Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2024
11/12/2024TN&MTThực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam… về công tác BVMT, phát triển bền vững, Trung tâm Môi trường nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) đã chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tàì nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình phối hợp số 48/2017/CTPH-BTNMT-HND ngày 22/12/2017 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018 - 2023; Kết luận số 379-KL/HNDTW Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VII) ngày 24/01/2022 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI)…
Trung tâm cũng chỉ đạo, hướng dẫn 63/63 tỉnh, thành Hội ký kết chương trình phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, xây dựng nội dung phối hợp cụ thể, thiết thực và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội xây dựng các chương trình, dự án hoạt động về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu gắn với triển khai có hiệu quả Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Triển khai, thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025 trồng mới 01 tỷ cây xanh; tổ chức ra quân hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội phối hợp tổ chức, tham gia mít tinh về bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Bên cạnh đó, Trung tâm chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội thành lập, tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”.
Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường
Trung ương Hội phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành phố tổ chức 7 cuộc mít tinh cấp quốc gia: Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn; tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”…
Ảnh minh họa
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của Hội, đồng thời phối hợp với các cơ quan Báo, đài đăng tải 122 phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, 1.026 tin, bài tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu...; phản ánh các hoạt động của Hội trong bảo vệ môi trường; tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến… Phối hợp Tổ chức 02 Hội thi về “Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi trường”.
Các cấp Hội phối hợp tổ chức 1.922 hội nghị tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; năng lực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thu gom, phân loại, xử lý chất thải, rác thải... cho gần 200.000 cán bộ, hội viên nông dân. Tổ chức các cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi trường”; “Nông dân tìm hiểu kiến thức, pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi trường”. Hàng năm, tổ chức trên 300 cuộc mít tinh hưởng ứng các sự kiện môi trường; hơn 400.000 cuộc ra quân làm vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn, ra quân trồng cây xanh (đến nay nông dân cả nước đã trồng được 2.482.000 cây xanh).
Phối hợp biên soạn, in và phát hành trên 3 triệu tài liệu ấn phẩm, tờ rơi phổ biến kiến thức, pháp luật, cẩm nang, kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó hơn 1 triệu tờ gấp các loại hướng dẫn sử dụng nước sạch, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tra cứu thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Phản biện, giám sát xây dựng chính sách bảo vệ tài nguyên, môi trường
Trung ương Hội đã hướng dẫn các tỉnh, thành Hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; tham mưu tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với cán bộ, hội viên nông dân; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, chủ động nắm tình hình, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân về quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai, xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn,... Các cấp Hội tổ chức trên 300 hội nghị, hội thảo tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tích tụ và tập trung đất đai; Luật tài nguyên nước… Tổ chức gần 98 lớp tập huấn cho trên 3.000 cán bộ, hội viên, nông dân về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát và phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Hội Nông dân các cấp đã tập huấn cho trên 123.000 cán bộ, hội viên, nông dân về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát và phản biện xã hội trên nhiều lĩnh vực. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia có 1.847 ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia giám sát việc thực hiện một số chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; về quy hoạch và quản lý đất đai; vệ sinh an toàn thực phẩm; các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới...
Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường
Trung ương Hội phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị “Giải pháp nâng cao năng lực của nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn”; hội thảo “Tăng cường sự phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp với ngành TN&MT trong việc đưa Luật BVMT vào cuộc sống”; hội thảo “Giải pháp hạn chế thiệt hại bởi lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc định canh, định cư bền vững”. Tổ chức 111 lớp tập huấn cho hơn 13.000 cán bộ, hội viên nông dân về tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức thay đổi thái độ, hành vi của nông dân đối với bảo vệ môi trường nông thôn.
Các cấp Hội phối hợp tổ chức 1.237 lớp tập huấn về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho gần 1 triệu cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường cho 525 cán bộ Hội; tổ chức 230 lớp tập huấn cho 10.760 cán bộ, hội viên nông dân về sử dụng thuốc BVTV...
Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm
Các cấp Hội triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình điểm: Mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải nông thôn; Mô hình xử lý rác thải, chất thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn; Mô hình trồng cây chắn sóng bảo vệ môi trường biển; Mô hình tham bảo vệ môi trường làng nghề; mô hình điểm về thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Mô hình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Mô hình sử dụng nước sạch; Mô hình thu gom và tái chế chất thải nhựa…
Trong đó, Trung ương xây dựng 195 mô hình điểm, thu hút trên 10.000 hội viên nông dân tham gia. Hỗ trợ trên 30.000 thùng phân loại rác 2 ngăn, thùng ủ rác hữu cơ, trên 100.000 gói chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ, 600 xe gom rác các loại, gần 850 thùng đựng rác hộ gia đình, 100 bộ dụng cụ dọn vệ sinh; 3715 bể, thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được lắp đặt; trồng gần 200.000 cây sú vẹt, gần 10.000 cây phi lao chắn sóng, chắn gió...
Tặng thùng chứa rác cho người dân tại xã Gia Cát (Cao Lộc – Lạng Sơn)
Các cấp Hội phối hợp với ngành TN&MT xây dựn 29.120 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó 149 mô hình nông dân tham gia phân loại, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo về thực vật... thu hút hơn 01 triệu hội viên nông dân tham gia. Thành lập mới và duy trì hoạt động 12.011 tổ, nhóm, câu lạc bộ nông dân thu gom, phân loại rác, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có 282 mô hình Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”.
Tâm Đức