Đà Nẵng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua giáo dục STEM
06/10/2024TN&MTSTEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). STEM được hiểu là tích hợp, lồng ghép các kỹ năng nhằm người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm ứng dụng, có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang triển khai đa dạng chương trình, tiết học ngoại khoá,… nhằm giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh về bảo vệ môi trường. Trong đó, giáo dục STEM sử dụng vật liệu tái chế đang là xu hướng được nhiều trường học lựa chọn.
Là một trong những trường đã và đang đẩy mạnh áp dụng mô hình giáo dục STEM trong giảng dạy, trong các tiết học STEM của trường Tiểu học Trần Thị Lý (quận Hải Châu) giáo viên và học sinh nhà trường tận dụng một số nguyên liệu là đồ dùng đã qua sử dụng, rác thải nhựa… để sáng tạo thành những tờ rơi, mô hình mới. Việc tái chế đồ cũ trong hoạt động STEM giúp giảm chi phí chuẩn bị đồ dùng cho các tiết học; đồng thời giúp học sinh biết gom nhặt, tái chế, sáng tạo các sản phẩm từ rác thải.
Cô Nguyễn Thị Lệ Trung - giáo viên trường Tiểu học Trần Thị Lý cho biết, mỗi học kỳ của năm học 2024 - 2025, các lớp học sẽ tổ chức dạy 2-3 tiết giáo dục STEM cho học sinh với đa dạng chủ đề thuộc các môn: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Giáo viên sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp với từng môn học để hướng dẫn học sinh thực hiện các mô hình.
“Các vật liệu để học STEM rất dễ tìm kiếm, đa số là các vật liệu có sẵn tại nhà: ống hút nhựa, chai nhựa, giấy, bìa cát tông,... Mỗi buổi học, các em như một nhà sáng tạo, khéo léo sử dụng một số vật liệu đã qua sử dụng để tạo nên những sản phẩm hữu ích. Qua đó không chỉ giáo dục các em về những kiến thức thú vị của các môn khoa học, kỹ thuật,… mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua hoạt động này”, cô Lệ Trung nói.
Học sinh làm rạp chiếu bóng bằng bìa cát tông và đóng vai kể chuyện trước lớp
Hào hứng tham gia buổi học STEM, Hà Ngọc Uyên Vy (lớp 4/1) cho biết, đây là lần đầu tiên trong năm học Uyên Vy được tham gia sáng tạo với các vật liệu đã qua sử dụng.
“Hôm nay chúng em được cô giáo hướng dẫn cách làm rạp chiếu bóng bằng bìa cát tông, giấy, ống hút cũ. Em cùng các bạn trong lớp rất háo hức khi được cô giao nhiệm vụ về nhà chuẩn bị đồ dùng cho tiết học STEM lần này. Thông qua buổi học, chúng em hiểu về quy trình tạo nên rạp chiếu bóng mini, biết cách làm việc nhóm; đặc biệt biết trân trọng những vật dụng tưởng chừng như bị bỏ đi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tái sử dụng chúng hiệu quả”, Uyên Vy chia sẻ!.
Phan Bảo Tuyên Vy (lớp 5/2) bày tỏ niềm tự hào khi có thể tự tay thiết kế tờ rơi tuyên truyền về cách bảo vệ môi trường trong buổi học STEM vừa qua. Tuyên Vy cho hay, để hoàn thành tốt buổi học, trước đó học sinh cần chuẩn bị kĩ càng về nguyên vật liệu, đọc thêm sách và tìm kiếm thông tin liên quan đến môi trường trên internet và ghi chú những nội dung quan trọng.
“Trong sản phẩm STEM lần này, chúng em vẽ hình minh họa và ghi một số ý chính về những hiện tượng trái đất bị ô nhiễm, nguyên nhân của sự ô nhiễm đó và cách để chúng ta chung tay bảo vệ sự sống của trái đất. Cùng với đó, chúng em sẽ đóng vai là một tuyên truyền viên để trình bày, lan toả những thông điệp ý nghĩa và tầm quan trọng khi chúng ta bảo vệ môi trường. Em mong sẽ được tham gia nhiều buổi học STEM để thoả sức sáng tạo và thiết kế những sản phẩm mang nhiều ý nghĩa”, Tuyên Vy chia sẻ!.
Thiết kế tờ rơi tuyên truyền bảo vệ môi trường
Ngoài dạy STEM, thời gian qua, trường Tiểu học Trần Thị Lý tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục học sinh nâng cao ý thức bảo vệ trường học xanh, môi trường sạch đẹp.
Cô Trần Thị Kim Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ đầu năm học, trường đã có những buổi nói chuyện dưới cờ, tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn các em dọn dẹp vệ sinh trường, lớp, chăm sóc cây xanh, bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn khu vực nhà vệ sinh,... Qua đó giúp các em hiểu hơn về tầm quan trọng của môi trường, biết cách giữ gìn vệ sinh trường, lớp.
Cô Kim Hạnh nhận thấy, ý thức của các em học sinh tăng lên sau các tiết học, các buổi nói chuyện dưới cờ. Nhiều học sinh tự giác nhặt rác trên sân trường để bỏ đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông, chai nhựa,…
Thời gian đến, Trường Tiểu học Trần Thị Lý sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch cụ thể nhằm đồng hành và hướng dẫn học sinh nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, kích thích tinh thần tự giác, sáng tạo các mô hình nhằm lan toả ý thức bảo vệ môi trường đến học sinh toàn trường.
Bảo Loan