Khí hậu nóng lên, xương rồng lê gai được chọn trồng ở miền nam khô hạn của Italia
01/12/2024TN&MTHiện tượng nóng lên toàn cầu, hạn hán và bệnh thực vật đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với ngành nông nghiệp ở miền nam khô cằn của Italia, nhưng một công ty khởi nghiệp đã tìm ra giải pháp trồng cây xương rồng lê gai (Opuntia Ficus).
Một công nhân đang thu hoạch xương rồng lê gai, cây chịu được nhiệt độ khắc nghiệt, tại một trang trại ở tỉnh Al Qalyubia, Ai Cập
Andrea Ortenzi đã thấy được tiềm năng của loài cây này cách đây 20 năm khi làm việc cho Telecom Italia ở Brazil, nơi loài cây này được sử dụng rộng rãi làm thức ăn cho động vật. Khi trở về Italia, ông bắt đầu tìm cách đưa loại cây này thành cơ hội kinh doanh.
Andrea Ortenzi và bốn người bạn đã thành lập công ty có tên là Wakonda năm 2021 và bắt đầu mua đất để trồng ở vùng phía nam Puglia, nơi những cây ô liu truyền thống chiếm ưu thế đã bị tàn phá bởi một loại bệnh do côn trùng lây truyền có tên là Xylella.
Trong số khoảng 100.000 ha cây ô liu bị Xylella tàn phá ở Puglia, chỉ có 30.000 ha sẽ được trồng lại theo cách tương tự. "Có khả năng trồng 70.000 ha bằng cây xương rồng lê gai", ông Ortenzi nói.
Thiệt hại do bệnh thực vật gây ra trầm trọng hơn do hạn hán liên tục và thời tiết khắc nghiệt trong vài năm qua trên khắp đất liền và các đảo phía nam của Italia, ảnh hưởng đến các loại cây trồng từ nho đến trái cây họ cam, quýt.
Andrea Ortenzi tin rằng, cây xương rồng lê gai cứng cáp và đa năng có thể là một giải pháp thu lợi nhuận cao, tạo ra nhiều sản phẩm như nước giải khát, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.
Doanh nhân người Italia này không phải là người duy nhất thấy được tiềm năng của loại cây đang được trồng rộng rãi ở các vùng nóng và khô trên khắp thế giới.
"Là một ngành công nghiệp, sản xuất xương rồng lê gai đang phát triển khá nhanh, đặc biệt là để làm thức ăn chăn nuôi và làm nguồn nhiên liệu sinh học", bà Makiko Taguchi, cán bộ nông nghiệp tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) có trụ sở tại Rome cho biết.
Cây xương rồng lê gai chưa được đưa vào số liệu thống kê sản lượng nông nghiệp của FAO, nhưng bà Taguchi đã trích dẫn sự mở rộng nhanh chóng một mạng lưới liên lạc của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp về xương rồng lê gai trên toàn thế giới mà bà điều phối.
FAO đã ra mắt nhóm trực tuyến vào năm 2015 với 69 thành viên. Hiện nhóm có 933 thành viên ở 82 quốc gia.
Cây xương rồng lê gai là một loại quả ngon được ưa thích ở nhiều nước Mỹ Latinh và Địa Trung Hải, trong khi ở Mexico, những miếng đệm màu xanh phẳng tạo thành cánh tay của cây xương rồng được sử dụng để nấu ăn.
Ở Brazil, nơi có sản lượng lớn nhất thế giới, cây được trồng chủ yếu ở phía đông bắc để làm thức ăn chăn nuôi, trong khi Peru và Chile cây được dùng để chiết xuất một loại thuốc nhuộm màu đỏ được gọi là Cochineal, sử dụng trong sản xuất thực phẩm và mỹ phẩm.
Xương rồng lê gai có nguồn gốc từ các vùng sa mạc ở Nam và Bắc Mỹ, phát triển mạnh trong điều kiện ngày càng khô cằn của miền Nam Italia và cần ít nước hơn ngô gấp mười lần.
Cho đến nay, công ty Wakonda, mới chỉ trồng 10 ha xương rồng với 40.000 cây trên một ha, nhưng Andrea Ortenzi có kế hoạch trồng 300 ha vào cuối năm 2025.
Ortenzi cho biết về lâu dài, khả năng có thể còn lớn hơn nữa, xét đến việc hơn một triệu ha đất canh tác đã bị bỏ hoang ở Italia trong những thập kỷ gần đây vì biến đổi khí hậu khiến việc sản xuất các loại cây trồng truyền thống trở nên khó khăn hơn.
Mô hình kinh doanh của Wakonda loại bỏ trái cây và thay vào đó tập trung vào các miếng đệm gai xương rồng, được ép để tạo ra nước ép dùng làm đồ uống năng lượng có hàm lượng calo thấp, giàu dinh dưỡng. Các miếng đệm khô sau đó được chế biến để sản xuất bột nhẹ cho ngành công nghiệp thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi giàu protein.
Khí hậu nóng lên, xương rồng lê gai được chọn trồng ở miền nam khô hạn của Italia ảnh 1
Ông Andrea Ortenzi rót thức uống ít calo làm từ quả xương rồng lê gai ép tại trụ sở Wakonda ở Rome, Italia.
Hệ thống sản xuất sinh thái tuần hoàn của Wakonda bao gồm các hầm sinh học trong đó chất thải từ chu trình đầu ra được chuyển đổi thành khí mêtan sử dụng làm nhiên liệu sinh học tại chỗ hoặc để bán. Công ty, hiện có 37 cổ đông, đang liên hệ với đối tác để phát triển sản phẩm của mình.
Theo kế hoạch kinh doanh, thay vì mua đất để trồng xương rồng, Wakonda hướng đến mục tiêu thuyết phục nông dân về tiềm năng của cây và sau đó cấp phép cho họ. "Đất vẫn là của bạn, bạn chuyển đổi trồng cây xương rồng lê gai và chúng tôi bảo đảm sẽ mua toàn bộ sản phẩm đầu ra của bạn trong ít nhất 15 năm", ông Ortenzi cho biết.
Theo nhandan.vn