Điện Biên làm tốt công tác quản lý nhà nước về TN&MT - Bài 5: Đấu tranh, ngăn chặn vi phạm về môi trường
22/03/2024TN&MTNhờ sự phối hợp liên ngành một cách đồng bộ, đồng thời bám sát các chỉ đạo của UBND tỉnh, của Trung ương về vấn đề môi trường. Nên thời gian qua, công tác bảo vệ, ngăn chặn vi phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn đạt kết quả tốt,…
Những con số “biết nói”
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường ở Điện Biên được đẩy mạnh, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm; các điểm nóng về môi trường đã cơ bản được xử lý; công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quan tâm và nâng cao chất lượng. Các phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường được phát động thường xuyên và duy trì. Môi trường của tỉnh được cải thiện về nhiều mặt như trồng cây xanh, vệ sinh môi trường đô thị, vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế, rừng và đa dạng sinh học từng bước được phục hồi.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Điện Biên, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường. Nhờ sự phối hợp tốt trong công tác thanh tra kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về môi trường theo đúng quy định nên đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các sở, ban, ngành tỉnh đã Tổ chức triển khai 03 đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 23 cơ sở; kiểm tra, thẩm định, đánh giá các chỉ tiêu trong tiêu chí số 17 đối với các xã xây dựng nông thôn mới và tiêu chí số 17, 18 đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh tại 16 xã thuộc các huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé.
Cùng với đó, thực hiện các cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong buôn bán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kinh doanh giống cây trồng nhập khẩu đối với 119 cá nhân; qua kiểm tra phát hiện và xử lý 01/119 cá nhận, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Tổng số tiền xử phạt 8.500.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón thời hạn là 06 tháng. Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân góp phần giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật và lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng xả thải ra ngoài môi trường.
Nhiều trường hợp vi phạm về môi trường bị xử lý ở Điện Biên
Theo UBND tỉnh Điên Biên, lực lượng công an địa phương này đã phối hợp với các đơn vị có liên quan phát hiện 130 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, khoáng sản, an toàn thực phẩm trong đó khởi tố 64 vụ về hủy hoại rừng và vận chuyển động vật hoang dã; phối hợp với lực lượng chức năng xử lý 25 vụ khởi tố vụ án khởi tố bị can; xử phạt hành chính với tổng số tiền 560.500.000 đồng.
Việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, trong năm 2023 địa phương này đã thực hiện và xử lý đối với 2.895.75 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật và thuốc vệ thực vật hết hạn sử dụng; qua đánh giá, rà soát hiện tại trên địa bàn tỉnh không có điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, không có khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất độc da cam/dioxin. Đáp ứng nhu cầu thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại nội đồng, đến thời điểm hiện tại tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 735 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Mặc dù, tỉnh Điện Biên chưa có kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho cụm công nghiệp. Nhưng, các dự án triển khai trong cụm công nghiệp đều phải lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, có hệ thống xử lý nước thải riêng nhằm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp trước khi thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý bụi, khí thải, thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại,... cơ bản đã đáp ứng các yêu câu vê bảo vệ môi trường.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 01 làng nghế, 03 nghề truyền thống được công nhận trên tổng số 44 nghề truyền thống. Hiện trạng môi trường tại các khu vực có nghề còn tương đối tốt, chưa có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề ngăn chặn vi phạm về môi trường, đại diện Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trong những năm qua, tình hình khai thác khoáng sản trái phép đã được kiềm chế so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản vẫn diễn ra ở một số huyện với quy mô nhỏ lẻ, hoạt động tự phát gây xói mòn dòng chảy, sạt lở, mất đất sản xuất của nhân dân. Một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng trong quá trình khai thác thực hiện không đúng, không đầy đủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác, chậm kê khai, kê khai thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; không quan trắc môi trường định kỳ theo quy định,...
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến dạng thớt trái pháp luật vẫn diễn ra tại các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tuần Giáo, Tủa Chùa, địa bàn giáp ranh với các xã của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Thủ đoạn của các đối tượng là thuê người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ, thu gom, tập kết gỗ tại những điểm bí mật rồi tổ chức vận chuyển đến nơi tiêu thụ; sử dụng xe máy cũ, phân khối lớn để vận chuyển lâm sản gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình truy đuổi, bắt các đối tượng; thường xuyên thay đổi phương tiện vận chuyển; sử dụng giấy tờ hợp pháp để quay vòng nhiều lần,... Tình trạng buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ động vật, sản phẩm động vật hoang giã trái phép vẫn diễn ra với thủ đoạn tinh vi hơn.
