Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và dấu ấn trong quản lý, sử dụng bền vững không gian biển
09/06/2024TN&MTNhư thông lệ, hằng năm cứ vào dịp tháng 6 (từ 1-8/6) nước ta đồng loạt ra quân Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay có chủ đề: “quản lý, sử dụng bền vững không gian biển” - Đây là dịp để Việt Nam nhìn nhận, đánh giá, khẳng định tiềm lực và quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đồng thời với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trong quản lý, sử dụng bền vững không gian biển.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Bộ, Ban ngành rất quan tâm và chỉ đạo sát sao các địa phương ven biển trong việc thực hiện Chiến lược biển
Tư duy và tầm nhìn chiến lược
Từ những năm 1990, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy tầm quan trọng của biển đối với kinh tế, quốc phòng - an ninh và phát triển xã hội, thông qua các công cụ chính sách cụ thể. Tầm nhìn đó được thể hiện cụ thể trong rất nhiều chính sách, chiến lược, đặc biệt là trong Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 6/5/1993; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018,…
Với Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 6/5/1993 đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển. Tiếp đó Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/1/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua với trọng tâm là trở thành “quốc gia mạnh về biển” thông qua “phát huy mọi tiềm năng từ biển”. Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2020, Việt Nam đạt được mức đóng góp GDP từ kinh tế biển và ven biển đạt 53-55% và tăng GDP theo đầu người tại các cộng đồng biển và ven biển gấp hai lần so với mức tăng trung bình quốc gia.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tới năm 2030, tầm nhìn 2045 tiếp tục mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh và giàu từ biển, phát triển bền vững, phồn vinh, an toàn và an ninh, nhấn mạnh “việc phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên tăng trưởng xanh”. Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ được yêu cầu theo chuẩn mực quốc tế, đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt khoảng 65-70% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân cả nước…
Chiến lược biển 2007-2020 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hoá các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong khi ưu tiên phát triển dầu khí và giao thông vận tải biển. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tới năm 2030, tầm nhìn 2045 chuyển trọng tâm ưu tiên sang du lịch biển, chú trọng hơn giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển.
Việt Nam đã tham gia đầy đủ các điều ước quốc tế về môi trường và về biển và chủ động xây dựng hệ thống luật pháp quản lý biển; tích cực thúc đẩy đàm phán giải quyết các tranh chấp biển và đã ký ba hiệp định phân định, hai thoả thuận khai thác chung, tạo điều kiện xác lập rõ các vùng biển theo UNCLOS để thực thi chiến lược biển. Bộ máy nhà nước quản lý kinh tế biển cũng được tổ chức lại, ưu tiên các Bộ có hoạt động liên quan đến biển theo hướng tiếp cận tổng hợp.
Một số chính sách đã được đề xuất và triển khai để thực thi như Chính sách trợ cấp và phát triển đánh bắt xa bờ, Chiến lược phát triển thủy sản năm 2010, Chiến lược phát triển du lịch năm 2010, Chiến lược phát triển giao thông vận tải năm 2010… Nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ và nhân lực đã được tập trung nhiều cho các ngành công nghiệp biển; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cũng đã được chú trọng…
Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Ghi nhận một số kết quả, chỉ ra khó khăn thách thức trong triển khai Nghị quyết
Ngay sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW được ban hành, Trung ương thực hiện triển khai Hội nghị toàn quốc quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết đến các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc theo hình thức trực tuyến; Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của nguồn lực biển trong phát triển kinh tế cũng như nội dung, mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, những chuyên đề tuyên truyền, chuỗi sự kiện, chiến dịch ra quân, ấn phẩm, chương trình truyền thông về kinh tế biển, chiến lược bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương,... diễn ra ngày càng sôi nổi, đa dạng, tác động mạnh mẽ và tích cực đến nhận thức của người dân về hoạt động phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng để tổ chức và triển khai thực hiện Nghị quyết; nhiều tỉnh, thành phố có biển đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đến nay, kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; trong đó, hệ thống nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo, các ngành kinh tế biển mới có bước phát triển; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển dần được hình thành; các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên được đầu tư, khai thác; hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển được chú trọng; các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển và đại dương,... được bảo đảm.
