Vai trò của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia
17/05/2022TN&MTNgành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có định hướng về chiến lược phát triển Ngành và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm: “Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh’’ và mục tiêu đầu tiên là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Trong giai đoạn hiện nay, với tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nền tảng diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và vật lý với các yếu tố cốt lõi: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (BigData), đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với dữ liệu nền địa lý về độ chính xác, độ tin cậy, tính kịp thời cũng như sự đa dạng, linh hoạt trong cung cấp, chia sẻ các loại sản phẩm dữ liệu mới ngoài các sản phẩm ĐĐ&BĐ cơ bản. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và sự hội nhập của các công nghệ thông minh, cùng với các mô hình quản trị hiệu quả dẫn tới xu hướng xây dựng các thành phố thông minh với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu nền địa lý tích hợp với các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ kịp thời các dịch vụ của công dân, quản lý tốt việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững các nguồn lực chính là nền tảng của việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Để đảm bảo mục tiêu đặt ra với mục tiêu trước mắt là đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc “Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban, ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc” thì nhiệm vụ quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về ĐĐ&BĐ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) hiện đại, hội nhập với quốc tế, để thống nhất áp dụng giữa các các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương mới đảm bảo có khả năng chia sẻ, kết nối dữ liệu. Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG về dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ cần đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung, cụ thể gồm các nhóm nhiệm vụ sau: Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ĐĐ&BĐ tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG về dữ liệu không gian địa lý, siêu dữ liệu; các chuẩn phương pháp, chuẩn quy trình, chuẩn dịch vụ; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG về kiến trúc hệ thống của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý gồm các tiêu chuẩn về kiến trúc mạng, hạ tầng thông tin mạng; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG về dịch vụ hiển thị, chia sẻ, chuyển đổi, tích hợp, tra cứu và tải dữ liệu không gian địa lý.
Để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực ĐĐ&BĐ thì việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG thuộc lĩnh vực ĐĐ&BĐ thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) sẽ có các loại tiêu chuẩn quốc gia sau: Tiêu chuẩn cơ bản quy định những đặc tính, yêu cầu áp dụng chung cho một phạm vi rộng hoặc chứa đựng các quy định chung cho lĩnh vực ĐĐ&BĐ; tiêu chuẩn thuật ngữ quy định tên gọi, định nghĩa đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực ĐĐ&BĐ; tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực ĐĐ&BĐ; tiêu chuẩn phương pháp thử quy định phương pháp lấy mẫu, phương pháp đo, phương pháp xác định, phương pháp phân tích, phương pháp kiểm tra, phương pháp khảo nghiệm, phương pháp giám định các mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực ĐĐ&BĐ; tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói quy định các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, sản phẩm ĐĐ&BĐ.
Theo đó, cũng sẽ có các loại QCKTQG sau: Quy chuẩn kỹ thuật chung bao gồm các quy định về kỹ thuật và quản lý áp dụng cho lĩnh vực ĐĐ&BĐ hoặc một nhóm sản phẩm ĐĐ&BĐ, dịch vụ ĐĐ&BĐ, quá trình ĐĐ&BĐ; quy chuẩn kỹ thuật quá trình quy định yêu cầu kỹ thuật của các bước quy trình công nghệ trong quá trình sản xuất, vận hành, sử dụng, bảo trì sản phẩm ĐĐ&BĐ; quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ quy định yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong dịch vụ ĐĐ&BĐ.
Hiện nay, nhân lực có khả năng thực hiện việc nghiên cứu xây dựng và chuyển đổi hệ thống văn bản kỹ thuật đang áp dụng của lĩnh vực sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG rất hạn chế. Công việc này mang tính chuyên môn sâu, kỹ thuật cao về chuyên ngành ngoài ra cần nắm vững các quy định về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG nên rất ít người có thể đáp ứng công việc đòi hỏi. Các công chức, viên chức ngành ĐĐ&BĐ hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu chuyên gia trong việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG, do vậy, cần có quy định và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện trực tiếp việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định việc tổ chức quản lý xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG của lĩnh vực một cách rõ ràng. Cần có chế độ thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia xây dựng và chuyển đổi hệ thống văn bản cũ sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG thì việc chuyển đổi mới có thể đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.
Bộ TN&MT cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật TC&QCKT và các văn bản có liên quan cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc tuân thủ quy định của hệ thống TC&QCKT. Khuyến khích các Tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan đến các lĩnh vực của Bộ TN&MT xây dựnghệ thống tiêu chuẩn cơ sở và cùng tham gia với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG.
Trong những năm tới, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nên có định hướng tập trung xây dựng các QCKTQG cho hệ thống sản phẩm ĐĐ&BĐ cơ bản, bên cạnh đó xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia cho các quy trình thành lập sản phẩm tương ứng với các công nghệ lựa chọn, đáp ứng đúng yêu cầu của Luật TC&QCKT.
Xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật mới đòi hỏi các nghiên cứu cẩn trọng về cơ sở khoa học và thực tiễn đi cùng với yêu cầu kế thừa hệ thống văn bản cũ, không gây xáo trộn khi áp dụng. TC&QCKT là cơ sở để đánh giá, phân loại đồng thời là động lực thúc đẩy ứng dụng tự động hóa, phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, từ đó huy động sự tham gia rộng rãi từ các nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, QCKTQG về dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý làm nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
BÙI THỊ XUÂN HỒNG
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam