Công tác xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động lấn biển tại Việt Nam
03/07/2024TN&MTViệt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững. Địa hình nhiều sông ngòi giúp các đồng bằng châu thổ của nước ta được mở rộng tự nhiên do phù sa bồi đắp hàng năm. Trên thực tế, hoạt động lấn biển tại Việt Nam đã và đang được thực hiện để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển. Tuy nhiên, do thiếu khung pháp lý điều chỉnh, đặc biệt do thiếu quy định về quản lý, sử dụng đất sau lấn biển nên đã dẫn đến một số vướng mắc trong triển khai thực hiện. Bởi vậy, việc Luật Đất đai năm 2024 đã chính thức “luật hóa” lấn biển khi dành riêng một điều luật (Điều 190) quy định hoạt động này nhận được nhiều kỳ vọng trong hoàn thiện tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nguyên tắc các hoạt động lấn biển tại Việt Nam
Hiện nay, hoạt động lấn biển được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Pháp luật đất đai có quy định nguyên tắc khuyến khích khai hoang, lấn biển; Pháp luật về đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến rừng phòng hộ lấn biển; Pháp luật bảo vệ môi trường quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; Pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; Luật TN, MT biển và hải đảo quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển,...
Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2025, tuy nhiên quy định về các hoạt động lấn biển tại Điều 190 luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2024. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.
Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị;
Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;
Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc một trong các khu vực sau đây thì chỉ được thực hiện khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển được quy định như sau: Bộ TN&MT giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển; thanh tra, kiểm tra hoạt động lấn biển và quản lý khu vực lấn biển theo quy định của pháp luật; Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động lấn biển; ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hoạt động lấn biển;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, giao đất, cho thuê đất để lấn biển, thanh tra, kiểm tra hoạt động lấn biển và quản lý, sử dụng khu vực lấn biển trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Việc giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển được tiến hành đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Khoảng trống pháp lý
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững. Địa hình nhiều sông ngòi giúp các đồng bằng châu thổ của nước ta được mở rộng tự nhiên do phù sa bồi đắp hàng năm.
Trên thực tế, hoạt động lấn biển tại Việt Nam đã và đang được thực hiện để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển. Hoạt động lấn biển đã được triển khai tại Việt Nam với dự án đầu tiên vào năm 1999 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành ven biển, trong đó có thể kể đến những dự án quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang,...
Tuy nhiên, do thiếu khung pháp lý điều chỉnh, đặc biệt do thiếu quy định về quản lý, sử dụng đất sau lấn biển nên đã dẫn đến một số vướng mắc trong triển khai thực hiện. Bởi vậy, việc Luật Đất đai năm 2024 đã chính thức “luật hóa” lấn biển khi dành riêng một điều luật (Điều 190) quy định hoạt động này nhận được nhiều kỳ vọng trong hoàn thiện tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Điều 190 Luật Đất đai năm 2024 chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc về hoạt động lấn biển và giao Chính phủ quy định chi tiết nên cần có nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để đưa nội dung mới của luật vào cuộc sống.
Về hiệu lực thi hành, Quốc hội cho phép Điều 190 Luật Đất đai (cùng với Điều 248 về sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp) có hiệu lực sớm hơn, từ ngày 01/4/2024 (các điều luật còn lại có hiệu lực chậm hơn 9 tháng). Như vậy, quy định về hoạt động lấn biển hiện đang ở trong trạng thái “luật chờ nghị định”.
Bình luận và gợi mở
Từ thực trạng nêu trên, có thể thấy lấn biển là vấn đề không mới ở Việt Nam, những là vấn đề khó, nhạy cảm, nhiều bất cập ngay cả từ góc độ chính sách, pháp luật cũng như trong triển khai thực hiện.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, Luật học cũng đã khuyến nghị về việc cần đầu tư ngay nguồn lực tốt nhất cho các hoạt động khảo sát tổng thể tất cả các vùng biển có tiềm năng về lấn biển bao gồm đánh giá điều kiện khí hậu thủy văn, tài nguyên ven biển, tác động môi trường, thủy triều, dòng hải lưu, độ sạch của nước, độ lắng đọng của bùn, kết nối sông suối, kết nối hạ tầng, các di sản và vùng đệm, sinh kế của người dân, khối lượng đào đắp, dự kiến cơ cấu sử dụng đất, sử dụng mặt nước, ước lượng giá trị của nền kinh tế biển,…
Trên cơ sở kết quả khảo sát, cần xây dựng quy hoạch cụ thể, xây dựng mô hình hóa các kịch bản nước biển dâng theo dữ liệu uy tín quốc tế để dự báo trước các tác động đến vùng bờ,… Chủ động tổ chức, quản lý, đầu tư, khai thác hiệu quả nhất không gian biển, ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế của ngư dân.
Cùng với đó là quan tâm tới việc hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật lấn biển trên cơ sở học hỏi, cập nhật kinh nghiệm tiên tiến của các nước. Những kinh nghiệm của Nhật Bản trong gia cố nền móng, kinh nghiệm của Hà Lan xây “tường trong đất” tạo đường bao ngoài ổn định cho công trình là những phương pháp hay mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi và phổ biến để áp dụng trên thực tế. Nếu cần thiết, có thể xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan. Nghiên cứu vật liệu mới, nhận chuyển giao công nghệ vật liệu mới phục vụ lấn biển để thay thế cát trong hoạt động lấn biển như New Sand (Cát Mới) của Singapore.
Theo các chuyên gia, kinh nghiệm thực tế tại các nước và Việt Nam cho thấy, cát tự nhiên vẫn là vật liệu chủ yếu để lấn biển. Do đó, việc duy trì và sử dụng hợp lý nguồn cát tự nhiên là đặc biệt quan trọng. Đồng thời cần tiếp tục duy trì, thực hiện chủ trương về không xuất khẩu cát tự nhiên theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đồng thời, cần kiểm soát, xử lý hiệu quả nạn “cát tặc”, nhất là cát tặc sử dụng tàu với máy hút công suất lớn hút cát dọc theo các bãi tắm biển làm thay đổi dòng chảy, sụt lún và xâm lấn bãi biển. Nghiên cứu, tận dụng các vật liệu tái chế, sẵn có, giá rẻ tại từng địa phương, từng khu vực để phục vụ lấn biển và xây dựng hạ tầng cũng là giải pháp cần được quan tâm.
Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu, học hỏi thực tế từ các quốc gia có thế mạnh về lấn biển để tìm kiếm những giải pháp phù hợp, hiệu quả cho Việt Nam khi hoàn thiện chính sách, thể chế liên quan là việc làm hết sức có ý nghĩa giúp phát triển kinh tế biển, khai thác bền vững, tối ưu hiệu quả tiềm năng của biển phục vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng, hàng hải trên các vùng biển của Việt Nam.
NGUYỄN THU LOAN
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 9 năm 2024