Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện tốt và triệt để
04/12/2024TN&MTHiện nay các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đang có những mô hình chăn nuôi, vậy bên phía chính quyền địa phương có những hướng dẫn cũng như có định hướng như nào để cho việc xử lý môi trường đảm bảo. Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng nông thôn mới Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí đã có những chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn".
Chăn nuôi ngày càng có vị trí hết sức quan trọng trong cơ cấu của ngành nông nghiệp và có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống kinh tế xã hội của nhân dân, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và là cơ hội làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi là sự ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sức khỏe, đời sống của con người. Vì vậy, để chăn nuôi phát triển bền vững đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, thì công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện tốt và triệt để. Người chăn nuôi có thể áp dụng một số biện pháp, ứng dụng công nghệ nhằm xử lý môi trường chăn nuôi,...
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng nông thôn mới Hà Nội chia sẻ: Có thể nói mô hình chăn nuôi của Hà Nội là một địa phương đứng ở những tốp đầu về vấn đề chăn nuôi của Việt Nam, thực sự giá trị trong ngành chăn nuôi đã đem lại giá trị rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực nông thôn, đi cùng với sự phát triển chăn nuôi thì vấn đề bài toán để xử lý chất thải môi trường trong chăn nuôi là một bài toán đặt ra với nhiều nội dung cần quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ tại Hội thảo
Do đó, năm 2023, HĐND thành phố Hà Nội năm đã ban hành nghị quyết 08 để hỗ trợ xử lý. Trong đó, có nội dung hỗ trợ gọi là xử lý chất thải chăn nuôi và UBND thành phố cũng đã cụ thể hóa bằng kế hoạch về vấn đề xử lý chất thải trong ngành chăn nuôi cũng như là các khu vực nông nghiệp và phấn đấu đến năm 2025 thì 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp cũng được xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn vướng một số nội dung trong những nội dung chi và định mức chi.
Theo quy định của Trung ương đến thời điểm này chưa có những nội dung này, vì vậy, thời gian vừa qua thành phố đã chỉ đạo các đơn vị quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp phối kết hợp để tuyên truyền với bà con nhân dân những hộ sản xuất về vấn đề ý thức bảo vệ môi trường trong triển khai cho chăn nuôi và cũng đã và đang xây dựng những mô hình để từ đấy thúc đẩy sản xuất, phát triển tại cơ sở nhân dân trên diện rộng. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển năng lực bền vững theo mục tiêu trong giai đoạn tới, đặc biệt là chúng tôi cũng đang tập trung để xây dựng chương trình nông nghiệp phát triển nông thôn trong giai đoạn 2026 - 2030.
Với mục tiêu là nông nghiệp sinh thái nông thôn hiện đại và nông dân văn minh thì với Hà Nội chúng tôi sẽ định hướng về sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Hà Nội có rất nhiều các cơ quan nghiên cứu cũng như các chương trình hợp tác quốc tế cho nên xác định Hà Nội.
Thứ nhất là, sản xuất giống để từ đấy liên kết với các tỉnh đưa các sản phẩm giống ra các địa phương.
Thứ hai là, các sản phẩm đặc hữu của địa phương theo tiêu chuẩn hữu cơ cũng như trong đó liên kết từ sản xuất theo tuyến tiêu thụ và phải sản xuất theo tuần hoàn.
Thứ ba là, hợp tác các tỉnh để đưa những sản phẩm về Hà Nội. Có thể nói, Hà Nội có trên mười triệu dân thì đưa những sản phẩm an toàn đảm bảo tiêu chuẩn để đưa về thủ đô. Chúng tôi sẽ lựa chọn những sản phẩm có đặc thù của địa phương mà có tính cạnh tranh cao để từ đấy thay đổi mẫu mã chất lượng sản phẩm để đưa ra chất lượng sản phẩm gọi là đảm bảo đáp ứng được xuất khẩu của thị trường đích để từ đấy sẽ đẩy lên là đầu tàu kéo ra những các đơn vị tổ chức sản xuất và đặc biệt là sản xuất ở khu vực nông thôn thì phải gắn với du lịch văn hóa tâm linh cũng như là du lịch làng nghề nông nghiệp nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Qua đó, nhằm thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ trong địa phương, chính vì vậy, đối với môi trường nông thôn đây là một vấn đề sống còn trong giai đoạn tới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân bằng vấn đề phát triển kinh tế cũng như là chất lượng cuộc sống của người dân trong gia đoạn tới.
"Để xây dựng chương trình nông nghiệp phát triển nông thôn trong giai đoạn 2026 - 2030, đề nghị các địa phương cũng như các đơn vị tham mưu cho thành phố về lĩnh vực quản lý môi trường, nghiên cứu rà soát những khó khăn vướng mắc những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách và thực tiễn tổ chức sản xuất tại các địa phương từ đó đưa ra ý kiến đầu tiên xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để chuyển giao những bộ kỹ thuật mới và đặc biệt là việc liên kết với các doanh nghiệp với những tổ chức quốc tế để từ đó thúc đẩy vấn đề kinh tế tuần hoàn cũng như tạo ra một môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhằm thúc đẩy ngành du lịch gắn với nông nghiệp văn hóa của Hà Nội để thực sự xác định mỗi cái làng quê của Thủ đô là một miền quê đang sống". Ông Chí nhấn mạnh!
Việc thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam vào xử lý bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Qua đó, giúp nông dân vừa phát triển sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, về công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện tốt và triệt để. Nhằm giúp người chăn nuôi có thể áp dụng một số biện pháp, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. Ngày 03/12/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Việt (An Việt Group) phối hợp với Hiệp hội Công nghệ BMW, Công ty SanBi Sangyo, Công ty Cổ phần Takumi Shudan Sola (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn" (Gọi tắt là Công nghệ BMW).
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe và ghi nhận những ý kiến, trình bày, giải pháp ứng dụng công nghệ từ các nhà khoa học
Tại Hội thảo, Công nghệ BMW được mô phỏng theo hệ thống tuần hoàn của thế giới tự nhiên, tận dụng hiệu quả các chất hữu cơ từ đất, kích hoạt “vi khuẩn (vi sinh vật)” có sẵn trong đất. Qua đó, công nghệ đã được cấp bằng sáng chế và đang sử dụng rộng rãi trên thế giới, tiêu biểu là khu vực Châu Á.
Với Công nghệ BMW, là Công nghệ mượn sức mạnh của các vi sinh vật trong thế giới tự nhiên để biến nước thải hữu cơ (phân, nước tiểu) thành "Nước tốt cho động vật" bằng cách sử dụng vi sinh và đá bọt. "Nước tốt cho động vật" này sẽ giúp điều chỉnh đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giúp hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn tốt hơn, đồng thời, giảm mùi hôi của phân, phân lỏng được tái tạo thành phân bón cho cây trồng hoặc được tái sử dụng làm nước rửa chuồng trại chăn nuôi,...
Theo kế hoạch, TP. Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Sỹ Tùng