thông qua thanh tra, kiểm tra) khi dự án đi vào hoạt động hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại UBND cấp xã. Luật BVMT 2020 đã xác định lại đúng vai trò của ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị, thi công dự án; việc quản lý dự án, cơ sở khi đi vào vận hành được thay thế bằng công cụ GPMT, đăng ký môi trường.
Về phê duyệt, Luật BVMT 2020, quy định cơ quan thẩm định, phê duyệt ĐTM bao gồm: Bộ TN&MT, các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình), Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án có yếu tố bí mật quốc gia); UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện (thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường đối với các dự án tác động môi trường không lớn dưới dạng cam kết BVMT, kế hoạch BVMT). Tuy nhiên, Luật BVMT 2020, đã yêu cầu thống nhất quản lý công tác thẩm định ĐTM, cơ quan thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM chỉ còn Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án đầu tư thuộc bí mật Nhà nước về quốc phòng, an ninh) và UBND cấp tỉnh.
Theo Luật BVMT 2020, thành phần hội đồng thẩm định được quy định công khai và tạo điều kiện để nhiều thành phần được tham gia. Các chuyên gia tham gia vào Hội đồng thẩm định các cấp được chọn lựa và phần lớn đều là các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp; chất lượng chuyên gia tham gia hoạt động Hội đồng thẩm định ĐTM có khác nhau giữa các địa phương vì nhiều lý do khác nhau (yếu tố địa lý, kinh phí,…). Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM được thay thế bằng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM.
Theo PGS, TSKH. Nguyễn Xuân Hải, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá ĐTM, Bộ TN&MT, với nhiều điểm thay đổi một cách căn bản trong công tác thực hiện ĐTM theo Luật BVMT 2020 thì việc thực thi bước đầu gặp một số khó khăn như: Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác BVMT chưa thường xuyên, liên tục nên việc theo dõi, đôn đốc các cơ sở thực hiện các yêu cầu về BVMT theo quy định còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TN&MT với địa phương chưa thực sự chặt chẽ.
Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện công tác ĐTM còn thiếu. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chủ dự án và đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện ĐTM, nhiều trường hợp Chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc về Chủ dự án. Do không có sự phối hợp chặt chẽ này, nội dung tư vấn môi trường đưa ra trong báo cáo ĐTM đôi khi không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án đầu tư; các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường đưa ra trong báo cáo ĐTM đã không được thực hiện do Chủ dự án không nắm được nội dung báo cáo ĐTM,… Hiện nay, một số dự án đầu tư mới vào Việt Nam đã, đang và sẽ áp dụng các kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm phát thải ô nhiễm. Tuy nhiên, BAT mà các chủ dự án cam kết áp dụng tại Việt Nam được đến từ nước ngoài, Việt Nam chưa xây dựng và ban hành các hướng dẫn về yêu cầu áp dụng BAT phù hợp với điều kiện thực tế, dẫn đến khó khăn trong công tác sàng lọc, lựa chọn, thẩm định các dự án đầu tư mới và các dự án nâng cấp, mở rộng, chuyển đổi công nghệ.
Ngoài ra, Điều 52 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về một số nội dung liên quan đến khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư và khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư. Trong đó, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 53 Luật BVMT 2020, cụ thể là các cơ sở, kho tàng phát sinh bụi, mùi và tiếng ồn.
Tập trung đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động đầu tư phát triển
Hiện nay, ĐTM đang đánh giá, dự báo chính về chất thải, quản lý dòng thải mà chưa thể đánh giá thật sâu sắc, kỹ lưỡng về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, các tác động khác không liên quan đến chất thải, cảnh quan thiên nhiên, biến đổi khí hậu, cân bằng sinh thái. Vì vậy, để triển khai Luật BVMT 2020, Nghị định 08/2022 và một số bản liên quan về công tác BVMT và công tác ĐTM trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để có bộ tiêu chí để có thể lượng hóa các thiệt hại về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học khi thực hiện Dự án đầu tư từ đó làm căn cứ yêu cầu Chủ dự án có phương án trồng bù rừng, bồi hoàn đa dạng sinh học cụ thể, khả thi. Nghiên cứu để có những đánh giá tác động của Dự án tới biến đổi khí hậu và ngược lại; các biện pháp đảm bảo cân bằng sinh thái, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên khi thực hiện Dự án.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về ĐTM; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và cơ sở dữ liệu về môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập và thẩm định, quản lý báo cáo ĐTM. Nâng cao chất lượng báo cáo ĐTM. Thực hiện điều tra, đánh giá loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 53 Luật BVMT.
Thứ ba, phối hợp với Bộ KH&CN, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) để áp dụng tại Việt Nam; định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục BAT bảo đảm sự phù hợp với thực tế và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; hướng dẫn áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường góp phẩn triển khai thực hiện tốt Luật BVMT, trong đó tập trung vào các cơ sở, kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 53 Luật BVMT 2020.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ĐTM ở các địa phương. Tăng cường sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong công tác đào tạo tăng cường năng lực về ĐTM.
Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về các quy định mới liên quan đến ĐTM trong Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Truyền thông nâng cao nhận thức về ĐTM cho các cơ quan hoạch định chính sách, ra quyết định về chiến lược, quy hoạch, cơ quan quản lý môi trường và cộng đồng; tăng cường sự hợp tác của các cơ quan có liên quan đối với công tác ĐTM và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập ĐTM.
TS. TRẦN HẬU VƯƠNG
Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2024