Thứ hai, phát triển kinh tế biển dựa trên những chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo tiêu chuẩn quốc tế được coi trọng. Năm 2021, tại Diễn đàn Bộ trưởng trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á (East Asian Seas Congress - EASC) lần thứ 7 với chủ đề “Hướng tới Chương trình phát triển xanh: Các hệ sinh thái đại dương khỏe mạnh và thịnh vượng chung”, Việt Nam cam kết xây dựng một nền quản trị đại dương có trách nhiệm dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững và chiến lược xây dựng nền kinh tế xanh. Đồng thời, thực hiện nhân rộng mô hình quản trị tổng hợp vùng bờ tại các địa phương có biển; công bố báo cáo quốc gia về hiện trạng môi trường biển và vùng bờ, hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; thành lập cơ chế điều phối đa quốc gia gắn với chính quyền địa phương có biển. Mặt khác, tổ chức xây dựng hệ thống chỉ tiêu về kinh tế biển để giải quyết những bất cập hiện tại trong công tác xây dựng mục tiêu, thống kê, đánh giá chỉ tiêu đạt được; phần lớn các ngành kinh tế biển được thống kê chung, bao gồm cả phần biển và đất liền; phương pháp xác định, phân biệt ngành kinh tế thuần biển và các ngành kinh tế liên quan đến biển dần được hoàn thiện.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế trong phát triển. Cụ thể, Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày 26/6/2020, “Về phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030” nhằm tổ chức, nghiên cứu, tiếp cận, tận dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong xây dựng nền kinh tế biển. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ về biển, đảo được đẩy mạnh với nhiều nước, như Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển, Canađa,... và nhiều tổ chức quốc tế, như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Yeosu Foundation (Hàn Quốc),... Việt Nam cũng ký kết những biên bản ghi nhớ với các tổ chức quốc tế có uy tín ở khu vực Đông Bắc Á về việc thực hiện các dự án tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á (giai đoạn 2); phối hợp xây dựng và triển khai dự án “Thực hiện Kế hoạch hành động đảo ngược xu thế suy thoái môi trường Biển Đông và vịnh Thái Lan” cùng những dự án hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Trong lĩnh vực hàng hải, tập trung xây dựng và nhập khẩu các phần mềm mới phục vụ công tác thiết kế đóng mới, hoán cải tàu biển và công trình dầu khí biển, thực hiện đo dung tích, đánh giá trạng thái phương tiện đang khai thác, ứng phó với sự cố hàng hải trên biển.
Thứ tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các địa phương tích cực triển khai công tác đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên quan trọng, đồng thời ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển. Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập; các công tác, như dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng được tiến hành thường xuyên, kịp thời; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dạng số về tài nguyên, môi trường biển và lưu trữ tại trung tâm thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia,... Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; đồng thời, triển khai rà soát các đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực biển thông qua đào tạo (đại học và trên đại học), dạy nghề, xây dựng cơ sở đào tạo và các chương trình đào tạo nhân lực cho hoạt động quản lý, khai thác biển.
Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Cụ thể, Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 24-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030” yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biển cần nỗ lực cao, đổi mới sáng tạo, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; xử lý dứt điểm, không để kéo dài các nhiệm vụ được giao nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững kinh tế biển; triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển; phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại 10 tỉnh, thành phố; các bộ, ngành và địa phương chủ động tổ chức tuần lễ biển và hải đảo, ngày đại dương thế giới,..
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về vùng biển theo hướng phát triển bền vững. Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch nhằm thực hiện sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết rác thải nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa, thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Ngoài ra, nhiều quyết định, hướng dẫn, kế hoạch của Nhà nước được ban hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý trong thiết lập, xây dựng công tác lập quy hoạch không gian biển quốc gia. Với phương châm chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã kế thừa, phát triển những nội dung liên quan từ thực tiễn đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển thời gian qua và đề ra chủ trương, giải pháp triển khai phù hợp với hoàn cảnh đất nước cũng như xu thế thời đại.
Phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, năm 2022, GRDP của 28 tỉnh/thành hố ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2022 đạt 97,2 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước (96,6 triệu đồng).
Du lịch và dịch vụ biển có sự phát triển nhanh chóng, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển, từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cao cấp. Kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá với đội tàu biển có 1.477 tàu có tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, vận chuyển hàng năm trên 128 triệu tấn. Hệ thống cảng biển có 110 cảng với tổng năng lực thông qua trên 328,6 triệu tấn. Lĩnh vực dầu khí đóng góp năm khoảng 10% tổng thu ngân sách.
Ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất lớn. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 đạt 5,14 triệu tấn, khai thác 3,85 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8,8 tỷ USD lên gần 11 tỷ USD vào năm 2022.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch được phê duyệt (18 khu đã được thành lập), thu hút 553 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 54,36 tỷ USD; 1.604 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1,37 triệu tỷ đồng. Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển đã bước đầu đánh giá được nguồn lợi hải sản tại vùng biển ven bờ; hiện trạng đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện thuỷ triều, điện sóng, điện mặt trời…
Hoạt động ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được các địa phương có biển tích cực triển khai. Chất lượng nước biển ven bờ, xa bờ được đánh giá tốt, các chỉ số cơ bản đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Các địa phương ven biển đã tăng cường hoạt động đào tạo nhân lực kinh tế biển, với 90 trường cao đẳng nghề, 133 trường trung cấp nghề và 454 trung tâm dạy nghề có đào tạo ngành nghề về kinh tế biển. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược về biển được rà soát, hoàn thiện, mang tư duy, quan điểm đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2022, tăng trưởng bình quân các tỉnh ven biển (6,95%/năm) thấp hơn so với cả nước (7,15%/năm); tỉ trọng GRDP của 28 tỉnh đóng góp vào GDP cả nước chưa được cải thiện; chỉ số phát triển con người (HDI) chưa đạt mục tiêu;… Đến nay, một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế biển vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí đánh giá như: Phương pháp xác định các ngành kinh tế thuần biển và các ngành kinh tế liên quan đến biển; số lượng và tỉ lệ các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội; số lượng cán bộ được đào tạo để phát triển nguồn nhân lực biển...
Các hệ sinh thái biển quan trọng ở các khu bảo tồn đang bị suy thoái, thu hẹp; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản giảm sút, thiếu bền vững.
Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế. Cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý; mới tận dụng, khai thác hiệu quả được một phần vùng biển quốc gia, chưa có đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Phương thức khai thác chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ.
Khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực biển chưa thực sự là những nhân tố then chốt để phát triển bền vững kinh tế biển, chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư chưa thích đáng.
Các công trình nghiên cứu có chất lượng cao còn ít. Hệ thống, năng lực của các cơ sở nghiên cứu, đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ biển, phương tiện và trang thiết bị khảo sát còn khiêm tốn, trình độ hạn chế so với các nước phát triển trên thế giới. Chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao.
Hệ thống giao thông đường bộ ven biển chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng kỹ thuật biển còn yếu, chưa đồng bộ; chưa có nhiều cảng biển lớn tầm cỡ khu vực, năng lực vận tải biển còn thấp, số lượng cảng tàu khách còn ít.
Sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo có lúc có nơi còn mang tính hình thức, chưa hình thành được thói quen của người dân trong bảo vệ môi trường, các mô hình cộng đồng quản lý môi trường biển và hải đảo còn ít, hiệu quả thấp. Công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch chưa đồng bộ, thiếu bền vững.
Để tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Việt Nam tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong toàn xã hội về phát triển kinh tế biển bền vững. Đồng thời, nhanh chóng triển khai Quyết định số 729/QĐ-TTg, ngày 16/6/2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030” nhằm đổi mới tư duy về tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đối với phát triển kinh tế biển xanh.
Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin ở cấp quốc gia, tỉnh và khu vực về cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững; xác định rõ vai trò chiến lược quy hoạch không gian biển trong thu hút các dự án đầu tư. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các bộ, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá tổng thể và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về xây dựng kinh tế biển, đảo, góp phần thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Việt Nam cũng đặt mục tiêu bảo đảm nguồn lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, xác định lại các chiến lược sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các nguồn vốn khác trong nước và quốc tế và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển
Dấu ấn địa phương: Quảng Ngãi và Phú Yên
Tại Quảng Ngãi, địa phương này đã tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ khu kinh tế (KKT) Dung Quất, các KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị ven biển và từng bước hình thành các khu đô thị sinh thái ven biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Quảng Ngãi trên đà phát triển và vươn ra biển lớn
Tại huyện đảo Lý Sơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng hoàn thiện như: Hệ thống kè chắn sóng phía đông nam đảo, với quy mô trên 10,5km. Kè chống sạt lở khu vực mom tàu An Bình (gần 260m). Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm phục vụ sản xuất cho 80ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho 1.000 hộ dân... Qua đó tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống, vật chất tinh thần người dân.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, từ sự hỗ trợ của trung ương và tỉnh, cùng sự nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân, huyện tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng đô thị, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để sớm đạt chuẩn đô thị loại IV. Phát triển trồng rừng phòng hộ ven biển, nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường gắn với phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái biển. Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế và dư địa đặc biệt về di sản văn hóa, huyện đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch có đặc thù, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch biển - đảo của địa phương.
