Mục tiêu quản lý rác thải nhựa đại dương tiếp cận theo vòng đời của sản phẩm nhựa
19/12/2024TN&MTÔ nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm.
Theo một số nghiên cứu, trong khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra biển hàng năm thì có 94% rác thải nhựa tập trung ở đáy đại dương với mật độ 70 kg/km2, 1% rác thải nhựa nổi trên bề mặt biển với mật độ 0,74 kg/km2, 5% rác thải nhựa ở gần bờ biển với mật độ 2.000 kg/km2. Điều này cho thấy số lượng rác thải nhựa trên biển mà chúng ta nhìn thấy chỉ là một con số rất nhỏ so với số lượng thực tế, và đa số đều khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Do vậy, ô nhiễm chất thải nhựa ở biển là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người.
Nhiều hoạt động thiết thực đồng hành cùng cuộc chiến với rác thải nhựa
Trong những năm gần đây, Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực trong cuộc chiến chống lại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Bộ TN&MT với chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực về môi trường, quản lý tổng hợp TN&BVMT biển và hải đảo đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030 “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”; Vấn đề rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cùng đã được luật hóa tại Luật BVMT 2020; Ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định số 1746/QĐ-TTg), ngày 20/8/2020 ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; tiếp đó, ngày 22/7/2021, ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg về Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (Quyết định số 1407/QĐ-TTg). Điều này, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Việt Nam trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn nạn về ô nhiễm nhựa.
Để đạt được mục tiêu quản lý rác thải nhựa đại dương tiếp cận theo vòng đời của sản phẩm nhựa; theo nguyên tắc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, thì cần có sự phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan.
Cho đến nay, đa số các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đối với Bộ TN&MT, các giải pháp về quản lý rác thải nhựa đại dương đã được tích hợp trong các kế hoạch, chương trình như:
Bộ TN&MT đã chủ trì, tham gia tổ chức nhiều Chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương như: Giải Báo chí về giảm rác thải nhựa đại dương; đã hỗ trợ nhiều cơ sở đào tạo để tích hợp vấn đề về ô nhiễm nhựa đại dương trong các môn học,…
Bộ TN&MT đã chủ trì, tham gia tổ chức nhiều hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển, các hoạt động dọn rác thải đại dương hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng Hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; đã vận động các địa phương tham gia cam kết tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa với mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm rác thải nhựa ngoài môi trường thiên nhiên (đến nay đã có 10/28 tỉnh ven biển tham gia).
Bộ TN&MT đã chủ trì, tham gia với các bộ, ngành, địa phương kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển: Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản.
Bộ TN&MT đã tích cực tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong hợp tác quốc tế về rác thải nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương. Để chủ động chuẩn bị cho việc tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương, Bộ TN&MTđã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg trong đó đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; Xây dựng và tổ chức mạng lưới đối tác giữa khu vực chính phủ, tư nhân, các tổ chức liên quan đến nhựa và rác thải nhựa.
Việt Nam là nước tiên phong, cùng các quốc gia xây dựng khung hiệp ước toàn cầu
Có thể thấy rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định và thống nhất về việc xây dựng một khung thoả thuận toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Khác với những cam kết về môi trường và khí hậu khác, Việt Nam tham gia khi thế giới đã có đủ các nội dung của công ước, với thỏa thuận này, Việt Nam là nước tiên phong, cùng các quốc gia xây dựng khung hiệp ước toàn cầu.
Việc thực hiện các mục tiêu của Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đầy đủ, đặc biệt là thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo các nỗ lực được hỗ trợ đầy đủ tạo ra những biến đổi trên thực tế.
Để đạt được mục tiêu quản lý rác thải nhựa đại dương tiếp cận theo vòng đời của sản phẩm nhựa; theo nguyên tắc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, thì cần có sự phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Cho đến nay, đa số các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Đối với nguồn tài chính, các cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo các nỗ lực được hỗ trợ đầy đủ tạo ra những biến đổi trên thực tế, vấn đề này không chỉ khó khăn đối với Việt Nam mà là thách thức toàn thế giới. Để thực hiện được các mục tiêu của Hiệp ước (sau khi được thông qua), rất nhiều việc phải làm như phải có đánh giá tổng thể hiện trạng ô nhiễm nhựa bao gồm môi trường biển, xây dựng lộ trình giảm thiểu phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước, hoàn thiện thể chế pháp luật trong quản lý nhựa, hoá chất phụ gia của nhựa, chuyển đổi công bằng,…Tất cả các hoạt động này cũng cần phải có nguồn lực để thực hiện. Một số ý kiến cho rằng, nguồn lực này có thể huy động từ quốc tế thông qua các tổ chức tài chính quốc tế có sẵn hoặc xây dựng các tổ chức huy động nguồn lực hoàn toàn mới; một số ý kiến ủng hộ nguồn lực thu được từ các khoản thuế phí liên quan; nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; Các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển, kém phát triển… Hiện nay, các nước cũng đang xem xét thành lập một số quỹ như: “Quỹ thực hiện nhựa” (Plastic Implementation Fund) nhằm hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia và một số hoạt động cụ thể khác như công nghệ, nâng cao năng lực,…, “Quỹ tẩy độc” để hỗ trợ xử lý ô nhiễm nhựa trong môi trường biển, bao gồm vùng ngoài tài phán quốc gia…
Việt Nam mong muốn thế giới cùng thông qua Hiệp ước
Cho đến nay, Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC) về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, bao gồm môi trường biển đã diễn ra 4 phiên họp để xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế (ILBI) về ô nhiễm nhựa, kể cả môi trường biển. Đoàn Việt Nam có sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT (có đại diện của Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo).
