Khánh Hòa: Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, xử lý rác thải tại nguồn
27/08/2024TN&MTVấn đề ô nhiễm môi trường ven biển như hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm nguồn sống cho người dân. Dưới đây là một số vấn đề cần có giải pháp cơ bản nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng sự phát triển tài nguyên và môi trường biển và hải đảo.
Trong những năm qua, các vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến nghề nuôi tôm hùm, cá biển ngày càng khó khăn. Để nuôi trồng thủy sản trên biển đạt hiệu quả, người nuôi cần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường chung, trong đó việc hạn chế rác thải nhựa là rất quan trọng chưa có cách xử lý những vật dụng như: Bị bóng đựng thức ăn; rác thải nhựa; túi ni-lông trôi nổi trên mặt biển, theo sóng, gió tấp kín vào ven bờ thành từng lớp dày. Không chỉ vậy, một số người còn xả thẳng ra môi trường vỏ chai thuốc thú y thủy sản, thùng nhựa đã qua sử dụng,…
Bị bóng đựng thức ăn, rác thải nhựa, túi ni-lông trôi nổi trên mặt biển, theo sóng, gió tấp kín vào ven bờ
Theo thống kê, huyện Vạn Ninh vùng ven biển chủ yếu nuôi thủy sản với khoảng hơn 80% lồng nuôi tôm, 30% lồng nuôi các loại cá biển. Theo ước tính của các hộ nuôi, mỗi ngày, 1 lồng tôm hùm loại 1kg/con tiêu thụ hơn 2,5kg thức ăn tươi; 1 lồng nuôi cá bớp loại 3 - 4kg/con mỗi ngày tiêu thụ hơn 6kg thức ăn tươi. Với lượng thức ăn tươi phục vụ nuôi thủy sản lồng bè lớn kèm theo đó là các bị bóng đựng thức ăn, túi ni-lông, nếu không được thu gom đưa vào bờ thì lượng túi ni-lông thải ra biển sẽ rất lớn. Những năm gần đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vùng nuôi, việc thu gom rác sinh hoạt, túi ni-lông đưa vào bờ được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ xả rác xuống biển, tình trạng túi ni-lông bám vào các lồng nuôi, cản trở lưu thông dòng nước,…
Bị bóng đựng thức ăn; rác thải nhựa, túi ni-lông là của những người nuôi trồng nuôi trồng thủy sản cho ăn rồi văng xuống biển
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giáo viên Trường Tiểu học Đại Lãnh, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa cho biết, việc ô nhiễm môi trường vùng ven biển như hiện nay đang là vấn đề cấp bách, cần có sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường biển, nếu không xử lý ngay từ đầu sẽ ảnh hưởng biển về lâu về dài. Đặc biệt, hiện nay việc người dân và các tổ chức nuôi trồng thủy sản nhưng không có cách xử lý những vật dụng gồm túi ni-lông, bị bóng đựng thức ăn sau khi sử dụng người dân cứ văng xuống biển. Sóng to, gió lớn sẽ tấp vào bờ đầy bãi. Mặt khác, hiện nay một số nơi nuôi trồng thủy sản nhưng môi trường ảnh hưởng làm cho nước ô nhiễm dẫn đến nhiều vùng làm cá, tôm hùm chết. Bên cạnh đó, là những khu du lịch không có đội dọn vệ sinh nên những du khách đến tham quan chưa có ý thức xả bừa bãi cũng ảnh hưởng làm mất cảnh quan khu du lịch,…
Nhóm môi trường với tinh thần tự nguyện thu gom rác thải bờ biển vào 5 giờ sáng Chủ nhật hàng tuần
Thực tế cho thấy, hàng ngày con người thải ra một lượng rác rất lớn, dù có đội lao công thu gom rác thường xuyên nhưng vẫn có sự thất thoát, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường biển. Hiện có tình trạng, con người vô tâm với biển. Tại các khu, điểm du lịch biển, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên, triệt để. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… Hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển,…
Cần nhân rộng mô hình tham gia bảo vệ môi trường biển
Để giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, trong đó có nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển. Qua đó, Bộ NN&PTNN đã ban hành kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản, giai đoạn 2020 - 2030. Đối với trách nhiệm của địa phương, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan liên quan thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa tại các cảng cá, bến cá, khu tập trung dân cư ven biển,… nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện của địa phương.
Cùng chung tay lượm rác bãi biển
Theo tìm hiểu, đối với việc thu gom rác thải trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hiện nay có một số vùng nuôi như: Cam Lập, TP. Cam Ranh, vịnh Nha Trang, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh,… người nuôi rất ý thức trong việc giữ gìn môi trường chung. Cụ thể, người nuôi không vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi ra biển mà hàng ngày vệ sinh, đưa rác đến điểm tập kết, sau đó có ghe chuyên chở vào bờ để xử lý. Tuy nhiên, còn một số vùng như xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, khánh Hòa vẫn còn ô nhiễm môi trường vùng ven biển như hiện nay đang là vấn đề cấp bách, chúng ta cần bảo vệ môi trường biển, cần tăng cường kiểm tra giám sát, tuyên truyền sâu rộng về công tác quản lý, xử lý rác thải tại nguồn.
>>> Chung tay bảo vệ môi trường biển của các bạn nhỏ ở Khánh Hòa
>>> Khánh Hòa: Cần nhân rộng mô hình tham gia bảo vệ môi trường
Sỹ Tùng