Sóng nhiệt kỷ lục đẩy người dân Ấn Độ đến gần 'giới hạn sống còn'
28/03/2023TN&MTẤn Độ, đang trên đường trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, có nguy cơ chạm đến giới hạn sinh tồn của con người khi phải trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt với tần suất thường xuyên hơn.
Người dân giải nhiệt tại một vòi nước công cộng trong thời tiết nắng nóng tại Allahabad, Ấn Độ, ngày 28/4/2022
Theo đài truyền hình New Dehli, văn phòng khí tượng quốc gia Ấn Độ dự báo trong những tuần tới, nhiệt độ tại nước này sẽ tăng sau khi New Delhi vừa trải qua tháng hai nóng nhất kể từ năm 1901. Hiện tượng đó làm dấy lên lo ngại rằng đợt nắng nóng kỷ lục năm ngoái sẽ lặp lại, gây thiệt hại mùa màng trên diện rộng và gây mất điện kéo dài hàng giờ.
Khi nhiệt độ lên tới 50 độ C, đây được coi là giới hạn chịu đựng của con người dù ở bất kỳ điều kiện nào. Tuy nhiên, 1,4 tỷ người của Ấn Độ dễ bị tổn thương hơn khi bị mắc kẹt trong các thành phố đông đúc và nhà ở không có điều hòa hoặc máy lọc không khí.
"Sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm sẽ gây nguy hiểm cho con người tại nơi đây. Ấn Độ thường ẩm ướt hơn những nơi có mức nhiệt tương đương, chẳng hạn như sa mạc Sahara. Điều này có nghĩa là quá trình tiết mồ hôi làm mát kém hiệu quả hơn hoặc hoàn toàn không có tác dụng", Kieran Hunt - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Reading, giải thích.
Một báo cáo vào tháng 11/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo Ấn Độ có thể trở thành một trong những nơi đầu tiên trên thế giới có nhiệt độ bầu ướt vượt ngưỡng 35 độ C.
Nhiệt độ địa cầu bầu ướt là một loại nhiệt độ biểu kiến được sử dụng để ước tính ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và bức xạ hồng ngoại và nhìn thấy được đối với con người. Theo một nghiên cứu năm 2010, nhiệt độ bầu ướt ở 35 độ C sẽ là giới hạn an toàn mà cơ thể con người có thể chịu được.
Mặc dù không có quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu, nhưng có nhiều lý do khiến Ấn Độ trở thành một ngoại lệ với nhiều sóng nhiệt dữ dội hơn.
Tại Ấn Độ, nhiệt độ của sóng nhiệt được chia làm 2 phần – phần nhiệt độ nền trung bình hàng tháng và phần nhiệt độ bất thường xảy ra do thời tiết cụ thể xảy ra vào một thời điểm nhất định. Ở Ấn Độ, kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, nền nhiệt đã tăng khoảng 1,5 độ C. Bên cạnh đó, các yếu tố tổng hợp khác như phá rừng hay hiệu ứng đảo nhiệt đô thi góp phần làm nhiệt độ tăng thêm 2 độ C.
Với nền nhiệt độ đã quá cao, trên 40 độ C, ngay cả khi chỉ tăng một chút cũng có khả năng đẩy con người đến gần giới hạn sinh tồn.
Sóng nhiệt dữ dội hơn, trong đó nhiệt độ cao hơn kéo dài lâu hơn, có xu hướng dẫn đến nhiều trường hợp tử vong hơn. Để so sánh, những nơi duy nhất trên hành tinh có nhiệt độ tương đương với Ấn Độ trong tháng 5 là sa mạc Sahara và một phần của bán đảo Arab. Tuy nhiên, những nơi này có mật độ dân cư cực kỳ thưa thớt. Chính vì vậy, tỷ lệ tử vong tại đây không nhiều như Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh dân số Ấn Độ tăng nhanh trong vài thập kỷ qua.
Không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng con người, nắng nóng kéo dài còn gây ra những hậu quả trên diện rộng đối với xã hội Ấn Độ. Các đợt nắng nóng làm khô đất đáng kể và ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước do khô hạn.
Thời kỳ nóng bất thường dẫn đến giảm năng suất lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoạt động ngoài trời như nông nghiệp và xây dựng; tăng nhu cầu làm mát, từ đó gây quá tải cho lưới điện và dẫn đến tăng phát thải khí nhà kính.
Mặc dù nhiệt độ bầu ướt tại Ấn Độ hiếm khi vượt quá 32 độ C và nhiệt độ vẫn cần tăng nhiều hơn nữa để đạt đến giới hạn sống sót của con người song trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, kéo theo hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và Trái Đất ấm lên, nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng gây tử vong luôn rình rập và gia tăng.
Theo baotintuc.vn