Đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam
13/12/2024TN&MTKết nối, phát triển các ý tưởng đổi mới, sáng tạo các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tái chế rác thải nhựa với các câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, doanh nghiệp… Biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các sáng kiến và giải pháp có tính sáng tạo đạt giải giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng và doanh nghiệp. Đây là mục tiêu Hội thảo “Đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC), UNDP Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ô nhiễm nhựa, còn gọi là ô nhiễm “trắng” do nhựa dùng một lần gây ra, là vấn đề môi trường, là thách thức lớn đối với xã hội hiện đại. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Do vậy, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Sự đổi mới cần thiết để giải quyết vấn đề này không chỉ đến từ những ý tưởng đột phá, mà còn từ sự phối hợp hành động giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khơi dòng tài chính, nhằm tiếp cận những giải pháp sáng tạo và khám phá các cơ hội đầu tư mới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT)
Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết thêm, tại Việt Nam đã hình thành các mạng lưới đổi mới sáng tạo, các ý tưởng khợi nghiệp dựa trên kinh tế tuần hoàn. Không chỉ là nơi các ý tưởng độc đáo, sáng tạo được tỏa sáng, mà còn là nơi để cùng nhau khám phá tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn. Đây là những người tiên phong, mở đường cho một tương lai xanh hơn. Bằng đam mê và trí tuệ, các thí sinh đã tìm ra những giải pháp sáng tạo, những quy trình sản xuất bền vững và sản phẩm thân thiện môi trường.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Hải Yến - Cán bộ Cán bộ phụ trách đổi mới sáng tạo mảng nhựa, (Ban Biến đổi khí hậu và môi trường, UNDP tại Việt Nam) cho biết, Nhựa đang hủy hoại sinh vật biển và gây ô nhiễm đại dương với tốc độ chưa từng thấy. Rác thải nhựa không biết biên giới, đi qua biển, sông và đồng bằng...ảnh hưởng đến tất cả các mọi mặt xã hội và nền kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu, khí thải từ nhựa sẽ đạt 17% tổng carbon toàn cầu trong vòng ba thập kỷ tới. Nếu không có hành động, chúng ta có nguy cơ có nhiều nhựa hơn cá trong các đại dương vào năm 2050. Vào năm 2020, UNDP đã khởi động Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC), tìm kiếm, ươm tạo và tài trợ cho các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề ô nhiễm nhựa ở các thành phố ven biển ở ASEAN.
Khái quát mô hình đổi mới sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm nhựa
Bà Nguyễn Hải Yến cũng cho biết, Các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm nhựa 2025 như: Chương trình đổi mới sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm nhựa toàn cầu (GPIP): 2025 - 2027, cung cấp khoản tài trợ nhỏ (30 – 40k/giải pháp), ưu tiên các giải pháp của giới trẻ; tạo cơ hội để kết nối, học hỏi kinh nghiệm và xúc tiến nhân rộng giải pháp với khu vực (triển lãm tại Trung quốc). Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) -Nhóm đổi mới sáng tạo và tài chính NPAP: 2025 - 2027 với mục tiêukKết nối, giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo với nhà đầu tư phù hợp; thúc đẩy nâng cao năng lực và hỗ trợ tăng tốc cho các giải pháp tiếp cận với cơ hội mới; hỗ trợ về kỹ thuật và kiến thức trong mảng nhựa…
Cũng tại Hội thảo, Ban tổ chức đã trao giải thưởng Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”. Theo đó có 20 giải thưởng cho các sáng kiến xuất sắc nhất trong tổng số hơn 80 sáng kiến dự thi từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Trong đó, 2 giải Nhất được trao cho các sáng kiến: “Thiết bị tự động thu gom rác thải nhựa trên ao, hồ chạy bằng năng lượng mặt trời” của tác giả Nguyễn Quang Nam và “Ứng dụng nhựa sinh học từ thực vật thay thế nhựa gốc dầu hỏa trong lĩnh vực đóng gói bao bì” của tác giả Trần Ngọc Dung.
Nhiều sáng kiến thiết thực khác cũng được trao giải như: Hướng dẫn và giám sát hoạt động phân loại rác tại nguồn và sự tham gia của người dân trong việc trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải phát sinh trên địa bàn của Tổ bảo vệ môi trường cộng đồng phường Cẩm Nam, thành phố Hội An; Giải pháp xanh - Nội thất tái chế của tổ chức Upgreen Việt Nam; WINDOU - Ứng dụng tính toán và thương mại rác thải tái chế thông qua Tín chỉ Carbon của Nguyễn Đình Phong; Máy ép chất thải tái chế cỡ vừa và nhỏ VMECO.2024 của Công ty Cổ phần Môi trường Vietmap…
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, nhiều ý tưởng, sáng kiến đoạt giải có khả năng áp dụng cao vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao trong việc giảm thiểu rác thải nhựa ở hộ gia đình, cộng đồng. Đồng thời, nhiều mô hình có thể áp dụng trực tiếp vào chuỗi cung ứng nguyên liệu tạo ra nền kinh tế tuần hoàn nhựa, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững. Các giải pháp đã có sẵn nhưng tính khả thi để kinh tế hóa, đưa các giải pháp vào ứng dụng thì cần rất nhiều các đơn vị đầu tư có liên quan đến ngành nghề. Vì vậy, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với UNDP Việt Nam tổ chức các hoạt động tôn vinh các sáng kiến đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các giải pháp mong muốn có các nguồn lực hỗ trợ từ các Quỹ đầu tư, ngân hàng, đối tác song phương, đa phương, đặc biệt nguồn lực từ Quỹ môi trường sẽ giúp cho những ý tưởng, dự án đổi mới sáng tạo phát triển.
Nhân dịp này, Trung tâm Truyền thông và môi trường tổ chức triển lãm, trưng bày các tác phẩm đạt giải của cuộc thi; sản phẩm, dự án đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn; gian hàng kết nối và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua đó, Ban Tổ chức mong muốn, các ý tưởng sáng tạo sẽ trở thành những bước tiến đột phá, tiên phong trong mở đường cho một tương lai xanh hơn, một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, xây dựng quy trình sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Các sáng kiến, ý tưởng tham dự cuộc thi không chỉ giải quyết các vấn đề về nhựa mà còn giúp kiến tạo một đất nước xanh, sạch, phát triển bền vững, hội nhập toàn cầu.
Tư Ninh