Hội nghị Bộ trưởng môi trường EU đạt thỏa thuận về các luật khí hậu
29/06/2022TN&MTSau hơn 16 giờ đàm phán, rạng sáng 29/6, các Bộ trưởng môi trường của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về các luật được đề xuất nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó ủng hộ kế hoạch đến năm 2035 không mua bán mới ô-tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Khí thải CO2 thoát ra từ một nhà máy điện ở Nochten, Đức ngày 22/3/2022.
Các bộ trưởng đã thống nhất một số lập trường chung về 5 luật, trong khuôn khổ một gói biện pháp lớn hơn nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính trong thập kỷ này.
Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans cho biết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu và các hậu quả của nó đã quá rõ ràng, vì vậy chính sách nói trên là không thể tránh khỏi”.
Tại hội nghị diễn ra ở Luxembourg, các Bộ trưởng môi trường EU ủng hộ những nội dung cốt lõi trong gói biện pháp mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mùa hè năm ngoái, trong đó có luật quy định tất cả xe ô-tô mua mới trong lãnh thổ EU phải đáp ứng tiêu chí không thải khí CO2 từ năm 2035. Luật này cũng đồng nghĩa với việc không mua bán mới các loại xe sử dụng động cơ đốt trong.
Thỏa thuận mà các bộ trưởng vừa đạt được sẽ tạo thành quan điểm chung của họ trong các cuộc thảo luận sắp tới với Nghị viện châu Âu (EP) để chốt nội dung của các luật.
Các đề xuất khí hậu nói trên nhằm bảo đảm 27 quốc gia EU đạt được mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng của khối vào năm 2030 so với mức năm 1990.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, các chính phủ và doanh nghiệp sẽ phải tăng cường đầu tư cho hoạt động sản xuất xanh hơn, năng lượng tái tạo và phương tiện chạy bằng điện.
Các bộ trưởng cũng ủng hộ một thị trường carbon mới của EU nhằm áp đặt phí phát thải CO2 đối với các loại nhiên liệu gây ô nhiễm sử dụng trong giao thông vận tải và trong các tòa nhà. Thị trường này dự kiến được khởi động vào năm 2027, chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng, các bộ trưởng đã nhất trí thành lập một quỹ trị giá 59 tỷ euro nhằm giúp người có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng bởi chính sách áp phí khí thải nói trên trong thời gian từ năm 2027-2032.
Ngoài ra, các bộ trưởng môi trường EU cũng ủng hộ những cải cách đối với thị trường carbon hiện nay của khối, theo đó buộc ngành công nghiệp và các nhà máy điện phải trả tiền phát thải CO2. Hội nghị đã nhất trí các nội dung cốt yếu trong đề xuất của EC về củng cố thị trường carbon nhằm giảm 61% lượng khí thải vào năm 2030 và mở rộng áp dụng đối với vận tải biển.
Các bộ trưởng cũng đạt thống nhất về 2 luật khác nhằm nâng cao các mục tiêu giảm khí thải cấp quốc gia mà Brussels đã đặt ra đối với các nước thành viên EU trong một số lĩnh vực, đồng thời tăng cường khả năng lưu giữ CO2 của các “bể chứa” tự nhiên như rừng.
Theo nhandan.vn