Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Bắc: 30 năm một chặng đường
08/12/2021TN&MTTrải qua 30 năm kể từ ngày thành lập và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, song dù ở giai đoạn nào, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc đều có những đóng góp lớn, đồng hành cùng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tìm kiếm nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo phương châm “tiến ra biển và làm chủ vùng biển” của đất nước.
Quá trình hình thành và dấu ấn phát triển
Tháng 3/2018, khi Bộ TN&MT hợp nhất hai đơn vị thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Trung tâm Điều tra TN&MT biển và Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng Duyên hải khu vực phía Bắc) và đổi thành Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Bắc (CPIM) hiện nay.
Được thành lập từ năm 1991 với tên là Trung tâm Địa chất - Khoáng sản biển thuộc Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Công nghiệp nặng. Nhìn lại lịch sử, CPIM đã trải qua 5 giai đoạn phát triển: Giai đoạn 1991 - 2003: Trung tâm Địa chất - Khoáng sản biển; Giai đoạn 2003 - 2008: Liên đoàn Địa chất biển; Giai đoạn 2008 - 2014: Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển/Trung tâm Quy hoạch, Điều tra, Đánh giá TN, MT biển và hải đảo (thành lập mới tháng 01/2009); Giai đoạn 2015 - 3/2018: Trung tâm Điều tra TN, MT biển/Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Bắc; Giai đoạn 03/2018 đến nay: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TN, MT biển khu vực phía Bắc. Đây là dấu mốc ghi nhận sự khởi đầu trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của CPIM hiện nay.
Bước chân đầu tiên khẳng định vị trí của CPIM là công tác điều tra địa chất, tìm kiếm nguyên khoáng sản biển, nhiệm vụ này được đánh dấu bằng việc thực hiện Đề án “Điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản rắn biển ven bờ (0 - 30 m nước) Việt Nam, tỷ lệ 1/500.000” do TSKH. Nguyễn Biểu làm chủ nhiệm. Đây là đề án điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản biển lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam với quy mô lớn bao gồm nhiều lĩnh vực có liên quan đến địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường, địa chất tai biến.
Sau thành công của Đề án đầu tiên, từ năm 2001 đến năm 2005, CPIM đã triển khai thực hiện Đề án: “Điều tra địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển Nam Trung bộ từ 0-30 m nước ở tỷ lệ 1/100.000 và một số vùng trọng điểm ở tỷ lệ 1/50.000” do TS. Đào Mạnh Tiến làm chủ nhiệm. Đây là đề án đầu tiên ở Việt Nam được điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất biển ở tỷ lệ trung bình (1/100.000 và 1/50.000). Nhiệm vụ được hoàn thành vào năm 2006, kết quả đã thành lập được 13 bộ bản đồ chuyên đề theo tỷ lệ điều tra. Các kết quả này được quản lý trong hệ cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất biển và xác định được một số vùng triển vọng về khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng.
Một dấu mốc đáng ghi nhớ đánh dấu sự lớn mạnh của Trung tâm là việc thực hiện Dự án: “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất các vùng biển Việt Nam” từ 2007 đến 2011. Dự án là dấu ấn khẳng định vị trí tiên phong của Trung tâm trong sự nghiệp điều tra TN, MT biển. Lần đầu tiên sau 20 năm, một dự án cấp Chính phủ (thuộc đề án 47) được Trung tâm thực hiện ở khu vực biển có độ sâu đến 100 m, khối lượng công việc khổng lồ, các sản phẩm có chất lượng cao; Đề án “Khảo sát, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản vùng biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1/100.000” do TS. Vũ Trường Sơn làm chủ nhiệm, thực hiện từ 2006 đến,… kết quả của các dự án, đề án là các dữ liệu vô cùng quan trọng cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, BVMT biển, phục vụ phát triển KT-XH của đất nước và định hướng khai thác khoáng sản biển của địa phương
Trong giai đoạn từ 2011-2018, CPIM thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ và dự án quan trọng của Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có thể kể đến như Dự án: “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất vùng biển Thừa Thiên Huế - Bình Định (0 - 60 m nước), tỉ lệ 1/100.000” do ThS. Lê Anh Thắng làm chủ nhiệm; Dự án “Điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/100.000 - 1/50.000 dải ven biển Nga Sơn đến Diễn Châu từ 0-30 m nước” do ThS. Lê Văn Học làm chủ nhiệm; Dự án thành phần 2 “Điều tra địa mạo, địa chất, khoáng sản một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng” do TS. Đỗ Tử Chung làm chủ nhiệm,... Trong giai đoạn này, CPIM cũng đã thực hiện các Dự án với các nội dung điều tra về môi trường: Dự án: “Điều tra, nghiên cứu, đánh giá và dự báo mức độ tổn thương môi trường nước và trầm tích đáy do ô nhiễm ở các vùng biển Việt Nam”, Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, ô nhiễm môi trường các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển Bắc Trung Bộ, đề xuất định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT phục vụ quy hoạch sử dụng biển và hải đảo”. Đặc biệt, trong sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016, Trung tâm đã khẩn trương triển khai và thực hiện nội dung quan trắc, lấy mẫu thuộc Dự án “Điều tra, đánh giá hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung, đề xuất giải pháp xử lý, kiểm soát và khắc phục”, góp phần không nhỏ vào việc xác định nguồn gây ô nhiễm và đấu tranh với cơ sở gây ô nhiễm.
