Khai mạc COP29: Việt Nam cùng thế giới đoàn kết vì hành động khí hậu quyết liệt hơn
11/11/2024TN&MTNgày 11/11, Hội nghị COP29 - Hội nghị lần thứ 29 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) - chính thức khai mạc tại Baku, Azerbaijan, với sự tham gia của hơn 51.000 đại biểu đến từ nhiều quốc gia. Đoàn Việt Nam góp mặt với đại diện từ các bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các cam kết về khí hậu của Việt Nam. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục, tạo thêm động lực cho các hành động quyết liệt nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch COP29, ông Mukhtar Babayev phát biểu khai mạc
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch COP29, ông Mukhtar Babayev, và đại diện các tổ chức quốc tế đã nhấn mạnh tính khẩn cấp của việc tăng cường hành động khí hậu. Trong đó, tài chính khí hậu là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm. Ban đầu, các quốc gia phát triển cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo, song con số này ngày càng trở nên thiếu hụt trước nhu cầu thực tế. Do đó, các quốc gia đang phát triển đã kêu gọi nâng mức hỗ trợ lên 1.000 tỷ USD, trong đó ưu tiên viện trợ không hoàn lại thay vì các khoản vay. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận về tài chính khí hậu không dễ dàng. Mỹ và Đức, hai quốc gia đóng góp lớn, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tạo ra lo ngại về tính bền vững của các cam kết tài trợ.
Bà Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Đức, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm nhiệt độ toàn cầu: “Mỗi phần nhiệt độ được ngăn chặn sẽ giảm đi một cuộc khủng hoảng, ít đi một thảm họa, và bớt đi những cuộc di cư.” Bên cạnh đó, ông Chukwumerije Okereke, Giám đốc Trung tâm Khí hậu và Phát triển Nigeria, cảnh báo rằng không đạt được mục tiêu tài chính là “ký vào bản án tử” cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
Nội dung trọng tâm của COP29: Thích ứng và chuyển đổi công bằng
COP29, diễn ra từ ngày 11 đến 22/11, tập trung vào 7 lĩnh vực trọng điểm, tiếp nối các thỏa thuận đạt được tại COP28 và các cuộc họp trước đó. Một trong các ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hành động thích ứng khí hậu, bao gồm thực hiện Mục tiêu Thích ứng Toàn cầu (GGA) và cải thiện Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP). Các nước cũng thảo luận về Quỹ Tổn thất và Thiệt hại - một kết quả quan trọng từ COP28 nhằm hỗ trợ những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mặc dù cam kết ban đầu là 700 triệu USD, nhiều quốc gia vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp.
COP29, diễn ra từ ngày 11 đến 22/11, tập trung vào 7 lĩnh vực
Giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng cũng là những điểm nhấn chính của COP29. Các đại biểu đang thảo luận cách hoàn thiện các quy định về tín chỉ carbon và cơ chế bù trừ phát thải theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giúp các quốc gia thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) từ năm 2025 đến 2035. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi công bằng - đảm bảo các biện pháp hỗ trợ hợp lý cho những ngành công nghiệp và cộng đồng bị ảnh hưởng khi từ bỏ năng lượng hóa thạch.
Vai trò và cam kết của Việt Nam tại COP29
Đoàn Việt Nam tại COP29 bao gồm đại diện của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp lớn, với cam kết kiên định thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, thể hiện quyết tâm biến những cam kết quốc tế thành hành động thực tế. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ yêu cầu các quốc gia phát triển đảm bảo minh bạch nguồn lực tài chính khí hậu và tăng cường hỗ trợ cho cả thích ứng và giảm nhẹ.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự COP 29
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ rằng Việt Nam đến với COP29 với khẩu hiệu “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”. Việt Nam ủng hộ quan điểm rằng các khoản tài trợ khí hậu cần được cân bằng giữa thích ứng và giảm nhẹ, đặc biệt khi hiện nay có tới 90% nguồn lực toàn cầu dành cho giảm nhẹ phát thải. Đoàn Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ hơn và thực hiện các cam kết tài chính khí hậu để giúp các nước dễ bị tổn thương nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động.
Ngoài các hoạt động chính, đoàn Việt Nam sẽ tham gia nhiều phiên thảo luận bên lề về tài chính, năng lượng tái tạo, công nghệ và phát triển bền vững. Những phiên thảo luận này không chỉ là cơ hội để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận hợp tác, mà còn là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngọc Huyền