Đóng góp của ngành Công Thương trong công tác bảo vệ môi trường
12/08/2022TN&MTĐất nước ta đã trải qua thời kỳ đổi mới, bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với đó, là những vấn đề về ô nhiễm và bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm. Đến nay, Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi và thông qua 4 lần tương ứng với yêu cầu bảo vệ môi trường qua từng giai đoạn, trong đó, mới nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, phải đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 mới quy định rõ trách nhiệm về bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương. Ngay khi Luật có hiệu lực từ 1/7/2006, Bộ Công Thương đã giao Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp (nay là Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) là cơ quan tham mưu giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa
Thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về môi trường
Bên cạnh những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết. Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim,...
Để thực hiện tốt chức năng QLNN của Bộ Công Thương về BVMT trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật cụ thế là: Thông tư về quản lý môi trường ngành Công Thương, Thông tư về quản lý nhiệm vụ BVMT của Bộ Công Thương; Quyết định của Bộ Công Thương về xử lý tiêu thụ tro xỉ, thạch cao nhà máy nhiệt điện, hóa chất; Thông tư về quản lý hồ chứa quặng đuôi và Thông tư về quản lý cơ sở dữ liệu ngành Công Thương. Đặc biệt Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1375/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch BVMT ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025, đây là cơ sở để ngành Công Thương tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng ban hành các Chỉ thị để giải quyết các vấn đề môi trường được dư luận quan tâm, như Chỉ thị số 11 về việc tăng cường công tác BVMT trong toàn Ngành. Theo đó, Bộ Công Thương tăng cường giám sát các dự án có nguy cơ ảnh hưỏng đến môi trường, làm cơ sở yêu cầu doanh nghiệp từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường, lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định; Chỉ thị số 08 về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương hướng tới kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa tái chế gắn với ngành công nghiệp môi trường,... Ngoài ra, vào tháng 2/2017, Bộ TN&MT và Bộ Công Thương cũng đã ký Chương trình phối họp công tác về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017-2020. Lễ ký kết có ý nghĩa không chỉ riêng đối với hai Bộ trong công tác phối hợp chỉ đạo điều hành, mà còn là yêu cầu to lớn đối với đất nước, với nhân dân, là yêu cầu của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tích cực tham gia góp ý đối với Luật BVMT sửa đổi, các Nghị định của Chính phủ liên quan đến công tác BVMT và đề xuất các nội dung quản lý của Bộ Công Thương để đưa vào Luật và các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường
Hàng năm, Bộ Công Thương đều tổ chức đoàn kiểm tra về việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất thuộc ngành Công Thương, trong đó, tập trung chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có tiềm năng gây ô nhiễm cao. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra công tác BVMT tại 158 doanh nghiệp chủ yếu thuộc các ngành như nhiệt điện, hóa chất, luyện kim, khai thác khoáng sản,... Bên cạnh việc tổ chức kiểm tra định kỳ, Bộ Công Thương tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất về công tác BVMT theo ý kiến phản ánh của địa phương và các tổ chức, cá nhân; tham gia các đoàn công tác, kiểm tra làm việc về khắc phục sự cố môi trường Công ty Formosa Hà Tĩnh; giám sát thực hiện các kết luận thực hiện công tác BVMT của Đoàn Giám sát Quốc hội tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh,... Đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện các yêu cầu về BVMT đối với các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua luôn được tiến hành sát sao, thường xuyên, kịp thời chỉ đạo đế xử lý các vấn đề ô nhiễm phát sinh trong quá trình vận hành của nhà máy.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 140/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải”, hàng năm, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đến hết năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành: Hóa chất - phân bón, thép, nhiệt điện, thuộc da, sơn, giấy, gốm sứ - thủy tinh, nhựa, bia - rượu - nước giải khát. Dự kiến đến hết năm 2022, sẽ hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của ngành khai thác - chế biến khoáng sản, hiện trạng phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước.
Bên cạnh việc tập trung điều tra, thống kê về các nguồn thải trong các ngành công nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với một số lĩnh vực: Điều tra, đánh giá phát thải các họp chất POP, UPOP; phòng ngừa và kiểm soát việc phát thải thủy ngân; tăng cường quản lý tro xỉ, quản lý an toàn các hồ chứa quặng đuôi; phát triển công nghiệp môi trường,... để có các giải pháp quản lý phù hợp.
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường
Hàng năm, Bộ Công Thương xuất bản và đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự tài liệu về các hoạt động môi trường, phổ biến các văn bản chính sách mới trên các ấn phấm, tạp chí, báo in, báo điện tử của Bộ Công Thương. Đến nay, đã tổ chức hơn 40 các hội thảo chuyên đề, các khóa tập huấn, đào tạo chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách về môi trường thuộc các đơn vị. Ước tính mỗi năm có hàng ngàn lượt cán bộ quản lý, kỹ thuật ngành Công Thương đã được tập huấn, phổ biên, nâng cao nhận thức, qua đó, từng bước thay đổi cách ứng xử với môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và hiệu quả quản lý môi trường ngành Công Thương.
Về hình thức tuyên truyền đã có nhiều đổi mới, ngày càng đa dạng hóa, thu hút sự quan tâm cũng như hưởng ứng tích cực của mọi đối tượng tham gia hoạt động BVMT. Điển hình là Bộ Công Thương đã phát động các đơn vị bao gồm các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Cục, Vụ, Viện và Trường thuộc Bộ, triến khai các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng các ngày lễ môi trường như: Ngày Đất ngập nước thế giới, Ngày Nước thế giới, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới 05/6, Chiến dịch làm cho Thế giói sạch hơn,... Kết quả là các đơn vị đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các hoạt động hưởng ứng. Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ công nhân viên về ý thức BVMT, đẩy mạnh phong trào chống rác thải nhựa, nói không với túi ni long khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, chăm sóc và trồng cây xanh, vệ sinh khu vực làm việc, thu gom và vận chuyển các chất thải theo quy định của luật pháp, giữ gìn môi trường làm việc trong lành sạch đẹp
Định hướng nhiệm vụ trọng tâm
Một là, tập trung phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch BVMT ngành Công Thương.
Hai là, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về “Danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường” và “Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường” được giao tại Điều 141, Điều 142 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật BVMT.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các chính sách pháp luật về BVMT cho các đơn vị (các Sở Công Thương địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp ngành Công Thương) để tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực BVMT.
NGUYỄN TIẾN ĐỨC
Bộ Công Thương