Công cụ 'mở khóa' hàng nghìn tỷ USD cho chống biến đổi khí hậu
13/09/2023TN&MTNguồn 'tài chính xanh' là một trong những công cụ cần thiết giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể nhanh chóng đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính, để chống biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu và El Nino khiến các con sông bị khô hạn, ảnh hưởng đến sinh kế của con người và các loài vật
Năm 2023 có thể được nhiều người nhớ đến vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt bất thường, cho thấy thực tế đáng sợ của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu tăng mạnh trên đất liền và trên biển đã gây ra các thảm họa như cháy rừng, hạn hán, bão và lũ lụt, cướp đi nhiều sinh mạng và gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng không phải ngoại lệ.
Là khu vực được cho là phát thải hơn một nửa lượng khí thải CO2 toàn cầu và là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước thảm họa khí hậu, châu Á-Thái Bình Dương có thể tạo ra sự khác biệt lớn bằng cách cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải nhà kính.
Trong nhiều thập kỷ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Thụy Điển và Vương quốc Anh đã chứng minh rằng các nền kinh tế có thể vừa phát triển vừa thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Hy vọng về một tương lai không có khí thải xoay quanh việc huy động đủ nguồn "tài chính xanh". Có những dấu hiệu đầy hứa hẹn, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, nơi việc phát hành trái phiếu liên quan đến tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) đã tăng từ 66 tỷ USD vào năm 2020 lên gần 200 tỷ USD vào năm 2021. Trái phiếu xanh là một công cụ ESG phổ biến ở châu Á-Thái Bình Dương, với số lượng phát hành đạt 110 tỷ USD vào năm 2022 và đang trên đà tăng thêm trong năm nay.
Nhưng nhìn chung, nhu cầu tài chính cho vấn đề khí hậu còn lớn hơn nhiều. Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey đã đưa ra mức chi phí hàng năm để thế giới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở mức đáng kinh ngạc là 9.200 tỷ USD.
Hàng nghìn tỷ USD có thể được huy động bằng cách khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ của khu vực tư nhân. Nhưng nỗ lực tăng cường tài chính xanh thường bị cản trở do thiếu các định nghĩa rõ ràng, chính xác và được quốc tế thống nhất về cách sử dụng nguồn tài chính như thế nào được coi là “xanh” và cách nào thì không.
Một hệ thống phân loại chung cho châu Á-Thái Bình Dương là phần còn thiếu quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu tài chính về khí hậu của khu vực này. Cơ chế này sẽ giúp giải phóng toàn bộ tiềm năng của tín dụng và đầu tư bền vững, đồng thời mang lại sự minh bạch, đồng nhất và độ tin cậy cao hơn cho các công cụ tài chính liên quan tới biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ ngăn chặn các hành động “quảng cáo xanh” (green washing- chỉ hành vi đưa ra những tuyên bố sai lệch về vấn đề môi trường của các tổ chức hoặc doanh nghiệp).
So với các khu vực mới nổi khác, các chính phủ châu Á đã đạt được tiến bộ đáng kể về phân loại xanh. Kể từ năm 2015, một số quốc gia đã công bố hệ thống phân loại quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Mông Cổ, Indonesia, Kazakhstan, Malaysia, Sri Lanka và Hàn Quốc, qua đó mang lại nhiều kỳ vọng hơn.
Mặc dù điều này đáng khích lệ, nhưng sự gia tăng nhanh các nguyên tắc phân loại xanh của từng quốc gia riêng biệt và các tiêu chuẩn tài chính bền vững có thể tạo ra sự nhầm lẫn và đặt ra gánh nặng cho chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ngược lại, hệ thống phân loại của Liên minh châu Âu (EU) về tài chính bền vững, được thông qua vào năm 2020, bao gồm 27 quốc gia. Hệ thống phân loại nhất quán xuyên biên giới này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định các cơ hội tài chính xanh ở các quốc gia khác nhau, nâng cao hiệu quả thị trường và giảm thiểu rủi ro cũng như chi phí tuân thủ giữa các khu vực pháp lý.
Hệ thống phân loại chung cũng cho phép các nhà đầu tư và tổ chức phát hành trái phiếu xanh so sánh tốt hơn về đóng góp của khoản đầu tư vào các dự án về môi trường như giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ngăn ngừa ô nhiễm hoặc bảo vệ đa dạng sinh học.
Hệ thống phân loại tài chính bền vững cho 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được phê duyệt vào năm 2021.
Ở quy mô rộng hơn, các tiêu chuẩn phân loại toàn cầu đang được phát triển. Việc xuất bản gần đây hai bộ tiêu chuẩn đầu tiên của Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) là một bước quan trọng khác nhằm thiết lập cơ sở toàn cầu cho các báo cáo phát triển bền vững.
Việc hài hòa và hợp nhất hơn các nguyên tắc phân loại và tiêu chuẩn có thể diễn ra nếu các quốc gia điều chỉnh hoặc áp dụng các cách tiếp cận khu vực và toàn cầu. Gần đây, Trung Quốc đã liên kết hệ thống phân loại xanh của nước này với hệ thống phân loại xanh của EU và một số quốc gia đang tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn công bố thông tin bền vững của ISSB.
Khi thị trường tài chính bền vững phát triển, dự kiến sẽ có những tiến bộ hơn nữa đối với các công ước quốc tế hoặc khu vực chung. Nhưng các tác động của biến đổi khí hậu gia tăng trong năm nay cho thấy cần phải có sự tiến bộ nhanh hơn nữa.
Các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á có thể đóng vai trò là người triệu tập và đối thoại để làm việc về phân loại quốc tế, giúp thu hẹp khoảng cách tài chính xanh toàn cầu. Điều này có thể giảm rủi ro cho người cho vay và người đi vay trong các giao dịch tài chính xanh, giúp dòng vốn xanh được luân chuyển và các dự án xanh được triển khai.
Đầu tư xanh sẽ dễ dàng được hài hòa và thực hiện hơn nếu các quốc gia trong khu vực lồng ghép chúng thông qua các giải pháp đổi mới, chẳng hạn như mô hình theo dõi kỹ thuật số. Điều này cho phép thu thập, xử lý, báo cáo và tiết lộ dữ liệu chính xác và theo thời gian thực các thông tin cơ bản cần thiết như lượng khí thải carbon của doanh nghiệp, qua đó giảm chi phí thẩm định.
Nhật Bản gần đây đã đạt được những tiến bộ trong việc phát hành trái phiếu xanh được theo dõi kỹ thuật số. Cách tiếp cận của họ có thể được nhân rộng ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á.
Việc hợp lý hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn tài chính xanh cần có thời gian. Các quốc gia phải hành động ngay bây giờ để tài trợ cho một thế giới không phát thải hoặc chuẩn bị cho một Trái Đất thường xuyên quá nóng.
Theo bnews.vn