Tiếp tục xây dựng văn bản pháp luật, phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu
15/10/2024TN&MTNhững tháng đầu năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách lớn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu; tích cực hướng thực hiện các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Các bộ, ngành, địa phương đã, đang hoàn thiện cơ chế, chính sách nhiều chương trình, dự án theo hướng chuyển đổi xanh.
Hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ TN&MT, TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục BĐKH cho biết, trong năm 2024, Bộ TN&MT đã hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW. Kết luận số 81-KL/TW đề ra nhiệm vụ phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải KNK của từng ngành, lĩnh vực; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường các-bon; giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị quyết về BVMT và ứng phó với BĐKH để trình BCH Trung ương Đảng khóa XIV. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận.Triển khai quy định ứng phó với BĐKH trong Luật BVMT, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình ban hành 3 Nghị định; 5 Thông tư; 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 1 tiêu chuẩn quốc gia. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 về Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; trong đó đã tích hợp nội dung làm mát bền vững. Với Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước bối cảnh diễn biến đàm phán quốc tế về BĐKH và tình hình thực tiễn trong nước đã đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT. Dự thảo Nghị định sửa đổi tập trung vào một số nội dung: Tăng cường công tác kiểm kê KNK; phát triển thị trường các-bon, sàn giao dịch các-bon; phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon; quản lý tín chỉ các-bon; trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế; quy định về bảo vệ tầng ô-dôn. Cục trưởng Cục BĐKH nhận định, đây là những vấn đề mới và Bộ TN&MT đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, tổ chức, các địa phương. Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 7/2024.
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK quốc gia, thực hiện Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật năm 2024. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị COP26, COP27, COP28. Theo TS. Tăng Thế Cường, kể từ sau Hội nghị COP26 đến nay, đã có nhiều chương trình, dự án theo hướng chuyển đổi xanh, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của các bộ, ngành đã và đang được hoàn thiện theo hướng này. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch Điện VIII và Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện NLTT với khách hàng sử dụng điện lớn. Việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được các Bộ và doanh nghiệp làm việc với các đối tác quốc tế và đề ra các dự án cần triển khai ngay.
Cục phối hợp với các địa phương liên quan trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH; tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; hướng dẫn xây dựng Báo cáo về ứng phó với BĐKH; theo dõi, đôn đốc việc ban hành Kế hoạch hành động về BĐKH, báo cáo đánh giá khí hậu của địa phương; hợp tác triển khai một số nhiệm vụ chuyên môn có liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các bên tham gia trong quá trình xây dựng, thực hiện các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã tổ chức các hội thảo, cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức doanh nghiệp liên quan theo đúng quy định về xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện chính sách. Cục tiếp tục chú trọng thực hiện phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về BĐKH cho các doanh nghiệp, các bên liên quan về bảo vệ tầng ô-dôn và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, về ứng phó với BĐKH nhằm tăng cường hợp tác khối công tư trong ứng phó với BĐKH và chuyển dịch năng lượng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về BĐKH. Cục luôn chú trọng việc cập nhật thường xuyên, cụ thể các thông tin mới liên quan về BĐKH trong và ngoài nước, công tác QLNN về BĐKH trên trang thông tin điện tử của Cục, Báo, Tạp chí TN&MT, các Bản tin phát hành thường kỳ của Cục cũng như tuyên truyền, cung cấp thông tin về BĐKH qua các kênh truyền hình, phát thanh nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp có liên quan.
Khó khăn và một số giải pháp khắc phục
Lãnh đạo Cục BĐKH đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thường xuyên giám sát về tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao, trong 6 tháng đầu năm cơ bản đã hoàn thành và đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong triển khai nhiệm vụ còn một số hạn chế, khó khăn, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách, văn bản quản lý điều hành về BĐKH tuy đã cơ bản bao quát, đầy đủ song vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện, nhiều văn bản hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật liên quan còn đang được các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện; việc thực hiện quy định về kiểm kê KNK và báo cáo kết quả giảm nhẹ KNK cấp lĩnh vực chưa đáp ứng được so với yêu cầu của Luật, Nghị định và yêu cầu về theo dõi tiến độ thực hiện NDC; vẫn còn thiếu định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá đặc thù của lĩnh vực cần tiếp tục phải xây dựng và ban hành. Quy định quốc tế về trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon song phương, đặc biệt gắn với việc thực hiện mục tiêu NDC còn chưa đầy đủ nên việc xây dựng các quy định đối với cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon song phương và tổ chức triển khai để ký kết hợp tác với các quốc gia, đối tác cần đàm phán mất nhiều thời gian. Để khắc phục khó khăn, Cục tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy định chi tiết, quy định kỹ thuật hướng dẫn thi hành các quy định của Luật BVMT về BĐKH, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện các quy định kiểm kê KNK, thẩm định kết quả kiểm kê KNK, kết quả giảm nhẹ phát thải KNK; phân bổ hạn ngạch phát thải KNK; quản lý hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon; quản lý tín chỉ các-bon trong nước và trao đổi quốc tế; vận hành thị trường các-bon…; tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành. Tích cực phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thi hành pháp luật về ứng phó với BĐKH đã được ban hành và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH ở các địa phương, tình hình thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc tế về BĐKH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN về giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với BĐKH, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH.
NGUYỄN HOÀNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 14 (Kỳ 2 tháng 7) năm 2024