Giải pháp nào cho các dòng sông ô nhiễm?
17/12/2024TN&MTĐã đến lúc phải xem việc phục hồi các “dòng sông chết” là một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phục hồi các dòng sông ô nhiễm một cách đơn lẻ, cục bộ, chưa có giải pháp tổng thể. Trong khi đó quản lý dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính.
Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh về chủ đề “giải cứu” những dòng sông ô nhiễm.
Phóng viên: Thưa ông, những năm qua, ô nhiễm các dòng sông là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nơi, đặc biệt là các đô thị lớn. Ông có thể chia sẻ tổng thể bức tranh chất lượng nước các dòng sông ở Việt Nam hiện nay?
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Những năm qua, nhiều dòng sông đã bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm khá nghiêm trọng, bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nguyên nhân chủ yếu do sức ép từ nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông ngày càng lớn, sự gia tăng về lượng nước thải, rác thải xả ra môi trường.
Nhiều dòng sông hiện nay không còn đúng nghĩa là “dòng sông” với đầy đủ chức năng của nó mà về cơ bản chỉ còn là kênh thoát nước thải, không còn khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm như: Sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê.
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó, có 392 sông, suối liên tỉnh, 3.045 sông, suối nội tỉnh. Chúng ta đã và đang theo dõi được tình trạng chất lượng nước trên một số các dòng sông thông qua hệ thống quan trắc môi trường, tài nguyên nước và các hoạt động điều tra, đánh giá chất lượng nước.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai thực hiện đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông liên tỉnh trên 13 lưu vực sông lớn và một số địa phương cũng đã và đang triển khai thực hiện đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông nội tỉnh.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực vào 1/7/2024 quy định về việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (Điều 34). Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm để làm căn cứ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước. Do vậy, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức việc đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm các dòng sông để lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những giải pháp phục hồi các “dòng sông chết” được quy định trong Luật Tài nguyên nước năm 2023?
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” là chính sách rất lớn trong Luật Tài nguyên nước năm 2023. Để có hành lang pháp lý cụ thể, Luật đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông như quy định cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Đồng thời, bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 cũng bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa. Quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước. Bên cạnh đó, đã luật hóa quy định về dòng chảy tối thiểu để bảo đảm giảm thiểu tối đa tác động của các đập, hồ chứa, các công trình điều tiết phía thượng nguồn đến chế độ dòng chảy các dòng sông, góp phần phục hồi các dòng sông chết trên phạm vi cả nước.
Phóng viên: Phục hồi các dòng sông ô nhiễm cũng là nhiệm vụ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Công việc này đang được triển khai ra sao, thưa ông?
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Đơn vị chúng tôi đang trình Bộ TN&MT đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, bao gồm thu gom, xử lý nước thải. Đề án dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025, nếu được thông qua và có đủ nguồn lực thì trong vòng khoảng 5-7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông.
Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông sẽ có hai hướng, một là thí điểm ngay vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm, rồi sau đó triển khai mở rộng ra sông Nhuệ, Đáy và các sông nội đô Hà Nội.
Hướng thứ hai sẽ làm chương trình tổng thể trên toàn quốc đó là rà soát, thống kê, lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.
Phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và lựa chọn phương án nào để triển khai là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chứ không chỉ riêng gì Bộ TN&MT.
Phóng viên: Tại sao phục hồi các dòng sông trong những năm qua kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, thưa ông?
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Hiện nay chúng ta đang phục hồi các dòng sông ô nhiễm một cách đơn lẻ, cục bộ, chưa có những giải pháp tổng thể, trong khi đó quản lý dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính.
Một số phương án phục hồi các dòng sông đã được đặt ra ví dụ như việc đầu tiên cần bắt tay vào thu gom, xử lý triệt để nước thải sinh hoạt từ khu dân cư. Đồng thời thu gom cả nước thải ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp phát sinh từ phân bón, thuốc trừ sâu,… Sau đó sẽ đến khâu tạo nguồn dòng chảy cho dòng sông.
Để làm được công việc này cần phải đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực. Tuy nhiên theo tôi, phục hồi dòng sông “thành” hay “bại” chính là cơ chế để vận hành. Vì xây dựng một công trình thu gom, xử lý nước thải, trạm bơm tiếp nước không khó nhưng duy trì nó thì cơ chế nào cho nhà đầu tư tham gia. Dự kiến thành lập 5 Ủy ban BVMT lưu vực sông.
Phóng viên: Vậy sẽ gặp không ít những thách thức, thưa ông?
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Đúng vậy. Trước đây từng thành lập Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai trong đề án BVMT nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Dự kiến sắp tới sẽ thành lập 5 Ủy ban BVMT lưu vực sông gồm sông Hồng - sông Thái Bình, sông Mê Công, sông Bắc Trung Bộ, sông Nam Trung Bộ, sông Đông Nam Bộ.
Mỗi một ủy ban sẽ phụ trách một số lưu vực sông chính, trong đó, sông nhánh như sông Nhuệ - sông Đáy sẽ là tiểu ban nằm trong ủy ban. Dự kiến trong ủy ban có lãnh đạo Chính phủ, các bộ, địa phương để chỉ đạo đồng bộ, liên tục. Vận hành, điều phối liên ngành chứ không còn là trách nhiệm của một ngành, một đơn vị.
Nhìn rộng ra, bên cạnh đó không chỉ là câu chuyện xử lý ô nhiễm các dòng sông, theo tôi để đảm bảo an ninh nguồn nước phải có cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước ra được quyết định, điều hành tức thì các dòng sông lớn trên cả nước. Hiện nay đang bắt đầu từ điều tra cơ bản, sau đó đến xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.
Trước mắt sẽ có cơ sở dữ liệu để xác định xem có bao nhiêu tài nguyên nước, mỗi năm có bao nhiêu nước và cần sử dụng bao nhiêu. Số liệu sẽ được công bố hằng năm, kể từ tháng 1-2025. Từ số liệu, kịch bản công bố thì các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch sử dụng nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Tâm (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2024