Nam Định: Nhiều khó khăn trong xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, biển
28/10/2023TN&MTCông tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong thời gian vừa qua tại tỉnh Nam Định đã được chú trọng thực hiện có hiệu quả. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông đánh giá về tiềm năng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện nay?
Ông Đỗ Quang Trung: Tiềm năng tài nguyên khoáng sản của tỉnh Nam Định không đa dạng về chủng loại và trữ lượng nhỏ (trừ khoáng sản cát làm vật liệu san lấp). Các tài nguyên khoáng sản này đáp ứng được một phần nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định
Theo Quy hoạch khai thác cát sông và bổ sung quy hoạch khai thác cát sông tỉnh Nam Định đến năm 2020 thì trên địa bàn tỉnh có 12 khu vực mỏ cát trên 04 tuyến sông lớn (sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ và sông Đào); 02 khu vực mỏ cát cửa sông ven biển (mỏ Giao Thiện, khu vực cửa Đáy); 02 khu vực mỏ cát ven biển ( huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy) đã thăm dò, khảo sát đánh giá tài nguyên năm 2011 và năm 2015 để đưa vào quy hoạch khai thác.
Cùng với đó là nguồn đất sét làm gạch ngói với trữ lượng khoảng 25 – 30 triệu tấn; Fenspat có ở núi Phương Nhi, núi Gôi (huyện Vụ Bản) được khai thác làm phụ gia sản xuất gốm sứ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện tại huyện Giao Thủy và huyện Xuân Trường có khoáng sản than nâu trữ lượng lớn và nằm sâu trong lòng đất.
Về khoáng sản kim loại, tỉnh Nam Định có khoáng sản kim loại nghèo nàn, chỉ có sa khoáng titan ven biển (sa khoáng titan - zircon thuộc trầm tích biển - gió tuổi Holocen muộn, hệ tầng Thái Bình (mvQ23tb). Sa khoáng titan - zircon được tích tụ ở các cồn cát, doi cát ven bờ biển. Ngoài ra còn có 02 thân quặng sa khoáng ở Nam Cửa Hà Lạn (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu), Cồn Vĩnh (xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng) và Kiên Chinh - Cửa Lạch (xã Hải Triều, huyện Hải Hậu),.. Bên cạnh đó, Nam Định còn có tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn tiềm ẩn ở vùng biển Bắc Bộ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 15 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó có 10 giấy phép khai thác cát làm vật liệu san lấp (huyện Nghĩa Hưng có 04 giấy phép, huyện Giao Thủy có 06 giấy phép) và 05 giấy phép khai thác đất làm gạch.
Nhìn chung, Nam Định là tỉnh không có nhiều khoáng sản cả về trữ lượng và chủng loại, chủ yếu gồm cát làm vật liệu xây dựng, đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói phân bố ở các bãi bồi ven sông Hồng, sông Đào,... Theo định hướng quản lý và phát triển chung của tỉnh, Nam Định đã chú trọng thực hiện công tác quản lý và bảo vệ chặt chẽ, khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản có hiệu quả để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV: Vậy đâu là những khó khăn, bất cập trong quản lý khoáng sản hiện nay tại địa phương, thưa ông?
Ông Đỗ Quang Trung: Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tuy đã được tăng cường, nhưng việc kiểm tra và xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, biển gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động của nhóm đối tượng là cá nhân khai thác trái phép diễn ra ban đêm ở những địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, các huyện trong khi lực lượng chức năng thiếu phương tiện, nhân lực.
Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải thẩm định/xác định khối lượng tài nguyên mà các cơ sở đã khai thác hàng năm (đặc biệt là khai thác cát sông, biển). Các cơ sở tự kê khai sản lượng khai thác khoáng sản để nộp thuế nên việc thu thuế có thể không đúng thực tế (báo cáo sản lượng của cơ sở khai thác không có quy định phải được xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền).
Chưa có quy định phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản để khi cơ quan thuế phát hiện sản lượng khai thác khoáng sản vượt công suất khai thác so với giấy phép sẽ thông tin với cơ quan cấp phép để thẩm tra giải quyết theo quy định. Đồng thời, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về chính sách tài chính, chế tài thu giữ, xử lý trách nhiệm chủ cơ sở đối với việc thu mua khoáng sản trái phép, không có hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Một tàu khai thác cát ven biển ở tỉnh Nam Định
Đặc biệt, việc đóng cửa mỏ, theo quy định của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP thì, hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản phải có báo cáo tình hình thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường đến thời điểm đóng cửa mỏ. Thực hiện việc cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng chưa thực hiện việc lập phương án cải tạo phục hồi môi trường nên chưa đủ điều kiện để thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản.
