Thay đổi mô hình sử dụng nước - Kinh nghiệm quốc tế
02/08/2024TN&MTNhu cầu về nước ngày càng tăng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, tài nguyên nước bị khai thác quá mức, vượt quá khả năng của nguồn nước. Hơn nữa, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước càng thêm trầm trọng. Nhằm hạn chế cũng như chống thất thoát nước, đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên nước, nhiều quốc gia đã áp dụng những chính sách cải cách, đổi mới trong công tác quản lý và quản trị về nước.
Ấn Độ: Phát triển bền vững nguồn nước ngầm
Báo cáo do Bộ Quản lý TNN Ấn Độ công bố, tổng hợp dữ liệu từ 24 bang trên toàn quốc cho thấy, 21 thành phố của Ấn Độ, bao gồm thủ đô New Delhi, TP. Bengaluru và Hyderabad sẽ không còn nước ngầm và khoảng 40% dân số Ấn Độ thậm chí không có nước uống vào năm 2030. Nguồn nước ngầm, cung cấp gần một nửa nguồn nước cho Ấn Độ hiện nay, đang cạn kiệt với tốc độ đáng báo động. Ngoài ra, gần 70% nguồn nước hiện tại của Ấn Độ bị nhiễm bẩn. Việc không thể tiếp cận nguồn nước sạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người mỗi năm tại nước này. Do thiếu cơ sở xử lý nước, nguồn nước bẩn từ các thành phố thường bị đổ thẳng ra các dòng nước vốn là nguồn nước uống của khu vực nông thôn.
Tình hình nghiêm trọng hơn đối với những người ở các vùng sâu và nông nghiệp, bởi tình trạng khô hạn và nạn vắt kiệt nguồn nước ngầm cho việc tưới tiêu. Chính sách ở một số bang như miễn phí điện hoặc hỗ trợ tài chính cho nông dân khai thác nước ngầm dẫn đến việc lãng phí và khai thác quá mức nguồn nước. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý kém hiệu quả góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng hiện nay của Ấn Độ. Theo các chuyên gia, Ấn Độ cần giải pháp bền vững để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và đòi hỏi một chiến lược sáng tạo dựa trên những giả định về các vấn đề liên quan đến nước. Không nên xem quản lý nước là mục đích cuối cùng cần đạt được mà nên xem nó là một phương tiện để đạt được mục đích, đó là BVMT và phát triển KT-XH. Từ đó, các mô hình sử dụng nước sẽ thay đổi đáng kể, gián tiếp có thể thấy thông qua sự thay đổi trong nông nghiệp, năng lượng và sử dụng đất.
Đối với Ấn Độ, vấn đề bắt đầu từ những năm 1970, khi các nhà tài trợ chính đã khuyến khích Chính phủ cấp điện miễn phí cho nông dân để tưới tiêu. Các khoản trợ cấp được quản lý vào thời điểm đầu đó đã giúp đạt được các mục tiêu của họ trong việc thúc đẩy sản xuất lương thực ở các tiểu bang như: Punjab, Haryana, Rajasthan, Gujarat, và Maharashtra. Nhưng chính sách sau đó là bỏ ưu đãi này cho nông dân để hạn chế lượng nước họ bơm. Vì vậy, người nông dân phải đầu tư lắp đặt các máy bơm, họ đã làm theo cách này và kết quả là hiện nay có tổng 23 triệu máy bơm nước.
Sự đầu tư lãng phí này đã gây hậu quả nghiêm trọng đến mực nước ngầm, khiến mực nước ngày suy giảm sâu hơn nữa. Theo Trung tâm quản lý nước, lượng điện cần để bơm nước ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi, thậm chí đã tăng gấp ba lần - chỉ trong một thập kỷ qua, độ sâu để bơm nước từ các giếng từ 10 - 15 m (32 - 50 feet) đã tăng lên 200 - 400 m (650 - 1300 feet). Độ sâu càng tăng đòi hỏi công suất tăng 3 - 4 lần cho mỗi lần bơm.
Trước tình hình này, Bộ Quản lý TNN Ấn Độ đã có quan điểm để phát triển bền vững nước ngầm cho hoạt động tưới tiêu, tuy nhiên, chính sự hỗ trợ giá điện của nhà nước đang là áp lực lớn để ngành điện ngăn chặn tình trạng bơm nước tràn lan, tự phát như hiện nay. Ngành nước có mối quan hệ tương tác trong sự phát triển của ngành năng lượng và các ngành khác, do vậy, cần có sự phối hợp liên ngành của các tổ chức, các vấn đề quản lý nước trên thế giới mới có thể được giải quyết hiệu quả.
Liên minh châu Âu
Tình hình khan hiếm nước, hạn hán diễn ra phổ biến trong những thập kỷ gần đây đã làm ảnh hưởng đến ít nhất 11% người dân châu Âu tại 17% diện tích toàn khu vực. Đặc biệt, tại khu vực Địa Trung Hải (bao gồm các quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, miền Nam nước Pháp, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Malta), khoảng 20% dân số thường xuyên sống trong tình trạng căng thẳng về nước và trong mùa hè, đến hơn 50% dân số bị ảnh hưởng do khan hiếm nước. Theo ước tính, trung bình mỗi năm khoảng hơn 40.000 triệu m3 nước thải được xử lý trên toàn châu Âu, nhưng trong số đó, chỉ khoảng 964 triệu m3 (tương đương với 2,4%) được tái sử dụng.
