Huy động nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái bền vững
17/12/2024TN&MTSuy thoái đa dạng sinh học và hệ sinh thái vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả xã hội, bao gồm: Nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Do đó, để có được nguồn lực cần thiết cho quản lý, bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học sẽ cần có một chiến lược cụ thể về cách huy động các nguồn lực tài chính cần thiết để thực hiện và duy trì các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đang bị suy thoái một cách kịp thời và hiệu quả nhất.
Bất cập về nguồn lực, tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học
Đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, các loài nguy cấp chúng ta cần nguồn lực lớn và thời gian cụ thể. Mặc dù, cần đầu tư lớn và lâu dài, xong các kết quả thường khó có thể đo tính được một cách rõ ràng trong ngắn hạn, chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn,… Thực tế, Điều 73 Luật ĐDSH và Nghị định 160 quy định, NSNN sẽ chi cho hoạt động bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng như công tác điều tra, quan trắc, xây dựng cơ sở bảo tồn. Song thực tế các đầu tư này hiện tại vẫn chưa được thực hiện, nguồn chi từ Nhà nước cho ĐDSH hiện còn rất ít, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tiễn.
Theo Báo cáo đánh giá nhu cầu tài chính (FNA) cho ĐDSH của Việt Nam năm 2021 cho thấy, thiếu hụt tài chính cho các hoạt động quản lý, bảo tồn ĐDSH sẽ là một bất cập trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó, nguồn tài chính sẽ luôn thiếu để đạt được các mục tiêu đã nêu ra trong Chiến lược quốc gia về ĐDSH của Việt Nam. Nếu các nguồn lực tài chính không thể tăng cường thông qua các cơ chế tài chính hiện tại, đặc biệt là nguồn ngân sách, thì sẽ cần phải có các chiến lược, cách tiếp cận khác nhằm thu hút thêm các nguồn lực không chỉ từ ngân sách mà còn hướng tới nguồn từ xã hội và khối tư nhân, mới có thể đầu tư cho ĐDSH một cách đầy đủ và dài hạn. Hơn thế, trong bối cảnh NSNN không đáp ứng đủ nhu cầu tài chính cho ĐDSH, cần chú trọng vào khối doanh nghiệp, và cộng đồng để khuyến khích họ đóng góp các nguồn tài chính bổ sung cho bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH dài hạn, hiệu quả hơn.
Nguồn tài chính cho quản lý và bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm phụ thuộc phần lớn vào NSNN. Tuy nhiên, theo kết quả của Dự án “sáng kiến về tài chính ĐDSH” (BIOFIN), việc chi cho ĐDSH luôn dưới 1% tổng NSNN. Vì thế, nguồn tài chính cho công tác bảo tồn luôn thiếu và sử dụng không hiệu quả. Đối với nguồn tài chính theo Thông tư liên tịch số 160/2014/TTLT-BTC-BTNMT về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ NSNN thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các hoạt động liên quan trực tiếp đến loài hoang dã nguy cấp thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT theo Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản không hưởng nguồn kinh phí theo Thông tư này. Do đó, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH sẽ không thể tiếp cận được các nguồn tài chính từ Bộ NN&PTNT.
Hiện nay, phần lớn các tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, tuy nhiên, chỉ có một số ít bố trí kinh phí nhất định thực hiện. Đây cũng là một khoảng trống lớn, vì việc thực hiện Chiến lược ĐDSH thì ở các địa phương sẽ là quan trọng nhất, như vậy nhất thiết phải có nguồn của địa phương, hoặc các nguồn khác để hỗ trợ địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có quy định về quỹ cho ĐDSH nói chung và loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói riêng. Điều 73, Luật ĐDSH 2008 và Điều 17, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định về các nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ, nhưng không đề cập đến quỹ như Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi theo Luật Thủy sản. Thực tế, đây vẫn là các quỹ có nguồn thu lớn, nếu có các hướng dẫn và quy trình phù hợp, thì nguồn lực từ các quỹ này có thể hỗ trợ đáng kể cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH.