Tại tỉnh Nam Định hiện có 04 doanh nghiệp khai thác cát ven biển gồm: Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Hùng Cường (Lô số 1 và 3 khu vực ven huyện Giao Thuỷ); Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thanh Tâm (Lô số 2 và 6 khu vực ven huyện Giao Thuỷ); Công ty TNHH Hoàng Tuấn (Lô số 4 và 5 khu vực ven huyện Giao Thuỷ) và Công ty CP Sông Đà Hà Nội (Lô 2B - Lô số 2 khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng).
Cùng với đó, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định phạm vi điều chỉnh cho đối tượng là cát, sỏi lòng sông, bao gồm cả cát, sỏi ở lòng hồ, cửa sông (gọi chung là cát, sỏi lòng sông - Điều 1) mà không quy định cho đối tượng là cát, sỏi ven biển. Đồng thời, quy định nội dung trong Giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông phải quy định thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7h sáng đến 5h chiều, không được khai thác ban đêm (Điều 9). Thực tế đặc điểm tự nhiên khu vực cửa sông ven biển và ven biển chịu ảnh hưởng bởi chế độ thủy triều, chế độ thủy văn. Do đó, việc khai thác, vận chuyển cát phải tổ chức hoạt động theo lịch thủy triều để phương tiện di chuyển đảm bảo được an toàn. Vì vậy, cần phải xem xét, hướng dẫn cụ thể thời gian quy định đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát tại khu vực cửa sông ven biển, khu vực ven biển để tổ chức thực hiện.
PV: Ông có ý kiến như thế nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản và theo ông đâu là những điểm chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương?
Ông Đỗ Quang Trung: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cơ bản đầy đủ, phù hợp với thực tiễn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên một số nội dung đề nghị hoàn thiện, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Cụ thể, cần bổ sung thêm các quy định về khai thác khoáng sản đi kèm nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác khoáng sản đi kèm đúng quy định, đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với việc khai thác khoáng sản đi kèm.
Tại Điều 3, giải thích từ ngữ, đề nghị bổ sung các khái niệm “Công viên địa chất” và “tài nguyên vị thế”. Đề nghị xem xét, chỉnh sửa khoản 8 Điều 4 thành “4. Nguồn thu từ khoáng sản được điều tiết hợp lý cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác”.
Đề nghị xem xét, chỉnh sửa tên Điều 7 thành “Điều 7. Khoáng sản thông thường”. Lý do khoáng sản thông thường có thể sử dụng làm vật liệu trong các ngành, lĩnh vực khác (làm vật liệu san lấp, làm phụ gia trong các ngành công nghiệp,…) chứ không chỉ sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cùng với đó là xem xét lại quy định tại khoản 8 Điều 8: “8. Khai thác cát biển tại vùng bờ cách đường bờ dưới 15km, có độ sâu trung bình dưới 05 mét so với mực nước triều cao trung bình nhiều năm trừ trường hợp nạo vét luồng hàng hải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Tuy nhiên, vùng bờ là khu vực giao thoa chịu tác động quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (an ninh, quốc phòng, biển, giao thông hàng hải…), liên quan đến nhiều Luật như Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật Hàng hải; Luật thủy sản; Luật Đất đai;... Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 không có khái niệm “đường bờ” và “mực nước triều cao trung bình nhiều năm”. Quy định tại Dự thảo chưa rõ (quy định cách đường bờ 15km tính về phía nào? đối với khu vực có đảo, có vịnh, có phần đất nổi thì ranh giới xác định như thế nào? cơ quan cấp nào xác định, công bố phạm vi, khoảng cách?). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định tại khoản 8 Điều 8 cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
Bên cạnh đó cần xem xét, chỉnh sửa khoản 3 Điều 11 thành: “3. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn”.
Tại Điều 118, đề nghị bổ sung thêm quy định về khoản tiền đặt trước, đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản, “Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá”.
Cuối cùng đề nghị xem xét quy định việc thuê đất có mặt nước tại điểm i khoản 1 Điều 72 đối với hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông, cửa sông ven biển được thực hiện như thế nào?
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Nam Định: Phê duyệt đấu giá 14 mỏ cát để phát triển hạ tầng;
- Nam Định: Tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản
Đỗ Hùng (thực hiện)