Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu: Những tồn tại và giải pháp
27/05/2024TN&MTBài báo nghiên cứu hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Kết quả góp phần đưa ra cái nhìn tổng quan về những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đề xuất một số giải pháp cấp thiết nhằm giải quyết những tồn tại đó, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý CTRSH, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Mở đầu
Trong những năm qua, đi cùng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và sự gia tăng dân số là sự gia tăng lượng CTRSH phát sinh cả về thành phần, tính chất và khối lượng đã và đang tạo sức ép rất lớn đến môi trường ở Việt Nam. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày, đến năm 2019 là khoảng 64.658 tấn/ngày (tăng 46% so với năm 2010). Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phát sinh trên 6.000 tấn/ngày. Phương pháp xử lý bằng công nghệ chôn lấp chiếm khoảng 80% tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh gây ra vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Lượng CTRSH phát sinh tại tỉnh Bạc Liêu cũng tăng theo từng năm: Năm 2020 là 213,5 tấn/ngày; Năm 2021: 330,75 tấn/ngày; năm 2022 385,7 tấn/ngày. Toàn tỉnh có 6 khu xử lý CTR, chủ yếu chôn lấp nhưng các bãi chôn lấp đã xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu, không còn phù hợp với thời điểm hiện tại gây ô nhiễm môi trường nước mặt và không khí cục bộ. Do đó, việc xây dựng phương án quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết hiện nay.
Hình 1. Bản đồ hành chính tỉnh Bạc Liêu
Thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Khối lượng CTRSH phát sinh và thu gom
Theo số liệu tổng hợp tại báo cáo công tác BVMT tỉnh Bạc Liêu năm 2022: CTRSH ở đô thị phát sinh 257,1 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom ở đô thị đạt trung bình khoảng 90% (tương ứng 231,4 tấn/ngày); khu vực nông thôn 128,6 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom trung bình khoảng 60,1% (tương ứng 77,3 tấn/ngày). Như vậy, tỷ lệ thu gom CTRSH trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 80,04%.
Hình 2. Tỷ lệ CTRSH ở thành thị và nông thôn được thu gom, xử lý
Hình 3. Khối lượng CTRSH phát sinh được thu gom xử lý trên địa bàn tỉnh năm 2023
Hiện trạng phân loại, thu gom và vận chuyển
Hầu hết CTRSH trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện chưa được tiến hành phân loại tại nguồn theo quy định tại Luật BVMT năm 2020 và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT. Tất cả các loại CTRSH phát sinh tại hộ gia đình, trường học, chợ, trung tâm thương mại công sở, các đơn vị sản xuất kinh doanh,… đều được thu gom chung chuyển đến bãi chôn lấp để xử lý (chôn lấp hoặc đốt). Hoạt động tái chế, tái sử dụng CTRSH chưa được tổ chức mà diễn ra hoàn toàn tự phát tại bãi chôn lấp do đội ngũ thu nhặt phế liệu.
Các huyện thị thành phố trên địa bàn đều đã được đầu tư trung bình từ 2-3 xe chở rác chuyên dụng/huyện, tuy nhiên một số huyện tình trạng xe bị hư hỏng xuống cấp đã xảy ra gây khó khăn trong công tác vận chuyển, thu gom.
Bảng 1. Trang thiết bị thu gom vận chuyển CTRSH trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Hiện trạng xử lý
Toàn tỉnh có 8 bãi rác tập trung đã được xây dựng để xử lý CTR, trong đó, đã có 03 bãi rác tập trung đã ngừng hoạt động. Bãi rác Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh CTRSH. Bãi rác Hồng Dân có xử lý sinh học ủ phân compost trong bãi rác, nhưng lượng được xử lý cũng chỉ chiếm một khối lượng nhỏ trên tổng lượng phát sinh. Các bãi còn lại chỉ thực hiện việc xử lý CTR bằng cách chôn lấp nhưng đều không đạt tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh. Phần CTRSH còn lại chưa được thu gom, thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm phát sinh nước rỉ, mùi hôi gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân. 2 lò đốt chất thải ở huyện Đông Hải và Phước Long đang hoạt động nhưng công nghệ lạc hậu, không hiệu quả gây ô nhiễm môi trường. Hiện chưa có nhà máy xử lý rác với công nghệ tiên tiến hiện đại để xử lý hiệu quả CTRSH sau khi được phân loại tại nguồn.
