Nâng cao chất lượng các bản tin dự báo phục vụ cộng đồng
02/02/2022TN&MTThiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, cực đoan và khó dự đoán, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Năm vừa qua, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đã có nhiều đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ mới, đưa các bản tin dự báo với độ tin cậy cao đến các tổ chức, nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết
Trong năm 2021, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Trung tâm) thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình KTTV trên phạm vi cả nước. Theo dõi và dự báo 12 cơn bão và ATNĐ (9 cơn bão và 3 ATNĐ), trong đó có các cơn bão số 2, 6, 7, 8, 9 và ATNĐ tháng 7 (5-8/7) ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 19 đợt KKL; 11 đợt nắng nóng; 28 đợt mưa lớn trên diện rộng; 16 đợt lũ trên phạm vi cả nước. Theo dõi, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc, đáp ứng yêu cầu phát điện và chỉ đạo điều hành liên hồ chứa phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2020-2021; xâm nhập mặn ở ĐBSCL, triều cường, gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng trên các khu vực biển ngoài khơi và ven bờ. Thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ khai thác, vận hành và phòng, chống thiên tai cho các lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa. Phối hợp chặt chẽ và chủ động trao đổi về nghiệp vụ với các Đài KTTV khu vực có biển để đảm bảo tốt công tác thông tin, liên lạc và nắm bắt diễn biến thời tiết thực tế, nâng cao chất lượng dự báo phục vụ; các sản phẩm dự báo hải văn được cập nhật hàng ngày trên mạng nghiệp vụ và chia sẻ với các Đài KTTV khu vực có biển để các Đài tham khảo trong dự báo nghiệp vụ.
Trung tâm đã tham gia xây dựng Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg Quy đinh về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; xây dựng 2 tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Đánh giá chất lượng dự báo; Quyết định số 1970/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các bản tin dự báo KTTV hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài được thực hiện đầy đủ và cơ bản đều đạt chỉ tiêu đặt ra. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, quy phạm, quy định chuyên môn dự báo KTTV do Tổng cục KTTV ban hành.
Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ dự báo nghiệp vụ và phục vụ năm 2021, Trung tâm còn gặp một số khó khăn: Dự báo định lượng mưa của các mô hình số trị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về độ chính xác, mức chi tiết, định lượng, thời gian dự báo dài. Các số liệu hồ chứa về không đồng bộ, một số trường hợp thiếu, không có thông tin, dự kiến vận hành của các hồ về hạ lưu thay đổi theo thời gian thực (có sự thay đổi liên tục khi có lũ), nhưng bản tin phát vào giờ cố định, nên công tác dự báo lũ hạ lưu còn gặp khó khăn, đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên. Vấn đề triển khai nhiệm vụ đồng hóa số liệu còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc các quan trắc ra đa chưa được đồng bộ toàn bộ về một định dạng (dữ liệu từ ra đa Phần Lan và ra đa Nhật Bản chưa được đồng nhất). Dữ liệu đo mưa tự động chưa được kiểm soát hoàn toàn về chất lượng, đôi lúc vẫn có trạm sai. Số liệu quan trắc trên biển còn hạn chế, chưa có mốc cảnh báo mực nước ven biển nên khó khăn trong công tác dự báo và đánh giá chất lượng dự báo KTTV biển.
Khắc phục khó khăn, Trung tâm tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và giám sát trong các nhiệm vụ được giao. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực dự báo tác động, xây dựng Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam. Tăng cường đào tạo Dự báo viên thông qua các lớp tập huấn với chuyên gia nước ngoài, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dự báo phục vụ; ứng dụng sâu rộng hệ thống Khí tượng thông minh vào nghiệp vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, viên chức, người lao động; tăng cường sự phối hợp giữa các tập thể, cá nhân trong triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ. Mỗi cá nhân tích cực chủ động trau dồi kiến thức chuyên môn, đẩy mạnh việc ứng dụng tin học vào nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Tổng cục KTTV đề xuất nhu cầu khai thác cơ sở dữ liệu KTTV. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Đài KTTV khu vực có biển để hoàn thiện hệ thống chia sẻ sản phẩm dự báo hải văn. Phối hợp với Viện Khoa học KTTV & BĐKH, Viện Khoa học ĐC&KS, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Viễn thám quốc gia và các đơn vị thuộc các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các tỉnh, thành địa phương,... trong chia sẻ dữ liệu, phối hợp xây dựng công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Đầu tư xây dựng các mô hình, công cụ dự báo để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ công tác PCTT và phát triển KT-XH; chú trọng các công cụ nhằm hỗ trợ các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh. Xây dựng công cụ thu thập số liệu các đối tượng KT-XH từ các bộ, ngành, địa phương, từ các đề tài, dự án liên quan đã và đang thực hiện về chủ đề dự báo tác động. Từ các dữ liệu KT-XH và dự báo thiên tai có được, Trung tâm sẽ xây dựng một ứng dụng trên nền tảng GIS để ước lượng một cách khách quan quy mô, mức độ tác động của các mức thiên tai khác nhau đối với từng hạn dự báo, từng lĩnh vực cũng như từng địa phương.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022
Trong công tác dự báo, cảnh báo và PCTT, thực hiện nghiêm Luật PCTT; Luật KTTV; Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; các quy trình vận hành liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên phạm vi cả nước; các quy trình, quy định, quyết định phân cấp do Tổng cục KTTV ban hành. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn, hải văn nguy hiểm như bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn,... phục vụ hiệu quả công tác PCTT.
Triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ về Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực KTTV, xây dựng hệ thống đồng hóa hóa số liệu cho các mô hình số trị, tập trung nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa hạn 24h. Bổ sung, cải thiện quy trình, thông tin, số liệu trong dự báo lũ, ngập lụt, đặc biệt là thông tin, số liệu của các hồ chứa. Thực hiện dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai KTTV; giám sát BĐKH và triển khai khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam. Triển khai sâu rộng hệ thống Khí tượng thông minh (SmartMet) vào trong nghiệp vụ, đặc biệt là dự báo thời tiết điểm. Nâng cao chất lượng dự báo mưa định lượng. Triển khai các lớp tập huấn, đào tạo về dự báo dựa trên tác động; nghiên cứu, xây dựng các công cụ tính toán quy mô và mức độ tác động trên cơ sở tích hợp hiện trạng số liệu đối tượng chịu tác động, cường độ thiên tai và xác suất xảy ra thiên tai.
Duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo KTTV mới tới người dùng như App điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube,... Tiếp nhận và triển khai hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở trong khuôn khổ Dự án Hệ thống cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) cho Việt Nam. Triển khai xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du trên toàn quốc. Hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt phục vụ vận hành liên hồ chứa; triển khai xây dựng hệ thống cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành TP. Hà Nội.
Để tăng cường hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Trung tâm kiến nghị với Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn thiện và đưa vào ứng dụng hệ thống dữ liệu tập trung, đảm bảo cung cấp số liệu ổn định, đồng bộ, chính xác, kịp thời theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin phục vụ dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai và tác động với các đơn vị liên quan ngoài Tổng cục KTTV. Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh trong trường hợp có thiên tai cung cấp thông tin kịp thời về hiện trạng các hoạt động KT-XH đang diễn ra tại địa phương mình quản lý.
PGS.TS. MAI VĂN KHIÊM
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia