Đắk Lắk: Lễ hội Sầu riêng lần thứ II năm 2024, diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa
02/09/2024TN&MTLễ hội Sầu riêng năm nay diễn ra trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2/9/1945 - 2/9/2024). Chính vì thế (BTC) huyện Krông Pắc đã thống nhất chọn ngày phù hợp để chương trình hoạt động hiệu quả. Lễ hội Sầu riêng diễn ra từ (31/8 - 2/9/2024) đã tạo điều kiện để người dân và du khách có thời gian trải nghiệm.
Có thể nói lễ hội Sầu riêng lần thứ II là một trong những hoạt động quan trọng của người dân huyện Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Đây là dịp để người nông dân có cơ hội giới thiệu quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản trên thị trường quốc tế. Qua đó, thực hiện kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp. Mở rộng, đa dạng thị trường sầu riêng, hướng tới từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch, phát triển điểm đến tham quan, thưởng thức sản phẩm từ trái cây, đặc sản sầu riêng Krông Pắc.
Hàng ngàn người dân đứng hai bên đường xem biểu diễn nghệ thuật
Trong 2 ngày thực hiện, rất nhiều hoạt động trong chuỗi lễ hội sầu riêng đã được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Điều đáng nói trong đó chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố làm cho người dân náo nức quan tâm. Đến 15h ngày 1/9 đoàn người đổ về nườm nượp tại Trung tâm thị trấn Phước An, dọc theo hai bên đường Giải Phóng, hàng ngàn người dân được thưởng thức các chương trình nghệ thuật và chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa của địa phương.
Rồng biểu tượng của sự uy quyền, trí tuệ, mang lại may mắn, mưa thuận gió hoà
Đi đầu là đoàn voi, ở Tây nguyên từ bao đời nay, voi là loài vật gắn bó, gần gủi với người dân tộc thiểu số. Trong các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, loài voi đã đóng góp vai trò quan trọng trong chiến thắng Tây nguyên lừng lẫy. Ngày nay voi được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của vùng đất Tây nguyên. Tiếp theo là màn biểu diện rồng, người dân và du khách được xem rồng dài 120m biểu diễn nghệ thuật. Rồng ví như là một uy quyền, trí tuệ. Tương truyền rồng được tin là mang lại may mắn, mưa thuận gió hoà. Màn biểu diễn múa rồng cũng được xem như là một sự biết ơn.
Dẫn đầu đoàn vũ công, Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2024 Đinh Thị Hoa đảm nhiệm vai trò là đại sứ truyền thông cho lễ hội cùng với hơn 1000 thành viên câu lạc bộ, đội, nhóm, đồng bào các dân tộc tại địa phương, các ca sĩ, diễn viên, nhóm nhảy trong và ngoài huyện tham gia biểu diễn với nhiều màu sắc rực lửa. Được trực tiếp tham dữ và chiêm ngưỡng, tận hưởng hoạt động nghệ thuật đi vào lòng người, chương trình đã để lại ấn tượng mến thương trong lòng du khách khi nhắc đến “lễ hội sầu riêng” Tây nguyên.
Một số hình ảnh biểu diễn nghệ thuật đường phố:
Thương hiệu Sầu Riêng ở Tây Nguyên tự tin trên bước đường hội nhập
Rất nhiều người dân và du khách hân hoan tham gia lễ hội
Những thiếu nữ Tây Nguyên mặc áo dài, đội chiếc nón lá mang màu cờ đỏ sao vàng chào mừng ngày Quốc Khánh 2-9
Lễ hội có sự tham gia của cả học sinh tiểu học Trần Quốc Tuấn
Lễ hội cũng là dịp nhắc nhở và hướng cho thế hệ trẻ luôn phải trân trọng và gìn giữ bản sắc của buôn làng
Những điệu múa, trang phục của các thiếu nữa địa phương thật ấn tượng
Nét văn hóa của người dân tộc Ea Yiêng
Những chú Voi- Biểu tượng sức sống mãnh liệt của người dân Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung
Được biết, lễ hội lần này dịp để nhà nông, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, lan tỏa, phát triển ngành hàng sầu riêng cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác. Từ đó những hoạt động tại lễ hội sẽ góp phần thúc đẩy, phát triển hệ sầu riêng sinh thái sầu riêng bền vững, bảo vệ môi trường. Qua đó, từng bước phát triển từ nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển từ số lượng sang chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm từ sầu riêng và các sản phẩm cây ăn quả khác.
Hồng Hải