Do đó, vai trò tiềm năng của việc tái sử dụng nước thải (TSDNT) đã qua xử lý như một nguồn cung cấp nước thay thế hiện đã được thừa nhận và đưa vào các chiến lược có liên quan của Liên minh châu Âu. TSDNT là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch thực hiện chiến lược của Đối tác Sáng kiến châu Âu về nước và tối đa hóa việc tái sử dụng nước là một mục tiêu cụ thể trong Chiến dịch truyền thông “Kế hoạch chi tiết để bảo vệ TNN của châu Âu”.
Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng, Quy định về các yêu cầu tối thiểu cho việc TSDNT đã được ban hành tháng 5/2020 và có hiệu lực trên toàn Liên minh châu Âu từ tháng 6/2023. Quy định này khởi đầu cho việc thống nhất và đồng bộ các yêu cầu tối thiểu đối với việc tái sử dụng an toàn nước thải đô thị cho sản xuất nông nghiệp trên toàn khu vực châu Âu, bao gồm cả các yêu cầu về quan trắc. Đồng thời, là hành động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn vừa được Liên minh châu Âu thông qua trong năm 2020. Uỷ ban châu Âu ước tính và kỳ vọng rằng chính sách này có thể làm tăng lượng nước tái sử dụng trong nông nghiệp tăng từ 1,7 tỷ m3 lên 6,6 tỷ m3/năm, giảm áp lực nguồn nước xuống 5%.
Quy định về các yêu cầu tối thiểu cho việc TSDNT bao gồm các điều khoản về quản lý rủi ro để đánh giá và xử lý các rủi ro về môi trường và sức khoẻ cộng đồng liên quan đến việc TSDNT; các điều khoản liên quan đến cấp phép và công khai, minh bạch thông tin đến cộng đồng đối với các dự án có sử dụng nước thải sau xử lý,… Yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nước thải tái sử dụng được đề xuất theo 4 mức, trên cơ sở xem xét các yếu tố như loại cây trồng (rau trồng, cây lương thực, cây công nghiệp,...), phương thức tưới. Tương ứng với đó, công nghệ xử lý nước thải để tái sử dụng, tần suất quan trắc, giám sát chất lượng nước thải cũng được đề xuất để bảo đảm tiêu chuẩn và tính ổn định của chất lượng nước thải trước khi tái sử dụng.
Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Trên cơ sở quá trình tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các kinh nghiệm, quy định, hướng dẫn của một số quốc gia (Mỹ, EU, Úc, các nước châu Á,…) và tổ chức quốc tế trên thế giới về TSDNT, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý, quy định, xác định mục đích TSDNT cho Việt Nam như sau:
Tái sử dụng nước thải là giải pháp quan trọng ưu tiên để bổ sung đáp ứng nguồn nước cấp trong tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng. Việc TSDNT cần được xem xét một cách chủ động cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Ở tầm vĩ mô, TSDNT phải được đưa vào chiến lược quản lý nguồn nước và quy hoạch tổng thể TSDNT phải là một phần trong quy hoạch tổng hợp TNN. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm quy hoạch và đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung để TSDNT. Ở tầm vi mô, các chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động lập kế hoạch, phương án TSDNT trong giai đoạn thiết kế dự án.
Theo quy định của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, nước tái sử dụng được phân cấp các mức độ: Cao - trung bình - thấp (hoặc A - B - C - D). Trong đó, yêu cầu về chất lượng nước thải, mức độ công nghệ xử lý, quan trắc giám sát liên quan chặt chẽ với mục đích tái sử dụng. Về cơ bản, yếu tố quan trọng nhất để phân cấp mức độ ứng với mục đích tái sử dụng là khả năng tiếp xúc, phơi nhiễm của nước thải đối với con người đi kèm với các rủi ro về sức khỏe. Đối với việc TSDNT cho trồng trọt, phân cấp các mức độ nước tái sử dụng (tương ứng với các mức yêu cầu về chất lượng nước, công nghệ xử lý và quan trắc giám sát) phụ thuộc vào loại cây trồng và phương thức tưới.
Việc TSDNT phải được quản lý và giám sát chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu về sức khoẻ và môi trường. Nhìn chung, để bảo đảm yêu cầu sức khoẻ khi TSDNT, các quốc gia, tổ chức quốc tế sử dụng các thông số pH, Fecal Coliform (hoặc E.Coli), độ đục, Clo dư, BOD, TSS, giun sán để đánh giá mức độ chất lượng nước thải sau xử lý phù hợp cho các mục đích sử dụng khác nhau.
Tại nhiều quốc gia, hoạt động TSDNT, bao gồm xử lý nước thải để tái sử dụng; tiếp nhận, sử dụng nước tái tạo; quyền và trách nhiệm có liên quan,… được ghi rõ trong giấy phép.
HÀ ANH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2024