Phiên họp gần nhất INC4 được tổ chức tại Ottawa, Canada từ ngày 23 đến ngày 29/4/2024 đã cho thấy sự phân hoá, không chỉ giữa nhóm các quốc gia phát triển với nhóm các quốc gia đang phát triển mà còn chính trong nhóm các nước đang phát triển, các cuộc thảo luận diễn ra một cách căng thẳng, thường xuyên kéo dài, kết thúc muộn và tiến độ chậm hơn dự kiến. Các nước phát triển, nhất là Liên minh châu Âu và các nước thành viên, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada…. mong muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán để có thể thông qua Thỏa thuận tại INC-5 tại Busan, Hàn Quốc, do đó, Liên minh châu Âu đề xuất tổ chức thêm Hội nghị INC-4.2 để các quốc gia thành viên tiếp tục thảo luận, đàm phán trước khi tham gia đàm phán phiên cuối. Tuy nhiên, các nước đang phát triển, đặc biệt các nước vùng Vịnh: Ả-rập Xê-út, Kuwait, I-rắc, I-ran, và Liên bang Nga không muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán và phản đối đề xuất với lý do hiện lịch họp các khuôn khổ hợp tác khác về môi trường đã dày đặc và cần có thời gian để chuẩn bị tốt hơn. Các nước ASEAN, các nước ASEAN có quan điểm tương đồng trên nhiều nội dung, đề cập bảo vệ sức khỏe con người trong phần mục tiêu của văn kiện, thậm chí có trường hợp không ủng hộ nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”.
Với bản dự thảo Thỏa thuận số 0 sửa đổi, Hội nghị INC-4 đã đạt được một số kết quả nhất định bao gồm việc các quốc gia đã chính thức đi vào thảo luận lời văn, tổng hợp và cắt giảm được nhiều phương án lựa chọn mặc dù còn nhiều quan điểm khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Ban thư ký sẽ tổng hợp và đưa ra trong thời gian tới sẽ giúp cho quá trình đàm phán kết thúc đúng thời hạn tại Hội nghị INC-5 tại Busan, Hàn Quốc vào cuối năm nay như dự kiến.
Một số nội dung quan trọng, cốt lõi trong dự thảo Thỏa thuận hiện nay còn đang nhiều ý kiến, quan điểm khác biệt, thậm chí gây tranh cãi gay gắt, đó là: Phần II của Thỏa thuận liên quan đến việc quản lý vòng đời của nhựa, vấn đề giảm sản xuất nhựa (đây một trong những nội dung cốt lõi của Thỏa thuận và cũng là nội dung đặc biệt gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán). Theo đó, Các quốc gia sản xuất dầu mỏ - những quốc gia đang sở hữu các công ty dầu khí lớn không mong muốn quy định về mục tiêu cắt giảm sản xuất nhựa, đặc biệt là nhựa nguyên sinh với lý do vấn đề ô nhiễm môi trường có nguyên nhân từ rác thải nhựa, do đó cần tập trung vào các giải pháp quản lý và xử lý rác thải nhựa thay vì biện pháp kiểm soát nguyên liệu đầu vào là nhựa nguyên sinh. Các quốc gia phát triển được sự ủng hộ của các quốc đảo nhỏ muốn đưa ra mục tiêu toàn cầu về giảm sản xuất nhựa để đạt được mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040.
Các nội dung khác còn tiếp tục có quan điểm khác biệt là Nguyên tắc và Mục tiêu của Thỏa thuận. Trong khi các nước đang phát triển đề cao nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt (CBDR), các yếu tố về hoàn cảnh địa lý đặc thù, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, không đặt mục tiêu quá cao về thời điểm thực hiện mục tiêu giải quyết ô nhiễm nhựa, không đặt rào cản cho thương mại, sản xuất,…, bên cạnh đó các nước phát triển đề nghị không có một điều khoản riêng về nguyên tắc và đề nghị không quy định nguyên tắc CBDR tại Thỏa thuận, cũng như cần phải đặt mục tiêu về mốc thời gian để chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Đối với việc đạt được hiệp ước vào cuối năm nay theo kế hoạch ban đầu: Đàm phán hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa bao gồm nhựa đại dương chuẩn bị tiến đến cuộc đàm phán lần thứ 5 tại Busan. Theo kế hoạch ban đầu, đây sẽ là cuộc đàm phán cuối cùng để thế giới có thể cùng thông qua Hiệp ước này. Tuy nhiên, theo tiến trình cuộc họp, còn một số nội dung cơ bản như qui mô (scale) của hiệp ước chưa được thống nhất (ví dụ: có bao gồm chấm dứt ô nhiễm nhựa không chỉ bảo vệ môi trường còn bảo vệ sức khoẻ con người; xác định vòng đời nhựa hay toàn bộ vòng đời nhựa; vấn đề polymer nhựa có đưa vào hiệp ước hay không); nhiều định nghĩa về các nội dung cơ bản còn bỏ trống. Hiện tại, mặc dù hiệp ước này có nội dung “chấm dứt ô nhiễm nhựa bao gồm nhựa đại dương” tuy nhiên có thể nói Hiệp ước chưa nêu được cụ thể rõ ràng những nội dung liên quan đến “bao gồm nhựa đại dương”. Sau cuộc họp lần thứ 3, Hiệp ước mới đưa vào khái niệm ô nhiễm điểm nóng nhựa đại dương do IUCN đề xuất. Tuy nhiên, theo quan điểm của Việt Nam, “Điểm nóng” là khái niệm mới, cần được đánh giá về phương pháp tiếp cận này để có thể đưa vào Hiệp ước và thông qua.
NGUYỄN LOAN
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2024