Phát huy lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, cũng như hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2018 - 2022, Quảng Ngãi đã thu hút 2 dự án đầu tư kinh doanh cảng, nâng tổng các dự án đầu tư cảng biển ở KKT Dung Quất lên 9 hệ thống bến cảng. Tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hiện có 26 dự án logistics, đóng góp quan trọng cho phát triển công nghiệp, cũng như xuất nhập khẩu của tỉnh.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của biển đảo trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo được nâng lên rõ rệt.
Kinh tế biển của Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ trọng GRDP của các ngành kinh tế biển chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất đạt kết quả khá, với một số ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, gắn với cảng nước sâu Dung Quất. Các cơ chế, chính sách thông thoáng của trung ương và tỉnh ban hành đã thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đến đầu tư. Các ngành kinh tế biển có bước tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển được quan tâm đầu tư. Đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới biển được tăng cường, giữ vững.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, qua thực tế phát triển kinh tế biển của Quảng Ngãi thời gian qua cho thấy, kinh tế biển chính là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt trên 57,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,83% so với năm 2018. Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh năm 2018 là 0,693 (nhóm trung bình) thì đến năm 2022 là 0,724 (nhóm cao) của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.520 USD/người, đến năm 2022 đạt 3.836 USD/người (tăng 1.316 USD/người so với năm 2018. Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn từ kinh tế biển.
Trong những năm qua, từ nhiều nguồn lực, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông nhằm kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển. Những công trình động lực có thể kể đến như: Cầu Cổ Lũy, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 1, IIa), đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, đường Trì Bình - cảng Dung Quất; Công viên Quảng trường biển, kết hợp khu đô thị - dịch vụ sinh thái TP. Quảng Ngãi; cảng Bến Đình (Lý Sơn) và nhiều kè chống sạt lở ven biển...
Tại Phú Yên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay tình hình KT-XH của Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực. Phú Yên đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển.
Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên: “Phú Yên đã đưa ra các chỉ tiêu rất cụ thể như trong ngành nông nghiệp chỉ tiêu đến năm 2025 giảm 50% sản phẩm ngư lưới cụ phát sinh ra môi trường. Hoặc là hạn chế sử dụng chất thải nhựa một lần, đặc biệt vật liệu nhựa không cần thiết tại các khu dân cư, điểm du lịch. Xây dựng các chương trình quan trắc môi trường định kỳ để đánh giá, xác minh nguồn rác thải nhựa, từ đó đưa ra các biện pháp, giải pháp xử lý dứt điểm tại nguồn”.
Quy hoạch tỉnh Phú Yên mới được Chính phủ phê duyệt đã mở ra cánh cửa phát triển cho tỉnh, hướng trở thành địa phương phát triển hiện đại, bền vững
Thực tế đã cho thấy, ở khu vực ven biển Phú Yên, hệ thống giao thông đã thông suốt, kết nối đầy đủ cả đường bộ, đường không, đường sắt và đường thủy. Trong đó, mạng lưới giao thông đường bộ được trải đều khắp các địa bàn với 2 trục chính là quốc lộ 1 chạy theo trục bắc nam, gắn kết Phú Yên với trục phát triển kinh tế Nam Trung Bộ qua Bình Định, Khánh Hòa. Việc thông hầm đường bộ Đèo Cả và hầm Cù Mông đã khắc phục hạn chế về sự giao thương của tỉnh đối với trục kinh tế này trong thời gian qua. Ngoài ra, các tuyến quốc lộ 25, 29 và 19C đã mở ra hành lang kinh tế đông tây, gắn kết Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, kết hợp với sự phát triển của các cảng biển, như cảng Vũng Rô và cảng nước sâu Bãi Gốc đang kêu gọi đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Phú Yên trở thành cửa ngõ phía Đông ra thế giới.
Đến nay tình hình KT-XH của Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển. Kinh tế biển luôn được tỉnh quan tâm, chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở bảo tồn, phát huy tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên gắn với đảm bảo QP-AN.
Phú Yên đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 thực hiện 41 đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc 6 lĩnh vực trọng tâm, cấp bách về phát triển kinh tế biển. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng ven biển, góp phần phát triển KT-XH chung của toàn tỉnh.
Đặc biệt, ngày 18/8/2021, Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 10 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là KKT Nam Phú Yên. Với mục tiêu phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, tỉnh tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Nghị quyết số 36-NQ/TW với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay, tại Trung ương, đã có 11 cơ quan ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP. Có 27/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó đều xác định kinh tế biển là lợi thế và trọng tâm để tạo động lực tăng trưởng tại địa phương.
Minh Diệp