Trong điều tra, nghiên cứu các vùng biển sâu, biển xa, CPIM đã được giao thực hiện các Dự án trọng điểm “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam” (Dự án GH) và Dự án: “Điều tra đặc điểm địa chất, cấu trúc - địa động lực, hiện trạng môi trường và dự báo tai biến vùng biển Bình Thuận - Cà Mau (đến độ sâu 300m nước), tỉ lệ 1:500.000” (Dự án BT-CM). Đây là 2 Dự án lớn, với đối tượng điều tra tổng hợp lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện tại vùng biển sâu, xa bờ. Trong đó, Dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam” là dự án đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của CPIM với dấu ấn điều tra và lấy mẫu thành công tại độ sâu gần 3.000 m nước ở khu vực Tây Nam trũng nước sâu Biển Đông; chứng minh năng lực vươn ra tầm khu vực về điều tra của CPIM, đáp ứng được các yêu cầu thực tế của Đảng và Nhà nước.
Việc triển khai các Dự án GH và Bình Thuận - Cà Mau, giúp CPIM kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và hoàn thiện hệ thống trang thiết bị khảo sát, quy trình khảo sát, đảm bảo có khả năng khảo sát tại các vùng biển sâu, xa, hướng đến mục tiêu hoàn thành điều tra cơ bản TN,MT biển trên 50% vùng biển Việt Nam như Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định.
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ nhà nước đặt hàng, CPIM còn tích cực thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, tổng hợp tài liệu và chế tạo thiết bị,... CPIM đã thực hiện nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ điều tra TN, MT biển phục vụ phát triển kinh tế biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và các mục đích QP-AN trên biển. Trong giai đoạn đầu tiên, TSKH. Nguyễn Biểu đã chỉ đạo và ký kết thực hiện hợp đồng dịch vụ, hợp tác với Công ty Timah - Indonesia thực hiện “Điều tra đánh giá tìm kiếm thiếc và kim loại nặng ở vùng biển ven bờ Trung Bộ”.
Bằng kinh nghiệm, kỹ thuật cao Trung tâm đã thành công trong cung cấp dịch vụ khảo sát và các dịch vụ tư vấn khác như: Khảo sát địa vật lý thuộc Dự án “Nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay cảng Hàng không Phú Quốc, thực hiện năm 2003; Khảo sát địa vật lý trong đề tài: Điều tra nguồn tài nguyên khoáng sản Ilmenit, Zircon, vật liệu xây dựng và hiện trạng môi trường đới duyên hải Hà Tĩnh, thực hiện 2002-2004; Khảo sát địa vật lý Dự án “Điều tra, đánh giá và dự báo biến động các điều kiện tự nhiên, KT-XH và môi trường biển đảo Phú Quốc phục vụ cho việc xây dựng các giải pháp BVMT Phú Quốc”, thực hiện 2006-2007; “Lập báo cáo nghiên cứu khái quát khả năng đầu tư và phát triển dự án khai thác sa khoáng quặng titan vùng biển ven vờ thuộc tỉnh Bình Thuận”.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của TS. Vũ Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển (giai đoạn 2008 – 2014), cùng sự quyết tâm của tất cả các cán bộ, viên chức, người lao động trong Trung tâm, năm 2013 đánh dấu sự chuyển mình của CPIM trong việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ bằng Hợp đồng cung cấp dịch vụ khảo sát địa chất công trình phục vụ thiết kế và thi công tuyến cáp điện ngầm xuyên biển 110 kV Phú Quốc - Hà Tiên cho Công ty Prysimian (Ý). Hợp đồng được thực hiện với yêu cầu cao của nhà tư châu Âu, đã khẳng định năng lực đáp ứng các yêu cầu khắt khe cũng như khẳng định vị thế của CPIM với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiếp nối sự thành công của hợp đồng dịch vụ với Công ty Prysimian (Ý), từ 2014 đến nay, CPIM đã ký kết và thực hiện một loạt các hợp đồng cung cấp dịch vụ khảo sát địa chất công trình phục vụ thiết kế, xây dựng các tuyến cáp điện ngầm dưới biển để cung cấp điện ra các đảo như: Cô Tô, Đảo Trần (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), xã đảo Thạnh An (TP. Hồ Chí Minh), xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), Hòn Tre (Khánh Hòa), Hòn Thơm (Kiên Giang).
Thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ khảo sát phục vụ QP-AN trên biển, như: Thực hiện Dự án nhánh 1 “Điều tra cơ bản về địa hình, địa chất công trình vùng biển đảo Trường Sa và vùng biển DKI” thuộc Dự án “Điều tra cơ bản, nghiên cứu xây dựng cơ sở quan trắc và công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên công trình ở các vùng biển phục vụ các nhiệm vụ kinh tế kỹ thuật và tăng cường quốc phòng an ninh trên biển và thềm lục địa Việt Nam” do Bộ Tư lệnh Công binh chủ trì; Dự án “Khảo sát chung khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam phục vụ cho phân định ranh giới thềm lục địa và hợp tác cùng phát triển”; Dự án nhánh 1 “Điều tra đặc điểm địa hình, địa chất đáy biển các bãi ngầm vùng DKI phục vụ thiết kế xây dựng công trình” thuộc Dự án “Điều tra cơ bản, nghiên cứu xây dựng cơ sở quan trắc và công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên công trình ở các vùng biển phục vụ nhiệm vụ kinh tế kỹ thuật và tăng cường QP-AN trên biển và thềm lục địa Việt Nam” Giai đoạn 2 Đề án 47.
Các hợp đồng, Dự án được thực hiện với chất lượng cao, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung trong việc đấu tranh bảo vệ QP-AN, bảo vệ quyền và chủ quyền Việt Nam trên biển.
Năm 2020, Trung tâm đã trúng thầu dự án cung cấp dịch vụ khảo sát sơ bộ địa vật lý - địa chất công trình phục vụ phát triển Dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển La Gàn (Tuy Phong, Bình Thuận). Đây là hợp đồng lớn của quỹ Copenhaghen Infrastructure Partners (Đan Mạch). Hợp đồng này đánh dấu việc Trung tâm đã đặt chân vào chuỗi cung ứng các dịch vụ phát triển năng lượng tái tạo có giá trị cao, có ý nghĩa quan trọng đến an ninh năng lượng và phát triển kinh tế biển trong tương lai gần của Việt Nam.
Trong hợp tác và mở rộng quan hệ quốc tế cũng là nhiệm vụ được lãnh đạo các thời kỳ của CPIM quan tâm. Theo đó, CPIM đã chủ động hợp tác với các đối tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học biển, đảo. Với chiến lược này, CPIM đã dần từng bước tiếp cận với KHCN hiện đại; nâng cao nhận thức và kiến thức về nghiên cứu biển để xây dựng đội ngũ điều tra viên TN&MT biển chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tại tất cả các vùng biển Việt Nam và hướng tới các vùng biển quốc tế.
CPIM đã và đang tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, văn bản ghi nhớ, hợp đồng về điều tra, nghiên cứu TN&MT biển với các đối tác quốc tế. Tham gia các hội thảo, diễn đàn đa phương quốc tế, khẳng định vị thế của Trung tâm trong lĩnh vực nghiên cứu TN&MT biển tại Việt Nam. Tổ chức các khóa đào tạo, các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài,...
Những thành tích được ghi nhận
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, CPIM đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý từ Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002, hạng Nhì năm 2008; hạng Nhất năm 2016; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2011, 2014; nhiều năm được Bộ TN&MT tặng Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều hình thức khen thưởng khác; 2 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Chiến sĩ thi đua Ngành và nhiều hình thức khen thưởng khác. Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm có 1 cá nhân được công nhận điển hình tiên tiến cấp Tổng cục; giai đoạn 2015-2020 Trung tâm có 1 cá nhân được công nhận điển hình tiên tiến cấp Tổng cục và cá nhân ngành TN&MT.
Đặc biệt, năm 2020, tập thể 8 cán bộ khoa học của CPIM đã được khen thưởng vì có công trình KHCN đạt giải A KHCN của Bộ TN&MT lần thứ Nhất.
Với triết lý hoạt động 6C: Điều tra chuyên nghiệp; kết nối chặt chẽ; tư vấn chính xác; xử lý chuyên sâu; thiết bị chuyên dụng; dịch vụ chu đáo, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TN&MT biển cam kết thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, điều tra, nghiên cứu TN&MT trên vùng biển Việt Nam. Đồng thời, tạo mối quan hệ tốt, uy tín, có trách nhiệm với các đối tác trong nước, nước ngoài hướng tới phát triển KT-XH và vị thế của đất nước.
Trải qua 30 năm qua xây dựng và phát triển, đến nay, CPIM đã lớn mạnh cả về nhân lực và kinh nghiệm, từ đó ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ điều tra, khảo sát ven bờ và ở vùng biển sâu, biển xa của Tổ quốc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp quản lý TN, MT biển, hải đảo và hơn hết là đơn vị đã góp sức mình cho sự phát triển kinh tế, QP-AN vùng biển Việt Nam.
LÊ ANH THẮNG
Phó Giám đốc phụ trách điều hành
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TN-MT biển khu vực phía Bắc