Việc thiếu hụt, hạn chế về nguồn lực, tài chính dẫn đến hoạt động bảo tồn ĐDSH còn gặp khó khăn, hoặc phần lớn là chưa thực hiện được. Nhiều dự án bảo tồn loài dang dở do không đủ kinh phí; cơ sở vật chất, hạ tầng các khu bảo tồn, khu cứu trợ bị xuống cấp, một số loài ngoại lai xâm hại không được xử lý triệt để gây nguy hại cho loài bản địa. Với cách phân bố và quy trình tài chính như hiện tại thì các thiếu hụt, bất cập này sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi có chính sách mới, các hướng dẫn mới. Thực tế nguồn đầu tư công cho các hoạt động bảo tồn loài hiện nay là rất ít, các hoạt động đã, đang triển khai chủ yếu từ nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua các dự án ODA hoặc các hoạt động do các tổ chức bảo tồn thực hiện.
Huy động nguồn lực đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học bền vững
Đầu tư cho đa dạng sinh học cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Bên cạnh sự đầu tư dài hạn và chủ đạo của ngân sách tập trung chủ yếu cho đầu tư công như duy trì quỹ lương, các hoạt động cơ bản của hệ thống hành chính, quản lý thì cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế để hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng từ đầu tư công.
Trong bối cảnh NSNN không đáp ứng đủ cho bảo tồn ĐDSH thì bắt buộc phải có một cơ chế tài chính mới, chính sách mới để thu hút được các nguồn lực bổ sung cho thiếu hụt đó một cách lâu dài và bền vững hơn. Các cơ chế thu hút đó cần có cách hoạt động sáng tạo, linh hoạt và có lợi cho người đóng góp nhằm tạo ra một nguồn lực mới, bù đắp cho các thiếu, hụt từ đầu tư cho ĐDSH từ NSNN. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn lực lực từ khối doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh và đóng góp từ người dân Việt Nam sẽ là những nguồn lực quan trọng nhất và bền vững nhất cho bảo tồn ĐDSH của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có chiến lược và kế hoạch cho việc huy động sự tham gia và đóng góp từ khối doanh nghiệp, hộ kinh doan và người dân cho công tác bảo tồn ĐDSH, rõ ràng nguồn lực quan trọng và bền vững này vẫn đang bị bỏ quên, mà chưa phát huy được tác dụng to lớn của mình.
Bên cạnh đó, chi trả dịch vụ hệ sinh thái là một nguồn lực lớn và quan trọng nhất đã được xác định như một phần quan trọng nhất trong cơ chế tài chính bền vững cho ĐDSH. Loại hình chi trả này ở Việt Nam bước đầu đã được áp dụng và rất thành công đối với hệ sinh thái rừng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đang là một nguồn lực phi ngân sách lớn nhất cho ngành Lâm nghiệp. Chi trả DVMTR giúp gia tăng nguồn thu cho chủ rừng, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước, và nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tạo thu nhập và sinh kế cho nhiều cộng đồng miền núi. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hiện nay đạt bình quân trên 1.500 tỷ đồng/năm, tổng thu từ chi trả dich vụ môi trường rừng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Tiếp nối thành công của hoạt động chi trả DVMTR, cần mở rộng hình thức chi trả này cho các dịch hệ sinh thái khác để tạo nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và các loài hoang dã. Các hình thức chi trả khác có thể thực hiện được sớm như du lịch, nước công nghiệp và thị trường tìn chỉ hấp thụ và giảm phát thải các-bon.
Để tạo ra một nguồn tài chính ổn định và bền vững cho bảo tồn ĐDSH và đặc biệt là công tác bảo tồn các loài hoang dã Việt Nam cần có các định hướng rõ ràng về chính sách tài chính và chiến lược huy động các nguồn lực cho ĐDSH. Ngân sách vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo cho các hoạt động quản lý, điều phối, duy trị bộ máy; các nguồn xã hội hóa sẽ được vận động để hỗ trợ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, các loài.
ĐOÀN NGUYÊN
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2024