Dự báo tải lượng CTRSH đến năm 2030
Khối lượng CTRSH phát sinh được dự báo dựa trên quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng và QCVN 07:2010/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Để phục vụ cho khối lượng CTRSH phát sinh theo dự báo đến năm 2030 thì cần đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, hệ thống thu gom như sau:
Hình 4. Khối lượng CTRSH phát sinh và được thu gom, xử lý khu vực đô thị đến năm 2030
Hình 5. Khối lượng CTRSH phát sinh và được thu gom, xử lý khu vực nông thôn đến năm 2030
Bảng 2. Dự báo nhu cầu đầu tư thêm xe chuyên dùng đến năm 2030
Đề xuất một số giải pháp
Hiện nay, CTRSH cần được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý và công nghệ xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh thành 03 nhóm chính được quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật BVMT năm 2020 .
Đề xuất 2 mô hình thu gom, vận chuyển CTRSH cho tỉnh Bạc Liêu bao gồm mô hình thu gom, vận chuyển CTRSH cho các đô thị tỉnh Bạc Liêu và mô hình thu gom, vận chuyển CTRSH cho các điểm dân cư nông thôn.
Xây dựng 03 khu liên hợp xử lý CTRSH cho toàn tỉnh. Ưu tiên các công nghệ hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường như: Công nghệ đốt phát điện có hoặc không thu hồi năng lượng, công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ chế biến phân vi sinh kết hợp đốt. Khi các khu xử lý mới đã được xây dựng thì tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng của các bãi rác hiện hữu .
Ban hành quy định về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo Khoản 6 Điều 79 Luật BVMT năm 2020 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và các hướng dẫn của Trung ương. Quy định mức giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
Ban hành Quy định về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa. Bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý chất thải, trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý chất thải của các địa phương; triển khai các nội dung quản lý CTRSH vào chương trình đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ cơ sở và quản lý doanh nghiệp có liên quan đến công tác quản lý CTRSH; cập nhật, xây dựng các chương trình đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng với nội dung đa dạng, hình thức phong phú về giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng CTRSH, chất thải nhựa và thải bỏ đúng nơi quy định; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hoá, chính sách hỗ trợ, chiến lược phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư; đầu tư cơ sở hạ tầng các hạng mục công trình tái chế, tái sử dụng, góp phần giảm thiểu CTRSH chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Lập kế hoạch thực hiện và đánh giá; phát triển ứng dụng di động hoặc website nhằm cung cấp thông tin về phân loại chất thải, lịch thu gom, các điểm thu gom, hoặc trạm tái chế gần nhất để người dân có thể tra cứu thông tin và tham gia vào quá trình quản lý chất thải; sử dụng công nghệ AI để giám sát, quản lý và tối ưu hoá hoạt động quản lý CTRSH và đưa ra các cải tiến.
Kết luận
Công tác quản lý CTRSH đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, hiện trạng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ: CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ thu gom, tái chế thấp đặc biệt là khu vực nông thôn. Cơ sở hạ tầng, nhân lực phục vụ cho công tác quản lý còn yếu kém, chưa có các nhà máy tái chế, tái sử dụng. Công nghệ xử lý lạc hậu gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, đời sống của người dân. Qua đó, nghiên cứu đã tổng hợp hiện trạng quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh góp phần BVMT, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ TN&MT, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, 2019;
2. Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, “Báo cáo công tác BVMT tỉnh Bạc Liêu,” 2022;
3. Bộ TN&MT, Luật BVMT 2020, 2022;
4. UBND tỉnh Bạc Liêu, Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 28/10/2023 về Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 2023;
5. Bộ TN&MT, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2020, 2022.
TRƯƠNG HỒNG PHONG2; LÊ VIỆT THẮNG1,*
1Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
2Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 7 năm 2024