Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Hải Phòng cần sớm xử lý 137 bãi rác tạm
11/07/2022TN&MTTiếp tục chương trình khảo sát khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đoàn công tác của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội thực hiện tại Hải Phòng đã ghi nhận sự tồn tại của 137 bãi rác tạm tại địa phương này cần sớm xử lý.
Báo cáo với đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2021, Hải Phòng đã ban hành 28 văn bản về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn là 1764 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng lên từ năm 2016 đạt 97% đến năm 2020 đạt 100%; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn tăng lên từ năm 2016 đạt 86,8% đến năm 2021 đạt 94,66%.
Đoàn của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội thực hiện khảo sát tại các khu vực xử lý rác ở Hải Phòng.
Cũng theo báo cáo này, đối với phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp tại các khu xử lý tập trung, cùng với 137 bãi rác tạm, chiếm 32%. Việc xử lý bằng phương pháp này tuy giá thành xử lý và đầu tư xây dựng rẻ, xử lý được lượng lớn chất thải, không phải phân loại song chiếm rất nhiều diện tích đất, thời gian phân hủy chậm, phát tán mùi, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường.
Đoàn công tác khảo sát khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát, quận Hải An, TP. Hải Phòng.
Theo lộ trình, Hải Phòng đã đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường 1 bãi rác cấp huyện. Dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm, đến năm 2030 sẽ đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố.
Đối với việc thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn, Hải Phòng đã quy hoạch 7 khu xử lý cấp thành phố và 7 khu xử lý cấp huyện, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 400 ha. Đến nay, đã thực hiện đầu tư xây dựng 3 khu xử lý cấp thành phố; 2 khu xử lý cấp huyện.
Qua nghe báo cáo tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địan bàn thành phố Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đoàn công tác thăm phòng điều hành khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát, quận Hải An.
Như trong vấn đề về công nghệ xử lý còn đơn giản, chủ yếu là chôn lấp; công tác phân loại rác tại nguồn mới được triển khai tại một vài địa phương, đơn vị theo các mô hình thí điểm, chưa được nhân rộng.
Mặt khác, còn chồng chéo trong công tác quản lý chất thải rắn giữa các sở, ngành, địa phương. Cùng với đó, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn mỏng, làm việc theo hình thức kiêm nhiệm.
Đặc biệt, Hải Phòng cần sớm xoá bỏ các bãi rác tạm; chấm dứt tình trạng rác thải đổ bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải. Khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phát triển những mô hình hiệu quả, điển hình trong phân loại, thu gom, xử lý chất thải và nhân rộng các mô hình này trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu đánh giá về công tác xử lý CTRSH của Hải Phòng.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp tục kêu gọi, thu hút các tổ chức quốc tế hợp tác, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải; thu hút đầu tư cho xử ly nâng cao năng lực quản lý, học tập kinh nghiệm các tổ chức quốc tế về các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin, số liệu về chất thải để đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý và bảo vệ môi trường. Đồng thời, xem xét giảm chi phí đầu vào các cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để thực hiện được hiệu quả các dự án nhà máy xử lý rác thải, nhất là nhà máy điện rác.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, Trưởng đoàn khảo sát tại Hải Phòng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, UBND thành phố Hải Phòng. Đồng thời, lưu ý Hải Phòng cần khẩn trương xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tạm trên địa bàn; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quy hoạch xử lý chất thải rắn để tạo đồng thuận trong nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị có phương án dự phòng trong quy hoạch, đề phòng những trường hợp không mong muốn xảy ra. Đối với việc phân loại rác tại nguồn cần rất nhiều yếu tố, trong đó phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân; sự hỗ trợ hướng dẫn từ các bộ, ngành; nguồn vốn để đầu tư xây dựng về công nghệ, hạ tầng…
>>>> Xem thêm: Chất thải rắn sinh hoạt - Thảm hoạ hay tài nguyên: Khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý CTRSH tại Hà Nội
Đỗ Hùng - Bảo Bảo