Lối xuống biển bị xây tường bịt kín, hàng trăm ngư dân gặp khó
17/11/2023TN&MTTừ tháng 7 đến nay, Khu du lịch Trung Lương ở Bình Định đã xây dựng tường rào, thường xuyên đóng cổng chắn lối đi, ngư dân không thể ra vào khu vực này để đi đánh bắt.
Bờ biển Trung Lương là nơi tập trung hàng trăm chiếc thuyền, thúng để ngư dân thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đánh bắt hải sản gần bờ. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, Khu du lịch Trung Lương đã xây dựng tường rào, thường xuyên đóng cổng chắn lối đi, người dân không thể ra vào khu vực này để đi đánh bắt.
Đường mưu sinh bị bít lối
Ông Lê Văn Quất (51 tuổi, trú khu phố Trung Lương, xã Cát Tiến) hành nghề đánh bắt hải sản bằng phương tiện thuyền thúng ở khu vực biển Trung Lương đã hơn 30 năm nay. Mỗi ngày, ông Quất cùng nhiều ngư dân khác đều di chuyển bằng con đường mòn nối từ đường ĐT639 xuống bãi Nhỏ (sau Khu Du lịch Trung Lương) để đi khai thác.
Ông Quất cho biết, đây là con đường duy nhất hiện nay người dân có thể xuống khu vực bờ biển để di chuyển thuyền thúng đi đánh bắt cũng như vận chuyển hải sản lên bờ để buôn bán.
Bãi Nhỏ là nơi tập trung thuyền thúng của hơn 200 ngư dân đi đánh bắt hải sản gần bờ
Tuy nhiên, Khu du lịch Trung Lương đã xây dựng tường rào, thường xuyên đóng cổng chắn lối đi, người dân không thể ra vào khu vực này để đi đánh bắt.
“Chúng tôi yêu cầu không được bít con đường này vì đây là con đường mưu sinh của dân”, ông Quất nói.
Khu vực bãi Nhỏ có hơn 200 chiếc thuyền, thúng của người dân tập trung đi đánh bắt hải sản các loại. Thế nhưng hiện nay, Khu Du lịch Trung Lương đã xây dựng tường rào dọc theo tuyến đường ĐT639 và làm cổng ngõ ngay từ đầu tuyến đường mòn xuống bãi biển này.
Ông Lê Văn Quất cho biết đánh bắt hải sản là nghề thu nhập chính của gia đình ông
Ông Phạm Nay (57 tuổi, trú khu phố Trung Lương), ngư dân thường xuyên đi đánh bắt bằng thuyền thúng tại khu vực này phàn nàn: “Thời gian qua người dân chúng tôi vẫn thường xuyên ra vào tuyến đường này để đánh bắt. Bây giờ khu du lịch xây dựng tường rào, đóng cửa chặn lối đi khiến cho mưu sinh của người dân gặp khó”.
Cũng theo ông Nay, trước đây, khi UBND tỉnh Bình Định giao đất cho Khu du lịch Trung Lương xây dựng, người dân có nghe nói về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề. Tuy nhiên bao nhiêu năm qua, người dân vẫn chưa được chuyển đổi hay hỗ trợ gì?
7 năm vẫn chưa chuyển đổi nghề cho các hộ ngư dân
Theo tìm hiểu, năm 2015, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch, giao tổng diện tích 41,8ha cho Công ty TNHH Du lịch Trung Hội đầu tư xây dựng dự án Khu Du lịch Trung Lương.
Người dân phản ánh về việc khu du lịch chắn lối đi xuống biển
Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản đồng ý chủ trương cho kiểm đếm, di dời và hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho các hộ ngư dân tại khu vực dự án này. Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm ứng trước tiền để thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải phóng mặt bằng và được khấu trừ vào tiền thuê đất của dự án theo quy định.
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được các cấp ngành thực hiện.
Theo UBND huyện Phù Cát, vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định có công văn yêu cầu Công ty TNHH Du lịch Trung Hội có trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân địa phương sử dụng tuyến đường bê tông dẫn từ khu dã ngoại của Khu du lịch Trung Lương đến bãi biển để phục vụ đánh bắt, vận chuyển hải sản.
Qua kiểm tra, lối đi này có độ dốc lớn, gây khó khăn trong quá trình ngư dân vận chuyển hải sản.
Tường rào được xây dựng chặn lối xuống biển
Yêu cầu mở đường để người dân có lối đi
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, kiến nghị của bà con ngư dân về một lối đi thuận lợi để vận chuyển hải sản là chính đáng...
“Người dân lựa chọn khu vực này neo đậu tàu thuyền đảm bảo không bị ảnh hưởng thời tiết. Hiện không thể dời đi chỗ khác, trừ trường hợp chuyển đổi nghề. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp tạo điều kiện mở đường để người dân có lối đi. Đề nghị UBND tỉnh xem xét có ý kiến chỉ đạo giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên có liên quan”, ông Hưng nói.
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định Đặng Vĩnh Sơn cho rằng, từ khi UBND tỉnh có văn bản đồng ý chủ trương di dời, chuyển đổi nghề đến nay đã thay đổi nhiều vị trí lãnh đạo.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án không có sự tranh chấp giữa người dân với chủ dự án, dẫn đến quên lãng. Khi xảy ra sự việc, Ban quản lý khu kinh tế kiểm tra hồ sơ thì mới phát hiện có chủ trương di dời, chuyển đổi nghề...
Ban quản lý Khu kinh tế giao cho Ban quản lý dự án và Giải phóng mặt bằng Khu kinh tế phối hợp với UBND thị trấn Cát Tiến và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm kê, xây dựng phương án di dời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ dân đánh bắt hải sản bằng thúng tại Khu du lịch Trung Lương theo chủ trương trên.
Trong thời gian xây dựng phương án và tổ chức lấy ý kiến các hộ dân, đề nghị Công ty TNHH Du lịch Trung Hội tạo điều kiện cho ngư dân sử dụng tuyến đường mòn tại khu vực đỗ xe sau villa mẫu để phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản.
“Sau khi xây dựng phương án, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND thị trấn Cát Tiến tổ chức họp lấy ý kiến các hộ dân ảnh hưởng, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo”, ông Sơn nói.
Theo vietnamnet.vn