Cuộc thi ‘Sáng tạo xanh - Sống trong lành’: Phát động giải thưởng ‘Lan tỏa mạng xã hội’
22/10/2024TN&MTCuộc thi "Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời - Tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật" vừa chính thức phát động giải thưởng mới mang tên “Lan tỏa mạng xã hội”. Đây là cơ hội để các thí sinh/nhóm thí sinh thuộc 10 bài thi xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết lan truyền thông điệp bảo vệ môi trường một cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Ban tổ chức Cuộc thi "Sáng tạo xanh – Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời - Tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật" kỳ vọng, với giải thưởng này, thông điệp bảo vệ môi trường sẽ được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, khuyến khích sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân và tổ chức hơn nữa. Cụ thể, các thí sinh sẽ kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng bằng cách chia sẻ bài thi của mình trên Fanpage Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
1. Hướng dẫn tham gia giải thưởng “Lan tỏa mạng xã hội”:
- Các thí sinh và khán giả đăng ký theo dõi và ấn thích (like) Fanpage của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
- Like và chia sẻ (share) các bài viết của đội thi trên Fanpage để lan tỏa thông điệp đến cộng đồng.
2. Cách thức tính điểm:
- Mỗi lượt chia sẻ (share) được tính 2 điểm.
- Mỗi lượt thích (like) được tính 1 điểm.
Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ kiểm tra nghiêm ngặt và loại trừ những bài thi có dấu hiệu gian lận hoặc sử dụng các công cụ hack lượt like, share. Thời gian tính lượt tương tác sẽ kết thúc vào ngày 30/10/2024.
Giải thưởng “Lan tỏa mạng xã hội” sẽ được công bố tại vòng chung kết diễn ra vào ngày 05/11/2024 tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Đây là dịp để 10 bài thi xuất sắc nhất thuyết trình trực tiếp trước hội đồng giám khảo và cạnh tranh cho những giải thưởng cao quý của cuộc thi.
Cuộc thi không chỉ là sân chơi sáng tạo mà còn là nền tảng để kêu gọi cộng đồng chung tay hành động vì một môi trường sống xanh, sạch và an toàn hơn. Hãy tham gia ngay và góp phần lan tỏa những ý tưởng sáng tạo về bảo vệ môi trường!
Danh sách 10 bài thi lọt vào vòng chung kết gồm:
- Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm – Nhóm Straw Wood, Trường Đại học Trà Vinh.
- Từ rơm vàng đến lụa xanh – Mai Nguyễn Phương Nhi, Trường Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc Gia TP.HCM.
- Dự án máy cắt trộn rơm rạ – Nguyễn Thị Thùy Linh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
- Từ rơm thành giấy – Nhóm Sắc Lúa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Liên cấp Sentia - Trường Sedbergh Vietnam.
- Giải pháp giải quyết lượng rơm rạ dư thừa, tăng năng suất muối – Nhóm Trường học xanh, Đại học Sư phạm Huế.
- Làm lương khô từ rơm – Nhóm thí sinh D, Trường Đại học Hòa Bình.
- Giấy rơm dấu ấn tự nhiên cho tương lai – Nhóm Chuyến đi của Rơm, Đại học Khoa học Huế.
- Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá Xoan ta để kiểm soát sâu bệnh – Nhóm Lyole, Trường THPT Xuân Giang, Hà Nội.
- Chế phẩm trừ sâu thảo mộc – Giải pháp nông nghiệp tương lai – Đào Thị Thu Hương, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
- Viên nén rơm rạ - từ rác thải nông nghiệp thành sản phẩm hiệu quả với môi trường – Nhóm DTH, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cuộc thi được tổ chức bởi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), nhằm khuyến khích những sáng kiến bảo vệ môi trường từ chính những hành động thường ngày tại các vùng nông thôn.
Ngọc Huyền