Ngành Dầu khí Việt Nam khai thác hiệu quả kinh tế biển
02/07/2024TN&MTDầu khí Việt Nam không chỉ là ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác, mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên vùng biển của Việt Nam.
Những bước ngoặt lịch sử
Có thể khẳng định rằng, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, và những thành tựu mà ngành Dầu khí đạt được trong những thập niên qua, đã mang lại cho Việt Nam vị thế quan trọng trong cộng đồng các quốc gia xuất khẩu dầu khí trên thế giới. Đồng thời, nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý điều hành từng bước mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài với các lĩnh vực chính đó là: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao...
Ngành Dầu khí đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam
Để có những kết quả đáng tự hào đó, chúng ta đều không thể quên được năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến công tác tham quan tại giàn khoan dầu ở Anbani và nhà máy lọc dầu ở Bungari. Tiếp đó, ngày 23/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Khu công nghiệp dầu khí Bacu ở Adecbaigian. Qua trao đổi với các nhà lãnh đạo nước bạn, Bác Hồ đã đề nghị: Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Cộng hòa Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu.
Sau hai năm (1959 - 1961) sau khi các chuyên gia địa chất dầu khí S.K. Kitovanisang của Chính phủ Liên Xô cùng với cán bộ địa chất Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa để hoàn thành báo cáo “Triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Ngày 27/11/1961, Bác Hồ đã giao cho Tổng cục Địa chất Việt Nam thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, đây chính là đơn vị tổ chức đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Sau này Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 27/11 hằng năm làm Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam.
Chưa đầy 3 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại TP. Hồ Chí Minh bàn về công tác dầu khí. Đến ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu ngành Dầu khí Việt Nam ra đời.
Đồng thời, để hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, ngày 9/9/1977, Chính phủ ban hành Quyết định số 251/CP thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (gọi tắt là Petrovietnam) trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, và hiện nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN).
Ngày 28/6/1986, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia sản xuất dầu khí trên thế giới.
Có thể thấy rằng trong suốt chặng đường lịch sử, dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Ngành Dầu khí đóng góp hơn 20% trong tổng thu ngân sách quốc gia, đóng góp 16 - 18% GDP trong các năm qua.
Không chỉ vậy, mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên vùng biển của Việt Nam.
Những thách thức trong tiến trình hội nhập
Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - Petrovietnam đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm, cung cấp gần 9 - 11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 - 80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
Thực tế cho thấy, Petrovietnam cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia.
Trong đó, hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đang cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi chính thức đưa vào vận hành đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, cũng như đáp ứng yêu cầu nhiên liệu của Bộ Quốc phòng...
Nằm trong chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái Petrovietnam đã góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên đổi mới sáng tạo để cung ứng ra thị trường các sản phẩm mới, từng bước đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu...
Đó là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nghiên cứu, sản xuất thành công các sản phẩm mới là BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95. Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVCHEM) phát triển ra các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/ Compound từ bột PP…
Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd đầu tư xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại Đài Loan (Trung Quốc), tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực.
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nghiên cứu sử dụng các sản phẩm khí làm nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, thu hồi và lưu trữ CO2, công nghệ sản xuất hydrogen và amonia “xanh” góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Viện Dầu khí Việt Nam tập trung nghiên cứu cứng hóa CO2…
Sản phẩm khí của PV GAS... góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Điều này đã nâng cao giá trị thương hiệu của Petrovietnam không ngừng gia tăng, duy trì là một trong những thương hiệu có giá trị cao nhất ở Việt Nam. Trong năm 2023 vừa qua đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Petrovietnam đã hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu theo Nghị quyết 06 của Đảng ủy Khối và về đích trước 02 năm chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch của Đảng ủy Tập đoàn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tổng doanh thu toàn Petrovietnam trong 4 tháng đầu năm ước đạt 308,2 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 42,3 nghìn tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch 4 tháng.
Riêng trong tháng 5/2024, các chỉ tiêu sản xuất của các đơn vị đều hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 6,1 - 35,5% như, khai thác dầu thô đạt 0,813 triệu tấn, vượt 14,9%; khai thác khí đạt 608 triệu m3, vượt 35,5%; sản xuất đạm đạt 163 nghìn tấn, vượt 6,1%; sản xuất điện đạt 3,16 tỷ kWh, vượt 7,3%; sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 531 nghìn tấn, vượt 17,5% kế hoạch…
Từ những kết quả đạt được về doanh thu luôn tăng trưởng mạnh trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Petrovietnam đã nhận thức việc Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh tế biển sẽ là cơ hội, động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí trong đó Petrovietnam giữ vai trò mũi nhọn của ngành kinh tế biển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, khi giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh, nhiều nguồn năng lượng mới được phát triển thì ngành dầu khí nói chung và ở Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình này, Petrovietnam đã xác định rõ vai trò Petrovietnam là Tập đoàn Công nghiệp năng lượng giữ vị trí trụ cột của nền kinh tế đất nước.
Do vậy, công tác quản trị đầu tư của Petrovietnam có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật, tập trung triển khai quản trị danh mục đầu tư giúp sớm nhận diện các cơ hội, rủi ro, có các giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tối đa hóa lợi ích.
Song song đó, công tác tài chính luôn bảo đảm nguồn vốn đầy đủ cho hoạt động đầu tư, giúp tạo tài sản mới và đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Petrovietnam. Đồng thời, Petrovietnam tiếp tục triển khai công tác quản trị danh mục đầu tư một cách sáng tạo, hiệu quả, đi vào thực chất nhằm thực hiện có kết quả theo Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận số 76/KL/TW.
Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, Petrovietnam (PVN) luôn sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, trách nhiệm, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, kinh nghiệm trong công tác quản trị biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Petrovietnam thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, từng bước xây dựng và phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế biển của đất nước.
Quốc Chánh - Nguyễn Kiên