Nên vấn đề môi trường ở Điện Biên đạt được những kết quả tốt
Công an tỉnh Điện Biên, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát kinh tế, môi trường đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm về môi trường; tổ chức nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Kết quả, từ năm 2020 đến hết năm 2023 đã phát hiện, điều tra, xử lý 321 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố 81 vụ (09 vụ theo Điều 244; 72 vụ theo Điều 243 và Điều 232); xử lý hành chính 240 vụ, số tiền 3.075.700.000 đồng. Cụ thể: Phát hiện 40 vụ, 40 đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác; tang vật thu giữ 06 bộ máy hút cát, 01 sên hút cát, 02 tàu hút cát, 01 đầu máy nổ. Hoàn thiện hồ sơ chuyển lực lượng chức năng xử phạt hành chính 1.715.000.000 đồng; Đã phát hiện, bắt giữ 46 vụ, 49 đối tượng vi phạm về cất giữ, vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật, thu giữ 2.658,7 kg động vật hoang dã các loại (02 cá thể gấu ngựa, 01 cá thể hổ, 01 cá thể báo, 02 cá thể tê tê Java, 06 cá thể rắn hổ mang chúa, 04 cá thể cu li, 320 kg rùa các loại,.... Khởi tố 09 vụ, 10 bị can theo Điều 244; hoàn thiện hồ sơ chuyển lực lượng Kiểm lâm xử phạt hành chính 37 vụ, số tiền 390.300.000 đồng; Phát hiện 123 vụ vi phạm về huỷ hoại rừng, khai thác rừng trái phép, vận chuyển lâm sản trái phép; Thu giữ 103,58 m3 gỗ các loại; 1,2 tấn cây cẩu tích; 2,5 tấn cây hoàng đằng; 4,113 tấn củ dược liệu,… hoàn thiện hồ sơ khởi tố 72 vụ theo Điều 243 và Điều 232; hoàn thiện hồ sơ chuyển lực lượng Kiểm lâm xử phạt hành chính 51 vụ, số tiền 573.150.000 đồng.
Quyết liệt ngăn chặn vi phạm về môi trường
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, địa phương này đã ban hành Kế hoạch số 2763/KH-UBND ngày 29/8/2022 về ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Điện Biên với mục đích đảm bảo sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động phát sinh từ sự cố tràn dầu đến môi trường sinh thái, kinh tế và đời sống của nhân dân. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách, lực lượng, phương tiện cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu. Từ đó làm cơ sở đào tạo, tập huấn, diễn tập nâng cao nâng lực ứng phó sự cố, thiết lập được quy trình, cơ chế phối hợp kịp thời hiệu quả giữa tổ chức, cá nhân và các đơn vị liên quan.
Trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố môi trường, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố đều có phương án ứng phó sự cố môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Phối hợp xử lý 01 thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường trên địa bàn, qua đó đã kịp thời ngăn chặn xử lý. Năm 2023 tạm dừng hoạt động đối với 10 cơ sở sản xuất chế biến dong riềng.
Phong trào bảo vệ môi trường ở Điện Biên ngày một tốt hơn. Ảnh: Báo Điện Biên
Do vậy, thời gian tới Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, là công tác rà soát, công bố, chuẩn hóa thủ tục hành chính; rà soát, thay thế, bãi bỏ và xây dụng mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Tiếp tục nâng cao công tác thẩm định, câp phép môi trường, đặc biệt công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc cập Giấy phép môi trường theo đúng quy định; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; thực hiện rà soát, bổ sung các đối tượng thu phí; tổ chức thực hiện thu phí môi trường theo quy định.
Cùng với đó, kiểm tra các dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, yêu cầu các chủ dự án triển khai thực hiện nghiêm túc công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quyết định đã phê duyệt.
Ở góc độ khác, nhận định về vấn đề bảo vệ môi trường thời gian tới, đại diện Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trong những năm tới, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường dự báo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường sẽ khó phát hiện trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản; xử lý chất thải; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý môi trường trong lĩnh vực y tế; quản lý thuốc bảo vệ thực vật có nhiều thách thức mới. Tình hình khai thác tài nguyên, khoáng sản, khai thác, chặt phá rừng trái phép, phá hoại đa dạng sinh học sẽ dẫn đến các nguy cơ sự cố môi trường.
Sự phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ môi trường ở Điện Biên đạt kết quả tốt
Trước tình hình trên lực lượng Công an tỉnh Điện Biên xác định những nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.
Cụ thể, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường. Tăng cường nghiên cứu, nắm tình hình và dự báo sát với tình hình để đề xuất và chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường; Triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường; tăng cường nghiên cứu, nắm tình hình và dự báo sát với tình hình để đề xuất và chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và các nhiệm vụ, giải pháp trong định hướng phát triển bền vững. Chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh Điện Biên chủ động nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trong điểm tổ chức đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về môi trường.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường; tiến hành điều tra, xác minh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi của cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường.
Đồng thơi, phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ đúng với chuyên ngành đào tạo nhằm phát huy năng lực, sở trường, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; ưu tiên bố trí lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về môi trường ở các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm như an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý bảo vệ và phát triển rừng, khai thác khoáng sản,... Tăng cường công tác quản lý cán bộ, chiến sĩ theo chế độ “5 quản”, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên chấn chỉnh điều lệnh, lễ tiết, tác phong, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhất Nam