Mất đa dạng sinh học đang đẩy nhiều nước đến bờ vực phá sản
27/06/2022TN&MTĐó là kết luận của các nhà nghiên cứu kinh tế tại Anh theo Xếp hạng rủi ro tín dụng quốc gia dựa vào đa dạng sinh học đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, nếu hành động ngay để ngăn chặn thảm họa thiên nhiên, các nước có thể bảo vệ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Ảnh minh họa
Trong nghiên cứu được thực hiện bởi các trường đại học Luân Đôn, Cambridge, East Anglia, Sheffiel Hallam, các chuyên gia kinh tế đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích rủi ro tín dụng của 26 quốc gia (tổng nợ công 66.000 tỉ USD), theo 3 kịch bản mà Ngân hàng Thế giới (WB) đặt ra.
Kịch bản đầu tiên là khi các nước tìm cách “dừng ngay tình trạng mất đa dạng sinh học”, thứ hai là dự báo điều sẽ xảy ra nếu “kinh doanh như bình thường” và cuối cùng là “điểm tới hạn”, khi một phần hệ sinh thái bị sụp đổ. Theo WB, tổn thất lớn nhất khi “một phần hệ sinh thái bị sụp đổ” là giảm 90% hoạt động của ngành thủy sản, môi trường sống của các loài thụ phấn và sản lượng gỗ từ các vùng nhiệt đới.
Các nhà kinh tế cho biết nếu dự báo của WB thành hiện thực thì nhiều nước sẽ mất từ 3 bậc trở lên trong thang xếp hạng tín dụng 20 bậc. Việc hạ cấp tín dụng sẽ gây nhiều tổn thất cho các nước, với lãi suất nợ công sẽ tăng lên tới 53 tỉ USD mỗi năm, thậm chí khiến nhiều quốc gia vỡ nợ. Ví dụ, theo kịch bản “điểm tới hạn”, xếp hạng tín dụng của Trung Quốc giảm 6 bậc, tạo thêm khoản trả lãi hàng năm lên tới 18 tỉ USD, trong khi khu vực doanh nghiệp vốn đã mắc nợ sẽ phải gánh thêm khoản nợ từ 20 đến 30 tỉ USD. Malaysia cũng giảm gần 7 bậc, với khoản lãi trả thêm lên tới 2,6 tỉ USD/năm. 12 nước sẽ tăng nguy cơ vỡ nợ lên hơn 10%, riêng Bangladesh tăng lên 41%, Ethiopia tăng lên 38% và Ấn Độ tăng lên 29%.
“Mù tự nhiên” có thể nhấn chìm thị trường tài chính
Theo nghiên cứu, giá trị kinh tế vốn có của hệ sinh thái bao gồm: ong thực hiện quá trình thụ phấn trị giá hàng tỉ USD mỗi năm và tác động đến hơn 1/3 nguồn cung lương thực toàn cầu; các loại cây ngập mặn như đước giúp giảm xói mòn bờ biển và ngăn lũ; còn rừng và biển thì hấp thụ carbon và các loại khí nhà kính khác. Nếu không có những “dịch vụ” thiên nhiên này, con người phải chật vật giải quyết bằng biện pháp công nghiệp và luật pháp, vốn phát sinh chi phí rất lớn.
Hiện tại, các cơ quan xếp hạng tín dụng như Moody’s và Standard & Poor’s đánh giá rủi ro tài chính dựa trên các sự kiện địa chính trị tiềm ẩn, nhưng phần lớn bỏ qua hậu quả kinh tế của các thảm họa sinh thái. Trong khi đó, các nhà đầu tư “mù tự nhiên” thì không thể quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Do vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng việc loại tình trạng mất đa dạng sinh học ra khỏi các tính toán tài chính có thể “làm suy yếu sự ổn định của thị trường”. Tác giả chính, Tiến sĩ Matthew Agarwala tại Viện Bennett về Chính sách Công của Đại học Cambridge, giải thích khi mất đa dạng sinh học làm giảm hiệu quả kinh tế, các nước sẽ khó trả nợ hơn, tăng áp lực cho ngân sách và buộc chính phủ phải tăng thuế, cắt giảm chi tiêu hoặc gia tăng lạm phát.
Để giảm thiểu tổn thất của mất thiên nhiên đối với kinh tế, nhóm chuyên gia đề nghị chính phủ các nước nên đầu tư bảo tồn thiên nhiên ngay từ bây giờ, thay vì chần chừ và đối mặt với những tổn thất nặng hơn về sau. Theo Phó giáo sư Patrycja Klusak của Đại học East Anglia, nhu cầu cấp thiết hiện nay là đổi mới thị trường nợ công. Các ưu tiên bao gồm kết hợp khoa học vào các đánh giá rủi ro tương lai, khẩn cấp hỗ trợ các nước đang phát triển để tránh các vụ vỡ nợ và sử dụng thị trường nợ để đầu tư các dự án bảo tồn. “Bảo vệ môi trường sống tự nhiên không chỉ quan trọng với thiên nhiên mà còn cần thiết để bảo vệ sự ổn định kinh tế vĩ mô” - Giáo sư Ulrich Volz, Giám đốc Trung tâm Tài chính Bền vững SOAS, nhấn mạnh.
Theo baocantho.vn