Hòa Bình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng
04/10/2021TN&MTHòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có 6 dân tộc anh em gồm: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông cùng chung sống. Được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, nhiều vùng đồi núi, rừng, trang trại lớn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên còn mang đậm những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú và phong tục tập quán truyền thống còn được giữ gìn bảo tồn trong nhiều xóm, bản. Đây là nơi được đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, quê hương của Sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước”.
Ảnh minh họa
Phát huy tốt bản sắc văn hóa đặc thù
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình: Hòa Bình có 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh cùng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc,… Ngoài ra, Hòa Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều hang động đẹp cùng các khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, phong phú về hệ sinh thái và động, thực vật,… Hồ Hòa Bình có phong cảnh non nước hữu tình có tiềm năng, điều kiện thuận lợi để du lịch Hòa Bình phát triển. Tỉnh Hòa Bình được biết đến với những đặc sản nổi tiếng như: Cam Cao Phong, Mía tím, Bưởi đỏ Tân Lạc, các trang trại trồng rau hữu cơ, cá lòng hồ Hòa Bình, Gà Lạc Sơn,…Trong những năm qua, loại hình du lịch sinh thái cộng đồng (CĐ) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được quan tâm đầu tư phát triển tương đối nhanh.
Hiện tại, Hòa Bình có các mô hình hoạt động du lịch là: Mô hình hợp tác xã như: Bản Lác, Xã Hang Kia (Mai Châu); mô hình hoạt động du lịch CĐ theo chi hội (các bản Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng Huyện Lạc Sơn); mô hình hoạt động theo công ty cổ phần (Đà Bắc); hoạt động độc lập (Có đăng ký với chính quyền địa phương). Tổng số cơ sở lưu trú 132 nhà nghỉ CĐ. Số lượng khách chiếm khoảng 15,1% trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh, tổng doanh thu chiếm 16%. Du lịch CĐ ở Hòa Bình đã có thương hiệu và được nhiều du khách quốc tế rất yêu thích.
Có thể khẳng định rằng, loại hình du lịch CĐ gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, nông nghiệp nông thôn hiện đang là xu thế, đã và đang phát triển với nhiều mô hình khác nhau. Phát triển du lịch biến những lợi thế đặc trưng của CĐ các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch và góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của CĐ dân cư, BVMT tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trong điều kiện cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, với nông nghiệp nông thôn là hợp lý và cần thiết, thúc đẩy kinh tế du lịch song hành cùng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.
Để phát triển loại hình du lịch này, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm thúc đẩy phát triển du lịch CĐ tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, để phát triển loại hình du lịch CĐ tương xứng với tiềm năng sẵn có và kết hợp có hiệu quả với chương trình xây dựng nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 23/3/2017 về phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch CĐ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”, trong đó, chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch dựa vào CĐ, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong CĐ để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Hòa Bình. Hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của CĐ dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Phát triển du lịch CĐ cũng đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ gia đình là người dân tộc thiểu số, thu nhập cải thiện gấp nhiều lần so với trước đây chỉ làm nông nghiệp, đời sống tinh thần cũng được nâng lên một bước.
Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn tại khu vực miền núi, miền đồng bào dân tộc tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã bắt đầu phải đương đầu với một số khó khăn, thách thức và bộc lộ một số tồn tại hạn chế cần phải khắc phục như: Hệ thống đường giao thông kết nối các làng, bản, điểm đến du lịch CĐ còn nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, nước thải chưa được đầu tư đúng mức; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa tạo đc động lực để khách du lịch lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn; liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Để phát huy tốt lợi thế, đặc biệt là việc gắn kết giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, có thương hiệu. Phấn đấu đến năm 2025 đón 945 000 khách; 2030, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt 300 cơ sở Lưu trú CĐ để đón 1,6 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch CĐ chiếm 20% trong tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh; hỗ trợ xây dựng được 20 điểm du lịch CĐ; 30 sản phẩm hàng Lưu niệm - Nội thất - Trang trí về lĩnh vực du lịch đạt từ 3 sao đến 5 sao theo tiêu chuẩn bán hàng OCOP; hỗ trợ nhân rộng thêm một số mô hình phát triển du lịch CĐ cho các xã khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối giữa các điểm du lịch và một số hạng mục phụ trợ cho các điểm du lịch CĐ như: Đề án “Phát triển du lịch CĐ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”.
Kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch cộng đồng
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch CĐ để bảo tồn kiến trúc nhà, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của người bản địa để khai thác phát triển du lịch.
Phải công nhận các điểm du lịch CĐ và thành lập Ban Quản lý để ban hành Nội quy, Quy chế nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý tại các điểm Du lịch CĐ cũng như có quy định phân chia lợi nhuận nhằm đảm bảo lợi ích chung của CĐ.
Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, trang thiết bị tối thiểu phục vụ khách nghỉ); tạo cơ chế để hộ gia đình, cá nhân bà con dân tộc thiểu số tại các xóm có tiềm năng phát triển du lịch có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch CĐ.
Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch CĐ dựa trên những tài nguyên du lịch của địa phương như: Dịch vụ lưu trú cần chọn loại hình nhà ở phù hợp bản sắc văn hóa và nhu cầu của khách; dịch vụ ăn, uống thì cần nghiên cứu sâu về văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng dân tộc thiểu số tránh tình trạng lặp lại một vài món quen thuộc giống nhau; phải xây dựng chương trình văn nghệ dân tộc mang bản sắc riêng; các điểm du lịch CĐ cần nghiên cứu xây dựng các chương trình trải nghiệm khác biệt.
Nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các hộ kinh doanh phải tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh để nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp; nâng cao nhận thức trong CĐ về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển du lịch.
Thực hiện tốt công tác quảng bá du lịch: Xây dựng trang thông tin điện tử, video clip, sách ảnh, tờ gấp, giới thiệu về các điểm tour du lịch CĐ; tổ chức các đoàn Presstrip đến để viết bài, quay phim giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch CĐ cho du khách trong nước và quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động người dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về BVMT, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, đặc biệt là giữ gìn môi trường nước tại các điểm du lịch CĐ.
Lồng ghép các chương trình có nguồn vốn như chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, các dự án phi chính phủ để có nguồn lực hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, kỹ năng nghề thúc đẩy du lịch CĐ phát triển.
Hy vọng, với tiềm năng và lợi thế cùng những kinh nghiệm đã được rút ra hy vọng thời gian tới du lịch nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cất cánh, ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực; góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp bền vững.
BÙI THỊ HIẾU
Sở Lao động và Thương binh xã hội Hòa Bình