Thạch Thất (Hà Nội): Dấu hiệu phân lô, bán nền tại xã Bình Yên
09/08/2024TN&MTPhân lô, bán đất nền là hành vi bị cấm theo Luật kinh doanh Bất động sản 2023. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân tình trạng trên đang diễn ra tại địa bàn xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.
Dấu hiệu phân lô, bán nền
Theo phản ánh của người dân, tại xóm Đồi Sen, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội đang diễn ra tình trạng san gạt, phân lô đất nền. Thực tế cho thấy, khu đất san gạt, phân lô có diện tích khoảng 2800m2 đã được người đầu tư mua lại cách đây 2 năm, gần đây bắt đầu san gạt và chia thành các lô đất khác nhau để bán.
Toàn cảnh khu đất đang được phân lô tại xóm Đồi Sen, xã Bình yên, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.
“Họ phân ra những lô nhỏ từ 60m2 trở lên và sẽ bán với giá cao rao động từ 25 đến 28 triệu/m2”, chị Lê Thị Bình (nhân vật đã được thay đổi họ và tên) cho biết!.
Cũng theo chị Bình, từ khi các trường đại học về thì giá đất tại xã Bình Yên cũng rao động đi lên, nắm bắt được như cầu, các nhà đầu tư đã mua những lô đất có diện tích lớn để phân lô bán nền.
“Nhà đầu tư phải có quan hệ với cấp lãnh đạo mới phân lô được chứ người dân bình thường sẽ khó để phân lô bán”, chị Bình nhấn mạnh!.
Máy móc và công nhân đang thi công, san gạt, phân lô từng ô đất.
Ngày 7/8/2024, có mặt tại xóm Đồi Sen, xã Bình Yên theo ghi nhận của phóng viên hoạt động san gạt, phân lô đang diễn ra công khai nhưng không thấy bóng dáng của cán bộ xã Bình Yên.
Trao đổi với phóng viên, công nhân san gạt tại khu đất cho biết: Khu đất được phân ra các ô nhỏ với diện tích khác nhau như 60m, 70m, 80m, đường đi rộng 4m, 2 ô tô có thể tránh. Chủ bãi đất thi thoảng ra kiểm tra xong lại về. Trước việc phóng viên muốn mua ô đất anh này cho biết, khu đất đã được sàn kinh doanh bất động sản lấy hết và đang được rao bán với giá hơn 24,5 triệu/m2.
Đường được công nhân thi công giới thiệu rộng 4m, 2 xe có thể tránh.
"Hiện tại việc phân lô chưa hoàn thiện nên chưa rao bán, chờ hoàn thiện xong hạ tầng mới rao bán" người này cho biết thêm!.
Trước thông tin của người dân và sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với đại diện lãnh đạo UBND xã Bình Yên và được vị lãnh đạo này cho biết là không nắm được thông tin và sẽ cho cán bộ xã xuống ghi nhận thông tin và sẽ có báo cáo.
Đến sáng ngày 8/8/2024, trao đổi với phóng viên qua điện thoại vị lãnh đạo này cho biết, đang yêu cầu chủ khu đất cung cấp hồ sơ và sẽ sớm cung cấp thông tin.
Hạ tầng đang được gấp rút hoàn thiện, thi công rầm rộ.
Điều kiện để được phân lô bán nền
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định về điều kiện đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, dự án để được phân lô bán nền cần đáp ứng các điều kiện: Đất không thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III
Không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Để tránh tình trạng phân lô, bán đất nền gây ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển đô thị, gây lãng phí nguồn lực đất đai,… phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Thanh Phong
Theo Luật Quy hoạch đô thị, đô thị cả nước được phân thành sáu loại gồm: đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V. Việc phân loại theo các tiêu chí cơ bản: vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016 về phân loại đô thị. Đô thị đặc biệt được quy định có vị trí, chức năng, vai trò là thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo đó, hai thành phố: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt, ba thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là đô thị loại I.
Ngoài ra, có 23 thành phố trực thuộc tỉnh là đô thị loại I, gồm: Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh.