Khai thác bất hợp pháp: Mối đe dọa đến đa dạng sinh học biển và môi trường
08/10/2024TN&MTTình trạng khai thác bất hợp pháp đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Việt Nam, gây ra những tổn thất không chỉ đối với tài nguyên biển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và đời sống cộng đồng ngư dân. Dù đã có những nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, vấn nạn này vẫn diễn ra tràn lan, đe dọa sự phát triển bền vững của biển cả và hệ sinh thái biển.
Theo điều 72 Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nhà nước quy định về việc khai thác bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Điều này có nghĩa là sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển và hải đảo một cách có kiểm soát, hợp lý và khoa học, bao gồm việc bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản và môi trường biển khỏi các tác động tiêu cực do khai thác quá mức, ô nhiễm hay khai thác không đúng quy định. Như vậy, việc khai thác bền vững các tài nguyên biển đối với môi trường là vô cùng quan trọng, nhưng điều này vẫn chưa được chú trọng và chưa có phương án giải quyết phù hợp.
Khai thác bất hợp pháp và hệ lụy đối với môi trường biển
Hệ sinh thái biển là một mạng lưới phức tạp, ở đó các loài sinh vật tồn tại và phát triển trong các mối quan hệ mật thiết với nhau. Khai thác bất hợp pháp, không tuân thủ các quy định pháp luật, đã và đang tạo nên nhiều vấn đề cho hệ sinh thái biển của Việt Nam. Việc khai thác bất hợp pháp, đặc biệt là trong các khu vực nhạy cảm như rạn san hô, không chỉ làm suy giảm số lượng cá và các loài thủy sản mà còn làm mất đi môi trường sống của hàng loạt loài sinh vật khác.
Ngoài việc làm suy giảm đa dạng sinh học, các hành vi khai thác trái phép còn phá hoại nghiêm trọng cấu trúc tự nhiên của các khu vực ven biển. Các phương pháp khai thác bừa bãi như sử dụng chất nổ, chất độc hay lưới điện có thể tàn phá toàn bộ hệ sinh thái, gây ra sự diệt vong hàng loạt cho các loài sinh vật biển và làm biến đổi cảnh quan tự nhiên. Những rạn san hô bị phá hủy không chỉ ảnh hưởng đến các loài sinh vật sống tại đó mà còn làm suy yếu khả năng chống xói mòn của bờ biển, tăng nguy cơ thiên tai cho con người. Diện tích các rạn san hô bị mất tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung.
Theo báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020”, diện tích thảm cỏ biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên ước tính giảm khoảng 40-60%; diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 70%. Khoảng 48% số rạn san hô trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng và khoảng 12% diện tích các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.
Sự suy giảm nghiêm trọng của rạn san hô Cô Tô cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của khai thác trái phép tới tài nguyên biển
Song song với những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, khai thác IUU còn góp phần lớn vào việc làm ô nhiễm môi trường biển. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự xả thải không kiểm soát từ các tàu thuyền khai thác trái phép. Các tàu cá thường xả thải trực tiếp xuống biển, bao gồm dầu mỡ, rác thải nhựa và chất thải sinh hoạt mà không qua bất kỳ biện pháp xử lý nào. Những hành vi này làm ô nhiễm nguồn nước, tạo ra những vùng biển "chết" - nơi không có đủ điều kiện để sinh vật biển tồn tại và phát triển.
Tàu thuyền xả thải trực tiếp xuống biển mà không qua biện pháp xử lý nào
Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Ngoài ô nhiễm từ rác thải, hoạt động khai thác trái phép còn gây ra hiện tượng mất cân bằng dinh dưỡng trong các khu vực ven biển. Việc khai thác tận thu các loài sinh vật biển, bao gồm cả rong mơ và các loài sinh vật còn non, đã làm suy giảm nghiêm trọng khả năng tự phục hồi của môi trường biển.
Nguyên nhân của tình trạng khai thác IUU
Tình trạng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam đang trở thành một vấn đề nhức nhối, với nhiều nguyên nhân sâu xa và phức tạp.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khai này gây nên ô nhiễm môi trường biển tại Việt Nam có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng phần lớn đều liên quan đến áp lực sinh kế và quản lý yếu kém.
Đối với ngư dân Việt Nam, có thể nói biển cả không chỉ là môi trường sống mà còn là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, sự suy giảm nguồn lợi hải sản gần bờ do khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường khiến họ rơi vào tình thế khó khăn, buộc phải tìm đến các vùng biển xa hơn, thậm chí là vượt ra ngoài ranh giới lãnh hải để duy trì sinh kế. Những quyết định này, mặc dù là những giải pháp tạm thời cho cuộc sống, lại dẫn đến tình trạng khai thác trái phép, gia tăng áp lực lên môi trường biển và hủy hoại đa dạng sinh học.
Bày tỏ về mối quan ngại này, ngư dân Nguyễn Văn Hào, sống tại vùng ven biển Quảng Ngãi cũng chia sẻ thêm: “Ngày xưa chỉ cần ra biển 3-4 km là đã có nhiều cá, nhưng bây giờ phải đi rất xa mà đôi khi vẫn về tay không”.
Theo chia sẻ của TS. Đặng Trung Tú ở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng sâu xa nhất vẫn là vấn đề về nhận thức”. Không ít ngư dân vẫn còn coi nhẹ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, chưa nhận thức rõ về hậu quả lâu dài của việc khai thác IUU đối với môi trường biển và tương lai của các nguồn lợi biển. Họ thường xem việc vượt ranh giới khai thác hoặc không tuân thủ quy định là "chuyện bình thường", trong khi đó, những tổn hại đến hệ sinh thái biển và nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi sinh vật biển là rất nghiêm trọng.
