Hải Phòng không bị động trong việc khắc phục môi trường sau bão số 3
14/09/2024TN&MTĐó là khẳng định của ông Phạm Văn Thuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng khi ông cùng lãnh đạo Phòng Quản lý Chất thải rắn và Văn phòng Sở có cuộc trao đổi nhanh với nhóm PV Báo TN&MT vào sáng 13/9 tại Hải Phòng.
Ông Phạm Văn Thuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng và nhóm PV PV Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi về công tác bảo vệ môi trường sau bão số 3 vào sáng 13/9
Ông Phạm Văn Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng cho biết: Bão số 3 đã khiến một số vách kính, tường bao cửa Sở bị hư hỏng, tuy nhiên, rất may là không có thiệt hại về người, trang thiết bị và tài liệu lưu trữ.
Sau khi bão tràn qua, các lực lượng như: Công an, quân đội, Đoàn thanh niên… đã tích cực tham gia công tác dọn dẹp, nên đến nay, các tuyến đường trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã cơ bản được đảm bảo. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của các lực lượng, đến nay công tác môi trường sau bão số 3 tại thành phố Hải Phòng đã cơ bản được đảm bảo.
Các lực lượng chức năng tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường
Và để không bị động trong công tác tham mưu cho Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Phòng trong công tác phòng, chống khắc phục hậu quả của bão số 3, Lãnh đạo Sở TN&MT đã chủ động xây dựng các kế hoạch một cách kịp thời và liên tục. Cụ thể:
Ngày 5/9, Sở TN&MT Hải Phòng ban hành văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện trên địa bàn chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các xã, phường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản rà soát, thông báo đến tổ chức, cá nhân đang khai thác có phương án phòng chống bão bão số 3. Đồng thời, đảm bảo an toàn khu vực khai thác mỏ, không để xảy ra sạt lở núi và khẩn trương di dời người và thiết bị về khu vực an toàn…
Rác thải các loại được thu gom về nơi xử lý tập trung
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cũng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn như: Cơ sở sản xuất phân bón, hoá chất; Nhà máy Nhiệt điện (Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng); Cơ sở sản xuất xi măng, chế biến bã thạch cao; Các cơ sở xử lý chất thải, các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, dịch vụ vệ sinh môi trường… thực hiện việc rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao các hồ chứa chất thải, nước thải, bãi chôn lấp hoặc bãi lưu giữ chất thải của cơ sở để kịp thời cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo không gây sạt lở.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án, bố trí các nguồn lực sẵn sàng ứng phó với sự cố môi trường do sạt lở các hồ chứa, bãi thải, bãi chôn lấp chất thải và quản lý các khu vực, điểm tập kết chất thải đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, dịch vụ vệ sinh môi trường sau khi bão tan, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân…
Ông Phạm Văn Thuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng chia sẻ thông tin với PV Báo Tài nguyên và Môi trường sáng 13/9
Ngày 9/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng ban hành văn bản về việc rà soát thiệt hại và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Theo đó, yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, Công ty cổ phần Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng, Công ty cổ phần Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng khẩn trương thống kê khối lượng các vật liệu thải, cành cây gãy đổ, rác thải khác phát sinh do hậu quả của cơn bão số 3 gây ra.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cũng yêu cầu tạm thời điều chỉnh địa điểm xử lý chất thải rắn, cụ thể: khu xử lý Tràng Cát sẽ tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt thuộc địa bàn 4 quận (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An), tiếp nhận chất thải rắn là cành cây gãy đổ trên địa bàn thành phố để thực hiện tái chế, tái sử dụng; Khu xử lý chất thải rắn Gia Minh, hỗ trợ tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt thuộc địa bàn 3 quận (Kiến An, Đồ Sơn và Dương Kinh) và 3 huyện (An Dương, Kiến Thụy và một phần Cát Hải) trong thời gian Khu xử lý Đình Vũ tạm thời dừng tiếp nhận do điều kiện thời tiết; Khu xử lý Đình Vũ chỉ thực hiện việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt khi đảm bảo điều kiện về an toàn giao thông trong công tác vận chuyển và vận hành khu xử lý.
Lực lượng Công an tham gia dọn dẹp đường phố cùng người dân sau bão vào sáng 13/9/2024
Đối với vật liệu thải, cành cây gãy đổ phát sinh do bão số 3 gây ra thuộc địa bàn quận Đồ Sơn và một phần quận Dương Kinh, giao Công ty cổ phần Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng vận chuyển tập kết tạm thời tại 2 địa điểm: Bãi rác Đồ Sơn, khu đất thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở Ngọc Xuyên. Đồng thời, chủ động thống nhất với UBND quận Đồ Sơn và Dương Kinh để bố trí các địa điểm khác, để tập kết tạm thời vật liệu, cành cây gãy đổ phù hợp với thực tế thu gom, vận chuyển…
Để môi trường nói riêng và cảnh quan đô thị thành phố Cảng trở lại xanh, sạch, đẹp... còn rất nhiều công việc phải giải quyết. "Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng về môi trường do bão lũ gây ra. Đồng thời, chúng tôi sẽ tham mưu lên lãnh đạo Thành ủy, UBND TP một số giải pháp để có thể thực hiện phân loại ngay đối với rác thải do bão gây ra để vừa có thể xử lý triệt để, vừa có thể tái chế đối với các loại rác có thể tái chế tránh lãng phí "tài nguyên rác thải" nhất là đối với cây xanh, cành cây gãy đổ...” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng - Phạm Văn Thuấn thông tin.
Ngay sau khi trao đổi nhanh, ông Phạm Văn Thuấn đã cử cán bộ Phòng Quản lý Chất thải rắn thuộc Sở TN&MT Hải Phòng đưa nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường đi thực tế tại một số điểm trọng điểm trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường của thành phố. Báo TN&MT sẽ tiếp tục phản ảnh về công tác bảo vệ môi trường thành phố Cảng trong các tin bài tiếp theo.
Theo baotainguyenmoitruong.v