Khi tình yêu môi trường làm nên sáng chế
25/02/2022TN&MTVới kiến thức có được trong quá trình học tập, cộng với tình yêu thiên nhiên, môi trường, nhiều học sinh cấp THCS, THPT trong tỉnh đã có sáng chế hữu ích giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Cô giáo Lê Thị Lan Hương và 2 học sinh Phạm Yến Nhi, Nguyễn Xuân Huy (Trường THPT Hàm Rồng) thực nghiệm làm son môi từ hạt na.
Thực hiện Mô hình "Bức tường bóng khí ngăn chặn và thu gom rác thải nhựa tại các cửa sông đổ ra biển” cả nhóm 5 học sinh Trường THPT Lương Đắc Bằng và Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa), vinh dự đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, năm 2021. Ý tưởng xuất phát từ mong muốn bảo vệ môi trường tại vùng biển quê hương mình. “Em nhận thấy rác thải, nhất là rác thải nhựa trên các con sông khá nhiều, nếu không được xử lý sẽ đổ ra biển, gây nguy hại và làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật biển, từ đó tác động xấu đến môi trường sống của con người”, em Phạm Văn Đoàn, Trường THPT Lương Đắc Bằng, một thành viên trong nhóm, cho biết. Theo tìm hiểu của các em, hiện nay các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã có nhiều hành động thiết thực, như tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp Nhân dân; khuyến khích sử dụng đồ dùng từ vật liệu thân thiện có thể tái chế thay thế đồ dùng bằng nhựa; thực hiện phân loại rác thải từ nguồn trước khi đem đi xử lý... Vì vậy, các em mong được đóng góp công sức, trí tuệ bằng sáng chế thiết thực chung tay bảo vệ môi trường sống.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu kỹ từ các nguồn tài liệu, cùng sự trợ giúp của thầy cô giáo, nhóm học sinh nhận thấy bóng khí trong bể cá một phần cung cấp khí oxy cho cá, còn tạo ra một lực đẩy giúp các rác ở dưới đáy bể nổi lên, lại không ảnh hưởng đến hoạt động của cá. Chính vì thế nhóm đã thử nghiệm lắp đặt các viên đá sủi oxy gần nhau và cho khí nén thổi qua để tạo nên một bức tường bóng khí, đẩy một số vật dưới đáy hay các vật lơ lửng lên khỏi mặt nước, đồng thời tạo một tường chắn ngăn không cho các vật này sang mặt phẳng bên kia. Nhờ đó, nhóm đã tạo ra một bức tường bóng khí lắp đặt ở vùng cửa sông để tập kết, thu gom, ngăn rác thải nhựa trôi ra biển. Không dừng lại ở việc được giải, nhóm học sinh này tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sáng chế, với mong muốn có thể áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, bức tường bóng khí được lắp đặt hệ thống cảm biến tự động để có thể tự phát hiện rác thải, khởi động hệ thống thu gom và lọc rác, tự động ngắt khi không làm việc. Đồng thời lắp đặt hệ thống camera trên bờ để khi rác thải được thu gom xong sẽ báo về trung tâm đưa lên bờ và thực hiện xử lý.
Khi được hỏi các em về chi phí phục vụ nghiên cứu, mua nguyên vật liệu làm mô hình, em Lê Tiến Lực, Trường THPT Lương Đắc Bằng, thuộc nhóm tác giả cho biết: “Ngoài sự ủng hộ của các thầy cô giáo, chúng em còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cựu học sinh của trường về làm mô hình, sự động viên của bố mẹ. Mọi người đều chung suy nghĩ vì môi trường sống là vì chúng ta. Điều này khiến chúng em có thêm động lực”.
Nhóm tác giả Mô hình “Bức tường bóng khí ngăn chặn và thu gom rác thải nhựa tại các cửa sông đổ ra biển” ở Trường THPT Lương Đắc Bằng.
2 học sinh Phạm Yến Nhi và Nguyễn Xuân Huy, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), đã dùng sản phẩm son dưỡng môi làm Dự án “Chiết xuất axit Oleic từ dầu hạt na làm son môi” để thể hiện tình yêu môi trường và mong muốn góp sức nhỏ giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Sản phẩm đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn tỉnh dành cho học sinh trung học lần thứ 8, năm học 2020 - 2021. Yến Nhi nhận thấy mỹ phẩm thiên nhiên đang là xu hướng của phụ nữ, nó không những an toàn cho sức khỏe người dùng mà còn an toàn cho môi trường khi nguyên liệu sử dụng là những thành phần tự nhiên hoặc có thể tái chế từ những phế phẩm nông nghiệp. Với suy nghĩ đó hai cô cậu học trò mạnh dạn nghiên cứu, sáng chế son dưỡng môi làm từ hạt na ép lạnh. Xuân Huy cho biết “Hạt na đang được xem là rác, đem vứt bỏ và chưa được tận dụng để tái chế, mà qua nghiên cứu chúng em nhận thấy trong hạt na chứa nhiều axit Oleic là loại axit béo giúp giữ ẩm, dưỡng da, có lợi cho tim mạch, trí nhớ”. Tuy nhiên, hạt na có độc tố, vì vậy việc tách chiết thành phần đòi hỏi kỹ thuật, máy móc, kiểm nghiệm. “Để cổ vũ tình yêu môi trường của hai em cũng như khuyến khích các dự án liên quan đến môi trường, tôi và ban giám hiệu nhà trường đã hỗ trợ tích cực, liên hệ với nhà khoa học giúp đỡ các em hoàn thiện ý tưởng”, giáo viên Lê Thị Lan Hương, Trường THPT Hàm Rồng, cho biết. Sau khi kiểm nghiệm, sản phẩm được chứng thực về tính an toàn, chất lượng và sự thân thiện với người dùng.
Thầy giáo Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng nhận xét: “Các em học sinh ngày càng nhận thức sâu sắc hơn và có trách nhiệm hơn về vấn đề bảo vệ môi trường sống, chứng minh bằng việc ngày càng có nhiều mô hình, sản phẩm khoa học liên quan đến môi trường, sử dụng sản phẩm tái chế”...
Dẫu rằng những sáng chế trên còn phải cần thời gian để đi vào thực tiễn, nhưng đó là những ý tưởng sáng tạo, nhân văn, có thể giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo baothanhhoa.vn