Một số mô hình sử dụng đất đa mục đích tại Việt Nam và đề xuất giải pháp về chính sách quản lý
02/01/2024TN&MTTrong những năm qua, Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, kéo theo nhu cầu sử dụng đất của các cá nhân, tổ chức tăng cao, tạo áp lực không nhỏ đối với việc phân bổ tài nguyên đất đai. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng quỹ đất để khai thác vào nhiều mục đích trở thành xu hướng phổ biến đặc biệt là tại khu vực đô thị. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành chưa quy định về việc sử dụng một thửa đất vào nhiều mục đích khác nhau, trong khi nguyên tắc sử dụng đất là sử dụng đúng mục đích. Vì vậy, Luật Đất đai cần thiết bổ sung và hoàn thiện chế định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Dưới đây là một số mô hình sử dụng đất đa mục đích đã có trên thực tiễn tại một số địa phương.
Ảnh minh họa
Mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản
Thể chế hóa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ngày 15/2/2022, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo đó, hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trở thành những điểm nông nghiệp gắn với khai thác dịch vụ du lịch, gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân ở nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển du lịch nông thôn gắn với quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch, người dân đô thị, giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông,...
Mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được thực hiện trên các thửa đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất được nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch trên đó phải đảm bảo tỷ lệ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản phải đạt tối thiểu 70% diện tích SDĐ. Đồng thời, không thay đổi mục đích SDĐ rừng; không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng; các hạng mục cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung. Bên cạnh đó, đề án không cho phép hoạt động kết hợp này được cung cấp dịch vụ lưu trú; không để cơ sở hạ tầng trong mô hình thí điểm thành chỗ ở, nơi thờ tự và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng để tránh biến tướng từ mô hình này.
Mô hình sử dụng đất có mặt nước chuyên dùng, đất nuôi trồng thủy sản kết hợp điện mặt trời
Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng, Đồng bằng sông Cửu Long vừa là vùng sản xuất thuỷ sản lớn của cả nước lại vừa là nơi có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh những nhà máy điện mặt trời với công suất lớn, nhiều hộ nông dân đã tự đầu tư và phát triển điện mặt trời ở chính những trang trại nuôi trồng thuỷ sản của họ, vừa đảm bảo nguồn cung điện ổn định, vừa phát triển kinh tế. Điện Mặt trời được xây dựng theo hình thức trang trại điện mặt đất, các pin Mặt trời nằm trên mái che hoặc có các trụ đỡ bê tông được đặt trực tiếp trên hoặc xung quanh ao nuôi, ao sẵn sàng, ao lắng hay trên các vùng đất trống trong trại nuôi. Mô hình này đáp ứng nhu cầu sử dụng điện luôn ở mức cao và phải đảm bảo liên tục ngay từ giai đoạn thả giống đến khi thu hoạch của các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, giảm chi phí điện, tăng tính ổn định, tiết kiệm nguồn năng lượng truyền thống và góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các tấm pin năng lượng bên trên ngăn ánh nắng Mặt trời, giảm nhiệt độ, giảm sự bốc hơi nước, đồng thời ngăn sự sinh trưởng của các loại tảo,... giúp tôm cá có môi trường sống tốt hơn.
Tuy nhiên, khác với mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại Đà Nẵng đã có những quy định kiểm soát việc SDĐ vào mục đích kết hợp mà vẫn đảm bảo hiệu quả của mục đích SDĐ chính, mô hình xây dựng điện Mặt trời kết hợp trang trại nuôi trồng thuỷ sản chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh. Do đó, còn tồn tại hiện tượng xây dựng điện Mặt trời kết hợp trang trại nông nghiệp chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa cho việc mua bán điện với giá ưu đãi của Chính phủ, chủ đầu tư chỉ nghĩ đến kinh doanh điện Mặt trời, còn trang trại phía dưới gần như bỏ hoang. Như vậy, mục đích chính của loại đất là phát triển ngành nông nghiệp thuỷ sản bị bỏ quên, việc SDĐ đa mục đích không đạt được lợi ích “kép” như mục tiêu ban đầu của mô hình SDĐ kết hợp.
Đề xuất giải pháp về chính sách để quản lý việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích
Bên cạnh những mô hình SDĐ kết hợp đa mục đích trình bày ở trên, hiện nay còn hiện hữu hình thức SDĐ kết hợp vào nhiều mục đích khác như: Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại dịch vụ; đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp (nhà ở kết hợp nuôi yến); đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại dịch vụ,... Do đó, cần thiết phải bổ sung trong Luật Đất đai quy định các trường hợp được phép SDĐ kết hợp đa mục đích tránh việc kết hợp tự do những mục đích có điều kiện SDĐ trái ngược nhau, gây ảnh hưởng đến mục đích SDĐ đã được Nhà nước xác định ban đầu.
Để quản lý chặt chẽ việc SDĐ kết hợp nhiều mục đích, các văn bản quy phạm về đất đai cũng cần quy định rõ nguyên tắc SDĐ kết hợp đa mục đích trong đó quan trọng hàng đầu là không làm thay đổi mục đích SDĐ chính của loại đất đã được Nhà nước xác định và không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại SDĐ vào mục đích chính. Đồng thời, bảo đảm việc sử dụng kết hợp đa mục đích không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc SDĐ của các thửa đất liền kề. Riêng đối với trường hợp SDĐ kết hợp với mục đích thương mại dịch vụ thì bắt buộc phải lập phương án SDĐ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, một vấn đề quan trọng nữa cần bổ sung đó là các cơ chế thu nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất được phép sử dụng kết hợp trong các thửa đất có mục đích SDĐ chính không phải nộp tiền cho Nhà nước, đồng thời xác định trong trường hợp nào mục đích sử dụng đất phụ kết hợp phải nộp nghĩa vụ tài chính nếu thửa đất chính trước đó đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Khi Nhà nước có mức thu phù hợp với lợi nhuận thực tế được tạo ra từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh kết hợp sử dụng đa mục đích sẽ khuyến khích người sử dụng đất đầu tư trên đất.
Kết luận: SDĐ đa mục đích đang được coi là hướng phát triển bền vững và hiệu quả trong khai thác nguồn tài nguyên đất đai, tối ưu hoá tiềm năng của đất đai nâng cao thu nhập của người SDĐ. Tuy nhiên, việc SDĐ kết hợp đa mục đích cũng tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến mục đích SDĐ chính đã được xác định, tính toán trong quy hoạch của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, cần có khung pháp lý phù hợp để quản lý SDĐ kết hợp đa mục đích.
Lời cảm ơn: Bài báo được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất hoàn thiện quy định về phân loại đất và chế độ quản lý, SDĐ đa mục đích, xây dựng công trình đa năng nhằm phục vụ sửa đổi Luật Đất đai năm 2013”. Mã số: TNMT.2021.01.07.nDự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Sự đột phá về chính sách nhân văn cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tại phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng một sự đột phá của dự thảo Luật mà người thụ hưởng chính sách nhân văn này chính là những người đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp thêm các ý kiến để khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống và hỗ trợ được đời sống của đồng bào.
ThS. NGUYỄN THỊ HÀ PHƯƠNG
Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 20 (Kỳ 2 tháng 10) năm 2023