Bên cạnh áp lực kinh tế, sự yếu kém trong hệ thống quản lý và giám sát cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng này. Mặc dù đã có những quy định pháp luật nghiêm ngặt về khai thác biển, nhưng việc thực thi điều này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ở nhiều địa phương, cơ quan chức năng chưa đủ nguồn lực để giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, dẫn đến việc kiểm tra và xử phạt không hiệu quả. Sự thiếu nhất quán trong quản lý từ trung ương đến địa phương cũng tạo ra những khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp gây hại cho môi trường biển và làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.
Đề xuất một số giải pháp cải thiện
TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết: “Hiện nay, tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái rất nghiêm trọng do những tác động bên ngoài từ ô nhiễm môi trường, khai thác trái phép, đô thị hóa,… Bởi vậy, cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển khỏi khai thác IUU, phục vụ phát triển kinh tế bền vững ngay từ bây giờ”.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, Nhà nước cùng các cơ quan liên ngành cần áp dụng các giải pháp toàn diện, chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của ngư dân.
Trước hết, việc hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường thực thi là điều kiện tiên quyết. Chia sẻ trong Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ: “Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định, trong đó có quy định về xử lý vi phạm; đồng thời nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân”.
Song song, các cơ quan chức năng cần phải tổ chức các đội giám sát cộng đồng để đồng quản lý, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm. Một chế độ xử phạt nghiêm minh và kịp thời sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả đối với những ngư dân và doanh nghiệp cố tình vi phạm.
Đối với ngư dân Việt Nam, có thể nói biển cả không chỉ là môi trường sống mà còn là nguồn thu nhập chính
Cùng với đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ giám sát, đặc biệt là hệ thống theo dõi tàu cá tự động (VMS). Việc áp dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp theo dõi các tàu cá trong quá trình hoạt động mà còn phát hiện kịp thời những hành vi khai thác trái phép. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống chung về tàu cá, ngư trường và sản phẩm đánh bắt chất lượng. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý theo dõi giám sát sao hoạt động khai thác thác, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp để bảo vệ nguồn lợi biển và ngăn chặn ô nhiễm.
Một yếu tố quan trọng khác đó chính là việc nâng cao nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp và bảo vệ môi trường nói chung và các nguồn lợi biển nói riêng. Các chương trình tuyên truyền, giáo dục cần được triển khai sâu rộng, nhấn mạnh những tác động tiêu cực của khai thác IUU đối với môi trường và hệ sinh thái biển. Cần khuyến khích ngư dân tham gia vào các mô hình khai thác bền vững, cũng như hỗ trợ họ trong việc chuyển đổi sang các phương thức mưu sinh khác như nuôi trồng thủy sản hoặc tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái.
Chia sẻ thêm về điều này, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực phát triển, nếu mọi người dân làm tốt, thực hiện hiệu quả thì cả nước mới làm tốt, thực hiện hiệu quả. Cần làm sao để người dân có ý thức, thực hiện nghiêm "đi khai, về báo" một cách tự giác vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng, của đất nước”.
Anh Vũ Văn Trung, một ngư dân ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Trước mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi đều được các anh ở Đồn Biên phòng Quỳnh Phương gặp gỡ tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ rõ cụ thể vùng nào là ngư trường mình được phép khai thác đánh bắt hải sản, vùng nào không được phép. Mỗi 1 lần đi là 1 lần được các anh dặn dò tỉ mỉ nên những người lớn tuổi như tôi vẫn thường tự bảo nhau, phải làm gương cho lớp trẻ để họ noi theo mình, vì thế chúng tôi không bao giờ vi phạm quy định”.
Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ giám sát, đặc biệt là hệ thống theo dõi tàu cá tự động (VMS)
Mặt khác, hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát tình trạng khai thác IUU và bảo vệ môi trường biển. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các hiệp định và thỏa thuận song phương và đa phương nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý khai thác. Không chỉ vậy, trong nỗ lực hợp tác quốc tế để chống lại khai thác IUU, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác là vô cùng quan trọng.
Điển hình là Thái Lan, một trong những quốc gia đã thành công trong việc gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” từ EC. Kinh nghiệm của Thái Lan có thể được coi là một bài học quý báu cho Việt Nam trong việc cải thiện và hoàn thiện khung pháp lý, cũng như triển khai các biện pháp quản lý nghề cá bền vững. Một trong những giải pháp đầu tiên và cấp bách của Thái Lan là sửa đổi ngay lập tức khung pháp lý, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế về quản lý nghề cá. Các biện pháp quốc gia như biện pháp treo cờ, biện pháp quốc gia có cảng, biện pháp ven biển, và biện pháp thị trường được triển khai song song với việc áp dụng mức xử phạt nghiêm khắc. Việc này không chỉ giúp Thái Lan tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế mà còn tăng cường tính răn đe đối với các hành vi khai thác bất hợp pháp.
Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các biện pháp pháp lý, công nghệ, tuyên truyền và hợp tác quốc tế, Việt Nam mới có thể giải quyết tận gốc vấn nạn khai thác IUU, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn bộ nguồn lợi biển. Những giải pháp đồng bộ này không chỉ bảo vệ nguồn tài nguyên biển mà còn đảm bảo sinh kế cho hàng triệu ngư dân, góp phần xây dựng một môi trường biển Việt Nam toàn vẹn.
Thu Hường
Học viện Báo chí và Tuyên truyền