Người dân bỏ phiên biển, giằng chống nhà trước bão Noru
25/09/2022TN&MTNgày 25/9, ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng bỏ dở chuyến biển, nhiều nơi tổ chức đưa tàu lên bờ, chằng chống nhà cửa.
Chiều 25/9, hàng chục tàu cá hối hả chạy về cảng Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, để tránh bão Noru. Nhiều tàu dự định đi biển 20-30 ngày nhưng phải về khi mới ra khơi một tuần.
Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu Cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi, nói đơn vị đã liên lạc với tất cả tàu bè, thông báo hướng đi của bão để bà con ngư dân chủ động vào nơi trú tránh an toàn.
Bão Noru dự kiến vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong năm nay. Đây là cơn bão được dự báo rất mạnh với sức gió đạt đến cấp 13, giật cấp 16 trên Biển Đông và vùng ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Dự tính bão đi vào Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Các chiến sỹ biên phòng Sa Kỳ hỗ trợ ngư dân chằng chống, neo tàu.
Theo kiểm đếm lực lượng biên phòng, Quảng Ngãi có hơn 5.600 tàu thuyền với gần 35.000 ngư dân. Đến 10h hôm nay, gần 5.000 tàu với 28.000 ngư dân vào bờ neo đậu. Số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 657 tàu với hơn 6.200 ngư dân, được biên phòng và cơ quan chức năng sớm tìm nơi tránh trú an toàn.
Mùa này các ngư dân chủ yếu đánh cá chuồn, cá nục, cá hố, cá ngừ và cá chìa vôi. "Hôm nay đúng ngày 30 âm lịch nên việc bán cá ngày mai sẽ khó hơn vì mùng một nhiều người ăn chay", một ngư dân cho biết.
Nhà chờ cảng Sa Kỳ, nơi tàu xuất phát từ đất liền tới đảo Lý Sơn được gia cố trước bão. Ông Nguyễn Hữu Đoan, Giám đốc Ban quản lý Cảng Sa Kỳ, cho biết khi gió cấp 5 sẽ cho dừng tàu.
Nghe tin bão, anh Văn Linh, chủ cửa hàng tạp hóa ở ven biển TP Quảng Ngãi, dùng dây thừng giằng mái tôn.
Ngày 25/9, Quảng Nam trời nắng ráo, song người dân ven biển Cửa Đại đã thu dọn dẹp đồ đạc, dùng bao cát đưa lên mái nhà, dây chằng chống nhà cửa.
Theo dự báo, bão đổ bộ vào Quảng Nam kèm theo sóng lớn nên một chủ nhà hàng thuê xe đào múc cát vào bao tải để làm kè chắn sóng. Nhiều năm qua, bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Lê Hưng Thắng, phường Cửa Đại, TP Hội An, dùng xe đẩy bao cát để chàn cửa kính nhà hàng đề phòng gió mạnh đánh vỡ.
Người dân TP Tam Kỳ mang các bao tải cát về chằng chống nhà.
Quảng Nam có đường biển dài 125 km thuộc 6 huyện thị. Nghe bão sẽ đổ bộ, người dân ra bờ biển cho cát vào bao tải mang về chất lên mái nhà.
Chiều 25/9, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung đã di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng) tránh trú bão. Từ hai hôm nay, các địa phương ven biển đã phát thông báo yêu cầu các tàu thuyền đang đánh bắt gần bờ vào tránh trú để đảm bảo an toàn.
Chiều 25/9, chính quyền các địa phương ven biển Đà Nẵng đã đi phát thanh thông báo về tình hình cơn bão đến người dân ven biển. Thành phố đã yêu cầu các địa phương vùng ven biển, thấp trũng lên kế hoạch di dời người dân.
Chiều 25/9, biên phòng đóng tại quận Sơn Trà, dân quân tự vệ phường Thọ Quang hỗ trợ người dân đưa thuyền thúng lên bờ. Các thúng được khiêng qua đường Hoàng Sa, xếp nằm úp trên vỉa hè tránh gió.
Nhiều người dân thu thúng và ngư cụ về bờ. "Dù quen với việc năm nào cũng có bão, nhưng chúng tôi không chủ quan mà chủ động di dời sớm tài sản", một ngư dân nói.
Tại cuộc họp chiều 25/9, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, để ứng phó bão, các địa phương từ Nghệ An đến Bình Định kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động.
Hiện, hơn 739 tàu với gần 7.500 người còn hoạt động trên khu vực bắc và giữa Biển Đông. Đáng chú ý, trong 24 giờ tới, hệ thống giám sát tàu cá cho thấy cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm.
Trên đất liền, các địa phương tính phương án sơ tán 868.000 dân.
Theo vnexpress.net